Thưởng thức cá Tầm ở Thác Bạc
Thác Bạc là địa danh nổi tiếng nằm trong cụm các điểm du lịch ở Sapa, nhưng có lẽ ít ai để ý rằng nơi đây có nguồn thủy sản đặc sắc cá tầm và cá hồi.
Chỉ mất khoảng nửa tiếng từ trung tâm thị trấn Sapa, vượt qua đoạn đường khoảng 12 cây số đường ngoằn nghèo nhưng khung cảnh xung quanh tuyệt đẹp và nên thơ với một bên là những vách núi đá dựng đứng cao vời vợi, một bên là thung lũng Mường Hoa sâu hun hút, hai bên đường là những giàn su su xanh mướt mát của người dân xã San Sả Hồ, huyện Sapa.
Dọc đường đi đến Thác Bạc là những vách núi cao, những giàn su su
Thác bạc nằm ngay bên đường QL 4D, có độ cao ước chừng khoảng 200m đổ từ trên đỉnh núi cao. Đứng dưới chân thác nhìn lên cảm giác dòng nước trắng xóa đổ ào ạt như từ trên trời xuống, có thể nhìn thấy thác bạc từ xa ở nhiều góc độ khác nhau như từ núi Hàm Rồng ở thị trấn Sapa hay lầu chuông ở Trạm Tôn, khi đó thác bạc nhìn như một dải lụa bạc trắng nổi bật giữa nền xanh của núi rừng.
Thác bạc
Cũng ngay dưới chân thác bạc phía xuống dưới lưng chừng thung lũng là nhà hàng Thác Bạc, cũng là trung tâm giống cá Hồi và cá Tầm, trạm nghiên cứu thủy sản nước lạnh lớn nhất của cả nước, với nguồn nước được dẫn từ thác Bạc về.
Cá Tầm nuôi trong hồ nước lạnh
Buổi trưa hôm đó, trước khi tiếp tục hành trình các điểm tiếp theo, tại nhà hàng thác Bạc tôi đã tự dùng vợt bắt một con chú cá Tầm khoảng 4kg, sau đó được nhà bếp chế biến các món: cá Tầm sống mù tạc, cá Tầm nướng muối ớt và lẩu cá Tầm với măng cho một bữa trưa ngon lành với rượu táo mèo cùng với những người bạn đồng hành hôm đó trong thời tiết mát lạnh giữa lưng chừng sườn núi nhìn xuống Thung Lũng Mường Hoa tươi đẹp.
Cá Tầm nướng...
Băng rừng Hoàng Liên Sơn đến với thác Tình Yêu
Từ thác Bạc, mất khoảng 2 cây số đường đèo dốc cao và uốn lượn hiểm trở là đến Trạm Tôn, là trạm kiểm lâm nằm ngay trên QL4D. Từ đây bạn sẽ thực hiện hành trình băng rừng khoảng 3 cây số để vào đến thác Tình Yêu. Đầu tiên theo con đường lát đá xuyên qua một cánh rừng trúc, sau đó tiến sau vào rừng rậm với thảm thực vật đa dạng và phong phú. Qua khỏi cánh rừng rậm bạn sẽ gặp dòng suối Vàng trong vắt, mát lạnh. Đi ngược dòng suối Vàng sẽ đến với thác Tình Yêu.
Lối nhỏ lát đá xuyên qua cánh rừng trúc
Suối Vàng trong rừng Hoàng Liên
Rừng quốc gia Hoàng Liên nổi tiếng với nhiều loài thực vật quý hiếm, trên đường đi tôi bắt gặp rất nhiều cây thảo quả. Và đặc biệt là có những cây lá phong đỏ rực cả 1 góc trời, những chiếc lá đỏ rơi xuống vương vất như muốn níu chân người.
Lá phong vương vấn bước chân người
Thác Tình yêu có độ cao gần 100m. Thác bắt nguồn từ đỉnh Phan Si Păng rồi mang theo hơi lạnh của núi rừng chảy qua nền địa hình cao, dốc đổ xối xả, ào ạt xuống dòng suối Vàng tung bọt trắng xóa. Nhìn từ xa, bạn sẽ thấy dòng thác giống hình một chiếc nón, ẩn nấp thấp thoáng sau từng lớp nước mỏng chảy ở hai bên rìa thác là một thảm thực vật rừng xanh tốt; dưới chân thác, con suối Vàng óng ánh nghiêng mình uốn lượn với hai bên bờ là những thảm cỏ xanh mượt trải dài dưới chân những bụi trúc gai...
Thác Tình Yêu đẹp như tranh vẽ...
Trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ
Đèo Ô Quy Hồ hay còn gọi là đèo Hoàng Liên Sơn, cũng có người gọi là đèo Mây, là một trong số những cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ vào bậc nhất ở miền núi phía Bắc Việt Nam, có chiều dài khoảng gần 50 cây số đi vắt ngang qua dãy Hoàng Liên Sơn nối liền 2 tỉnh Lai Châu và Lào Cai.
Đường đèo Ô Quy Hồ hùng vĩ nhìn từ trên cao
Đèo có tên gọi là Ô Quy Hồ là bởi trước đây hay hiện diện một loài chim có tiếng kêu da diết, gắn liền với truyền thuyết về thác Tình Yêu - là nơi gặp gỡ của một nàng tiên trời và chàng tiều phu tên Ô Quy Hồ. Tuy nhiên vì không được sự đồng ý của nhà Trời mà đôi trái gái này không thể tới được với nhau. Cuối cùng vì nhớ người yêu, nàng Tiên trời đã hóa thành loài chim lông vàng bay quanh đỉnh núi kêu 3 tiếng Ô Quy Hồ da diết khôn nguôi.
Cũng có nhiều người gọi là đèo Mây bởi quanh năm nơi đây luôn có mây bao phủ, nhất là những buổi chiều sau khi hoàn thành hành trình chinh phục đỉnh đèo Ô Quy Hồ và trên đường trở lại thị trấn Sapa bạn sẽ thấy mây trắng kéo đến phủ đầy thung lung Mường Hoa, bạn sẽ có cảm giác như đang đứng bồng trên mây ngàn.
Trên đỉnh đèo quanh năm luôn có mây bao phủ
Đỉnh đèo Ô Quy Hồ hay còn gọi là cổng trời Sapa cách trạm tôn khoảng 2 cây số. Là điểm cao nhất của đường bộ Việt Nam. Là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của các tỉnh miền núi phía Bắc. Từ đỉnh đèo nhìn về hướng Lai Châu là chập chùng núi non và các thung lũng xanh mướt, con đường QL4D nối tiếp từ đỉnh đèo đi xuống nhìn như những sợi chỉ uốn lượn vắt vẻo và bổi bật trên các sườn núi xanh ngắt.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet