Nhớ lại chuyến du lịch Đà Nẵng hè năm ngoái, anh Tùng (Cầu Giấy, Hà Nội) lại bật cười ngao ngán. Năm đó, cơ quan tổ chức cho nhân viên đi du lịch, anh quyết định cho hai mẹ con cu Tí đi cùng. Tính ra từ lúc sinh đến khi 3 tuổi, Tí chẳng được đi đâu xa quá 40km.
Sáng hôm đó, cả nhà ra ga để đón tàu vào Đà Nẵng. Nhìn thấy quá nhiều người và xe, cu Tí sợ sệt, cứ nũng nịu gục đầu vào bố mếu máo. Rồi khi tàu rời ga được vài phút, vì say nên cậu quấy khóc, rồi nôn mửa tùm lum ra khắp người bố mẹ.
Nhìn con cứ lả người đi vì mệt, lại chẳng ăn uống được gì, vợ anh Tùng định xuống ga gần nhất rồi bắt xe ôm đi về, nhưng bị mọi người trong đoàn cản. Vậy là suốt cả hành trình, thay vì thảnh thơi nghỉ ngơi để lấy sức khám phá Đà Nẵng, vợ chồng anh Tùng chỉ loay hoay xoay sở cho cậu con trai mà mệt bã cả người.
Rút kinh nghiệm từ lượt đi, lượt về, anh chị chủ động chuẩn bị hành trang cho con “chiến đấu” trên tàu nên mọi chuyện khỏe re. Suốt cả chuyến đi, thay vì quấy khóc, cu cậu vui vẻ thưởng thức cảnh đẹp ven đường và luôn miệng hỏi han về những gì nhìn thấy. Lúc này, vợ chồng anh Tùng mới thở phào và cũng không khỏi tự trách mình: “Giá như ngay từ lúc đầu mình để ý đến chuyện này một chút thì lượt đi cả nhà đâu có vất vả như vậy”.
Hô biến cảm giác say
Những rắc rối mà anh Tùng gặp phải trong lần đưa con trai đi du lịch cùng gia đình có lẽ không xa lạ gì với nhiều ông bố bà mẹ. Được đi du lịch cùng gia đình sẽ khiến bé vô cùng thích thú, thế nhưng, khoảng thời gian ngồi trên tàu xe đến vài tiếng, thậm chí cả ngày lại chằng dễ chịu chút nào. Đa phần, các bé sẽ quấy khóc, mệt mỏi do say xe, thế nên, làm sao để mang đến cho con cảm giác thoải mái, dễ chịu nhất là điều mà bất cứ ông bố, bà mẹ nào cũng quan tâm.
Theo đó, để bé cảm thấy thoải mái nhất trong chuyến hành trình, đêm trước khi đi chơi, bố mẹ nên khuyến khích con ngủ sớm. Một giấc ngủ sâu, thoải mái sẽ giúp con tỉnh táo, khoẻ mạnh vào ngày hôm sau. Trước khi khởi hành, mẹ cũng đừng để con ăn no quá, đặc biệt là hạn chế những đồ béo.
Trong quãng đường di chuyển, bố mẹ không nên cho con đọc sách/truyện bởi việc tập trung vào những thứ này càng làm tình trạng say xe của trẻ trở nên tồi tệ hơn. Thay vì thế, hãy khuyến khích trẻ tập trung nhìn về phía trước, hướng đến những vật ở khoảng cách thật xa như cây cối, xe cộ, đồi núi,...
Âm nhạc cũng sẽ giúp bé không say tàu xe đấy. Thế nên, hãy bật những bản nhạc mà bé yêu thích, hát hò hoặc nói chuyện cùng con để con vui vẻ, thoải mái và tạm quên đi cảm giác nôn nao.
Gừng là bài thuốc dân gian hiệu quả chống say tàu xe |
Bố mẹ cũng có thể sử dụng thuốc chống say tàu xe cho con nhưng cần phải hỏi ý kiến của bác sĩ. Nếu không muốn sử dụng thuốc, mẹ có thể sử dụng gừng thay thế. Theo đó, hãy cho bé uống nước gừng trước khi lên xe hoặc ngậm gừng, ngửi gừng trong quá trình di chuyển. Việc ngửi vỏ quýt cũng có tác dụng hạn chế say tàu xe.
Ngoài ra, để cho bé cảm thấy thực sự thoải mái, mẹ nên mặc cho bé những bộ đồ chất liệu nên bằng cotton mềm, thoáng mát. Những trang phục bằng chất liệu jean hay váy vóc rườm rà thì nên tránh. Các mẹ cũng cần chú ý đến việc giữ nóng, lạnh trên xe cho trẻ nhé!
Bên cạnh đó, bạn cũng cần mang cho con 2-3 món đồ chơi để giúp bé giải trí. Mẹ nên chuẩn bị từ 1-2 món đồ chơi cũ bé thích nhất và 1-2 món đồ chơi mới, đề phòng những khi bé “trái tính”, không thích chơi đồ cũ.
Trước mỗi chuyến đi chơi, đồ ăn vặt cho bé cũng cần được chuẩn bị. Những thứ như kẹo, bim bim, bánh quy… ngày thường có thể bị cấm, nhưng khi trên tàu xe thì hãy cứ để bé được thoải mái.
Mỗi phương tiện, một lưu ý
Một điều cần lưu ý chung khi đi du lịch bằng các phương tiện công cộng, đó là hãy đảm bảo bé có đủ chỗ để nằm và một không gian đủ thoáng để hít thở. Bởi thế, bạn nên hạn chế cho con đi vào những dịp cao điểm như lễ, tết, hoặc đi sớm, về muộn hơn 1 ngày. Riêng với tàu hỏa và ô tô, tốt nhất, ở mỗi điểm dừng chân, bố mẹ nên cho bé ra ngoài để hít thở không khí và vận động nhẹ để lưu thông máu, tránh cảm giác tê mỏi tay chân.
Nếu đi bằng ô tô, hãy chọn xe có giường nằm cho trẻ, hoặc ít nhất là không để bé phải ngồi chung ghế với bố mẹ trong cả quãng đường dài (trừ trường hợp bé vẫn đang phải bế, ẵm). Các mẹ cũng không nên cho trẻ ngồi ở ghế đầu bởi khi xe xảy ra va chạm hay phanh gấp, bé có thể bị xô ngã, rất nguy hiểm.
Nếu có xe riêng, hãy sắm/mượn cho bé một chiếc ghế ngồi ô tô dành riêng cho trẻ nhỏ. Theo các chuyên gia, ghế trong ô tô hiện nay thường được thiết kế cho người lớn, trẻ em khi ngồi vào dễ bị dịch chuyển, lắc lư nên dễ say xe cũng như nguy hiểm khi đi qua những địa hình mấp mô, hiểm trở. Thế nên, nếu bé nhà bạn dưới 12 tuổi, nên lưu ý đến vấn đề này khi phải di chuyển trên quãng đường dài.
Tương tự, khi chọn chỗ ngồi trên tàu, hãy đặt vé ở khoang giữa, vì vị trí đầu và cuối toa tàu thường rất ồn ào và bị lắc khá nhiều. Nếu đi giường nằm nên chọn giường ở vị trí thấp cho bé vì quá trình tàu chạy sẽ có sự lắc lư, xô đẩy, khiến bé có thể bị ngã khi nằm ở tầng cao. Trên tàu, bố mẹ có thể để con đi lại, vận động nhẹ nhàng nhưng hãy nhắc con không được làm ồn để tránh làm phiền những người xung quanh.
Khi xác định cho con đi chơi bằng máy bay, bố mẹ nên đặt chỗ sớm qua mạng để có thể chọn chỗ tốt, đó là những ghế ở vị trí đầu. Lúc máy bay cất cánh và hạ cánh, việc thay đổi áp suất không khí có thể khiến bé ù tai. Để hạn chế cảm giác khó chịu này, hãy cho trẻ ngậm bình sữa/ti giả, uống nước. Bạn cũng có thể mang theo một quả bóng bay để cho bé thổi để ít bị ù tai.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet