Everest là điểm đến, là đỉnh cao mà bất kỳ ai cũng muốn chinh phục một lần trong đời
Nằm giữa biên giới Tây Tạng và Nepal, Everest là đỉnh núi cao nhất thế giới. Năm 2007, nó có độ cao 8.848 m so với mực nước biển. Do vận động kiến tạo địa chất, đỉnh núi này vẫn cao thêm 2,5 cm mỗi năm.
Người Nepal gọi đỉnh núi này là “Sagarmatha” nghĩa là “trán trời”. Còn người Tây Tạng gọi đó là Chomolangma tức “Thánh mẫu vũ trụ”.
Có thể nói khu vực núi Everest là nơi có môi trường khắc nghiệt nhất hành tinh. Nhiệt độ trung bình trên núi là -19 độ C vào mùa hè và -36 độ C vào mùa đông. Ngoài ra, độ cao của Everest cũng là một thử thách.
Người leo đỉnh Everest phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu oxy, trượt ngã, thời tiết băng giá, gió bão. Nhưng nguy hiểm nhất là những cột băng khổng lồ có kích thước bằng tòa nhà, những tháp băng bấp bênh sẵn sàng sụp xuống bất kỳ lúc nào. Nếu bạn bước vào sai chỗ đúng lúc cột băng di chuyển thì đó là tai họa khủng khiếp. Bạn sẽ không còn thời gian để nhảy ra ngoài, không có nơi nào để đi và bị nghiền nát.
Đỉnh cao chinh phục
Du khách trên đường chinh phục Everest (Ảnh: wiki)
Mặc dù cực kỳ khắc nghiệt nhưng ngọn núi tuyết bên rặng Himalaya hùng vĩ này luôn hấp dẫn du khách khắp nơi trên thế giới. Đứng trước Everest không những cho người ta thấy một thắng cảnh vĩ đại mà trên hết là cảm xúc được chinh phục thiên nhiên và vượt lên chính mình.
Kể từ lần đầu tiên có người chinh phục thành công đỉnh “Thánh mẫu vũ trụ” năm 1953 cho đến ngày nay, Everest vẫn là cái tên đầy khát khao của những nhà leo núi chuyên nghiệp. Hàng năm, riêng tại Nepal đã có hàng trăm người đăng ký chinh phục đỉnh Everest.
Không những có nghiệp vụ leo núi, thể lực tốt, gan dạ kiên trì, đó còn là cuộc chinh phục không dành cho người nghèo. Tại Nepal, người leo núi sẽ được chính phủ cấp phép sau khi đã đóng một khoản phí không nhỏ, trước kia là 25 ngàn USD/người và đầu năm 2014 đã hạ xuống 12 ngàn USD/người. Khoản phí đó bao gồm chi phí thuê người Sherpa (một dân tộc địa phương rất giỏi leo núi) và trâu yak (trâu lùn) thồ hành lý.
Người Sherpa - những người vô hình trên dãy Himalaya
Người Sherpa thồ hành lý trên hành trình chinh phục đỉnh Everest (Ảnh: Reuters)
Người Sherpa còn có nhiệm vụ dẫn đường, thiết lập thang dây trên những dãy núi tuyết. Có thể nói, không cuộc chinh phục Everest nào có thể thiếu những người Sherpa. Tuy nhiên, họ vẫn luôn là những anh hùng lặng lẽ, họ nhận tiền như một người làm công và đứng sau hỗ trợ các cuộc chinh phục.
Hai người Sherpa (tên gọi của những người Tây Tạng ở phía bắc Nepal, sống trong những ngôi làng ở độ cao 3.000 - 5.000m), Apa Sherpa và Phurba Tashi đang nắm giữ kỉ lục về số lần leo lên đỉnh Everest nhiều nhất thế giới. Cặp đôi này hoàn thành tổng cộng 21 lần chinh phục và chưa để xảy ra một sai sót đáng tiếc nào.
Một nghiên cứu do Mỹ tiến hành vào năm 1976 thấy rằng những người Sherpa ở Nepal đã có sự biến đổi gene để thích nghi với cuộc sống ở Everest, sau khi đã trú ngụ tại một trong những vùng đất cao nhất thế giới suốt hàng ngàn năm.
Tuy nhiên, người Sherpa không phải siêu nhân, họ cũng bị mắc chứng say độ cao như mọi người khác. Không ít người Sherpa đã tử nạn cùng với khát vọng đặt chân lên đỉnh núi tuyết của những người khát khao chinh phục nóc nhà thế giới.
Tháng 4/2014, một trận lở tuyết đã cướp đi sinh mạng của 16 người Sherpa - những người dẫn đường cho người leo núi trên đỉnh Everest - đỉnh núi cao nhất thế giới.
Nhiều con đường để khám phá Everest
Ngày 29/6/1953, Edmund Hillary (trái) và Tenzing Norgay đã trở thành những người đầu tiên lên đỉnh Everest
Ngày nay, du khách có thể đến Everest từ hai đường: Tây Tạng hoặc Nepal. Nếu là du khách bình thường thì có những đường mòn chở ngay tới trại nền (Everest Base Camp). Đứng ở đây, nếu may mắn gặp thời tiết tốt bạn có thể nhìn thấy đỉnh Everest. Hoặc nếu muốn ngắm đỉnh núi vĩ đại này từ trên cao thì bạn có thể mua vé cho chuyến bay khám phá Himalaya và đỉnh Everest xuất phát từ thành phố Kathmandu, thủ đô của Nepal.
Còn nếu là dân leo núi chuyên nghiệp thì việc chinh phục đỉnh Everest là một thử thách cần phải cân nhắc cẩn thận và chuẩn bị chu đáo. Đó là một cuộc chinh phục khắc nghiệt mà hàng trăm người leo núi đã phải trả bằng mạng sống của chính mình.
Theo tính toán một cách tương đối thì năm an toàn nhất trong hoạt động chinh phục Everest là 1993, thời điểm có 129 người lên đỉnh và 8 người chết (tỷ lệ thành công/thiệt mạng là 16/1). Năm chết chóc nhất trên Everest là 1996, khi có 15 người chết.
Cảnh hoang tàn tại Everest sau trận lở tuyết hồi đầu năm
Mới đây, Chính phủ Nepal cho biết, đang xem xét luật cấm leo đỉnh Everest đối với người già và người quá trẻ, mới tập leo núi, để đảm bảo an toàn cho du khách. Theo Mirror, đề xuất này bắt nguồn từ tai nạn lở tuyết khiến 18 người thiệt mạng hồi đầu năm, tiếp đó là trận động đất lịch sử ở Nepal.
Mohan Sapkota, người phát ngôn Bộ du lịch Nepal cho biết, chính phủ đang xem xét phê chuẩn luật cấm những người quá trẻ và quá già chinh phục đỉnh Everest. Những người khuyết tật cũng nằm trong danh sách cấm này.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet