Rất nhiều nhà kinh doanh đã nắm được tâm lý của phụ huynh có con thi cử, đã tung ra nhiều quảng cáo “đánh trúng thời điểm” như: “Con bạn học hành căng thẳng để giành một vé vào đại học”, “Trí nhớ là một ưu điểm để trẻ chinh phục tương lai”, “Thuốc bào chế từ thiên nhiên, cung cấp dưỡng chất dành cho não, giúp tăng cường trí nhớ, phù hợp với sĩ tử”.
Không khó để tìm thấy các loại thuốc bổ não, chủ yếu được nhập ngoại đang được các trang web rao bán với giá không hề rẻ, từ 700 nghìn đồng lên đến hơn 1 triệu 1 hộp. Hơn nữa, những sản phẩm xách tay không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Phụ huynh đừng lạm dụng thuốc bổ bão cho con mình trong mùa thi. (Ảnh: internet)
Tại một nhà thuốc lớn trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội), chỉ trong 1 buổi sáng, người viết đã chứng kiến 3 phụ nữ vào hỏi mua loại thuốc bổ não của Mỹ, Nhật. Theo tiết lộ của nhân viên bán thuốc tại nhà thuốc này, tính từ đầu tháng 5 đến nay, nhà thuốc đã nhập về hơn 300 hộp thuốc bổ não, nay đã tiêu thụ được gần 170 hộp.
Thuốc “dưỡng não” có làm sĩ tử “sáng trí” hơn?
Sự thật của các loại thực phẩm chức năng, thuốc “dưỡng não” có là một giải pháp toàn năng để tạo nên một “bộ não tốt” cho các sĩ tử?
Khi trao đổi với một dược sĩ tại Bệnh viện E về các loại thuốc bổ dưỡng não đang bán trên thị trường thì, được biết: Hầu hết các loại thuốc, thức phẩm chức năng bổ não có chứa thành phần gồm acid béo omega-3, vitamin D và B, cũng như một số hoạt chất thực vật nhất định cũng có thể đóng góp tích cực cho hoạt động của não. Theo dược sĩ này thì điều đáng bàn là các nhà thuốc đã “làm quá lên” công dụng của từng loại thuốc, để bán cho người tiêu dùng.
Ví dụ như Ginkgo Biloba, Brain Fuel chuyên dành điều trị chứng rối loạn tiền đình, thế nhưng khi phụ huynh hỏi mua cho sĩ tử thì nhà thuốc vẫn tư vấn là “dùng tốt”. DHA 1.000mg dùng để phát triển não bộ ở trẻ, còn đối với người trưởng thành thì hầu như không có tác dụng. Head Sup là thực phẩm chức năng có tác dụng điều trị chứng suy nhược thần kinh, nhưng được các nhà thuốc quảng cáo là tăng cường trí nhớ.
Tình trạng cơ thể suy nhược, thần kinh căng thẳng, luôn đối diện với áp lực của “tỷ lệ chọi” khiến các sĩ tử mệt mỏi, sụt cân, lo lắng.
Nói cho cùng, phụ huynh vì thương con mình vất vả việc học và thi, đã vội vàng tìm mua các thức phẩm chức năng, thuốc dưỡng não. Nhưng, chỉ một hộp thuốc dưỡng não lại thay thể được chế độ ăn uống khoa học, cân bằng trong cả năm? Điều này là hoàn toàn không đúng! Cũng như, chúng ta nên làm việc, học tập nên theo tình trạng sức khỏe của mình. Không nên bắt cơ thể phải làm việc quá sức rồi dùng loại thuốc bổ nào đó để bù đắp phần quá sức đó.
Sĩ tử cần ăn gì để não hoạt động tốt?
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, việc ăn ngủ điều độ có tác động nhất định đến khả năng tiếp thu bài của sĩ tử, đặc biệt vào giai đoạn ôn thi này.
Để có bộ não khỏe, hoạt động bình thường thì cơ thể con người cần duy trì chế độ ăn uống cân bằng, nghĩa là bao gồm carbohydrates (tinh bột và đường), protein (protein động vật và thực vật) và chất béo (đặc biệt là các acid béo thiết yếu).
Bộ não con người thường rất nhạy cảm với dao động lượng đường trong máu. Nếu cơ thể được cung cấp đủ glucose thì não sẽ hoạt động đầy năng lượng, khỏe khoắn.
Nước rất tốt cho bộ não bởi 75% bộ não là nước, vì vậy mỗi ngày cần uống 2 lít nước.
Ảnh minh họa (nguồn: internet)
Sĩ tử cần ăn nhiều trái cây và rau quả, như: dưa chuột, dưa hấu, các loại tảo biển, sâm... cũng là một cách tăng lượng nước cho cơ thể, một số trái cây họ cam quýt, ổi, cà chua, bắp cải, bông cải xanh, dâu mỗi ngày để bổ sung lượng vitamin C, đồng thời nâng hệ thống miễn dịch đủ mạnh để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một số thực phẩm cần ưu tiên cho sĩ tử ăn trong mùa thi, còn có: trứng, nấm, đậu phụ, các loại hạt, cá, sữa, sữa chua, rau xanh.
Các bậc phụ huynh cũng phải am hiểu những thực phẩm cung cấp protein dồi dào như: Protein động vật có chứa các acid amin thiết yếu và các khoáng chất quý giá như canxi (trong sữa bò, sữa chua, pho mát), sắt và kẽm (gan, thịt đỏ, cá, thịt gà, lòng đỏ trứng), iôt (cá và hải sản) và vitamin B12 ngăn ngừa thiếu máu. Còn protein thực vật được tìm thấy trong các loại đậu, như: đậu khô hoặc đậu đóng hộp, đậu xanh, đậu đỏ, đậu Hà Lan, đậu lăng hoặc đậu tương.
Những thực phẩm tốt cho não cần được bổ sung cho các sĩ tử trong mùa thi (Nguồn: Internet)
Còn các acid béo như acid béo omega-3 (EPA và DHA) rất quan trọng cho toàn bộ chức năng của não và hệ thần kinh trong suốt cuộc đời. EPA và DHA giúp các tế bào não giao tiếp và truyền tải thông điệp và cải thiện trí nhớ, giảm lo âu căng thẳng cũng như trầm cảm. Chúng được tìm thấy trong thức ăn cá và hải sản, đặc biệt là loại cá béo như cá mòi, cá ngừ, cá hồi, cá cơm và cá tuyết.
Còn nhóm vitamin cho não như: Vitamin D, vitamin B, gồm vitamin B1 (thiamine), B2 (riboflavin), B6 (pyridoxin), niacin, acid folic, biotin, acid pantothenic và vitamin B12, có tác dụng tích cực quan trọng đối với chức năng thần kinh và sức khỏe não bộ. Có thể tìm thấy ở ngũ cốc nguyên hạt, gan, thịt và rau lá xanh.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet