An Giang nằm ở phía Tây Nam Việt Nam, có đường biên giới với nước bạn Campuchia dài gần 100 km, là nơi thượng nguồn Mekong đổ vào nước ta, chia thành hai dòng sông Hậu, sông Tiền tạo nên mùa nước nổi đặc trưng hàng năm. Hệ thống kênh ngòi dày đặc nên giao thông đường thủy ở đây phát triển rất mạnh. Phần lớn mọi hoạt động giao thương mua bán đều diễn ra ở các bến sông hoặc chợ nổi, một nét văn hóa rất riêng của miền Tây.
Hầu hết du khách tìm về với An Giang đều đến những nơi quen thuộc như chùa Bà Châu Đốc, núi Sam, núi Cấm, lăng Thoại Ngọc Hầu, dãy Thất Sơn hùng vĩ, hay ngọn đồi Tức Dụp nổi tiếng (còn có tên gọi là đồi Hai triệu đô, vì ước tính trong thời gian chiến tranh, số lượng bom đạn mà Mỹ thả xuống đây tương đương số tiền trên). Tuy nhiên, còn có một An Giang rất khác, với những địa danh ít nổi tiếng hơn, mà với những người yêu phượt, thích khám phá những nét văn hóa địa phương, thì đây sẽ là những điểm đến thú vị.
Để khám phá một cách trọn vẹn vẻ đẹp bình dị của vùng sông nước miền Tây, bạn nên đi du ngoạn bằng xe máy, để có thể chủ động được thời gian và địa điểm muốn đi.
Trên đường đi ngang Đồng Tháp, đừng quên ghé qua cửa khẩu Thường Phước, nơi có cột mốc 240, và đây cũng chính là nơi dòng Mekong bắt đầu chảy vào Việt Nam. Từ nơi này nhìn ra, bạn sẽ cảm nhận được sự vĩ đại của con sông đã đi qua nhiều quốc gia. Bắt đầu từ Tây Tạng Trung Quốc, sông Mekong chảy qua Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, để rồi dừng lại ở Việt Nam, rẽ ra thành 9 nhánh tạo nên dòng Cửu Long huyền thoại đã vun đắp biết bao phù sa, tạo nên sự trù phú cho cả một miền Tây Nam Bộ rộng lớn.
Tiếp tục hành trình, bước vào địa phận An Giang, nơi đầu tiên bạn nên ghé qua là Búng Bình Thiên hay còn gọi là “hồ giếng trời”, nằm giữa sông Bình Di và sông Hậu. Hồ rộng khoảng 193 ha, là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất hiện nay ở miền Tây. Sở dĩ nơi đây trở nên đặc biệt, là vì nước trong hồ trong xanh quanh năm, mặc dù các kênh rạch gần đó lại đục ngầu phù sa, và nước ở hồ cứ dâng lên rồi hạ xuống chứ không chảy, tạo nên rất nhiều truyền thuyết về Búng Bình Thiên này.
Cư ngụ ở khu vực quanh Búng là đồng bào dân tộc Chăm. Chỉ cần đi dạo một vòng quanh hồ, bạn sẽ thấy được nét văn hóa đặc trưng của bà con nơi đây. Dân tộc Chăm hầu như còn giữ lại nguyên vẹn những sinh hoạt và tín ngưỡng riêng của mình. Những ngôi nhà sàn đầy màu sắc, ngôi đền Hồi giáo cổ kính, các bé gái Chăm e ấp trong những bộ đồ truyền thống, tất cả hòa quyện vào nhau vẽ nên một bức tranh quê bình dị. Bạn có thể xuống xe ở đây, lang thang trong xóm làng và bắt chuyện với người dân để tìm hiểu thêm về xứ sở này.
Điểm đến tiếp theo là rừng tràm Trà Sư, thuộc huyện Tịnh Biên, một huyện vùng biên giới. Đặc sản ở đây là thốt nốt. Bạn đừng quên ghé vào một quán ven đường, thưởng thức một ly thốt nốt mát lạnh để hạ nhiệt rồi lại tiếp tục chuyến đi nhé. Trà Sư là khu rừng ngập nước điển hình của vùng Tây sông Hậu, là nơi cư ngụ của nhiều loài chim nước, động vật hoang dã và thủy sinh vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng nước ta.
Vừa đến rừng tràm, bạn đã có thể cảm nhận sự trong lành và nguyên sơ nơi đây. Gió thổi rì rào mát rượi qua những ngọn cây, chim hót líu lo vang cả một góc rừng. Chiếc xuồng nhỏ từ từ đưa bạn len lỏi qua những rặng cây tràm, tiến sâu hơn vào rừng. Trên mặt nước bao phủ một màu xanh ngát của loại bèo cám, những bông hoa tràm trắng tinh rơi rụng khắp nơi. Bạn có thể thấy những chú cò sải cánh trên mặt nước tìm thức ăn, những chú bìm bịp đang gọi nhau í ới, những chích, những le le đứng đâu đó trên những cành tràm khẳng khiu. Cả một khu vườn vang rộn tiếng chim hót, hòa với màu xanh mặt nước. Không gian thanh mát đến không ngờ sẽ giúp bạn quên đi những bon chen mệt nhoài của cuộc sống, và ôm chầm lấy cả vùng không gian xanh này để tận hưởng từng khoảnh khắc ngọt ngào diệu kỳ của thiên nhiên.
Giữa rừng tràm có một khu tháp canh. Nếu bạn thích cảm giác được trải qua một đêm hoang vu ở rừng, sáng ra tỉnh dậy trong ánh bình minh với hàng ngàn tiếng chim hót đang hòa ca khắp nơi, hãy liên lạc với kiểm lâm để một lần trải nghiệm cảm giác tuyệt vời này.
Đồi Tà Pạ
Rời Trà Sư, bạn hãy tiếp tục thẳng hướng về Tri Tôn để ghé vào đồi Tà Pạ. Đây cũng là một địa danh không được du khách biết đến nhiều, nhưng lại quyến rũ biết bao nhiêu “dân phượt” tìm về. Đồi chỉ cao 120 m, trên đồi có ngôi tự Chun Num cổ kính được xây dựng theo lối kiến trúc của người Khơ-me.
Từ cổng chùa đi vòng ra phía sau tầm 200 m, bạn sẽ lên đến đỉnh đồi. Từ đây, bạn có thể phóng tầm mắt quan sát cả huyện Tri Tôn trù phú. Phía dưới là cánh đồng Tà Pạ đầy màu sắc, một bên là thảm lúa vàng rực, bên thì mạ mới lên xanh rì, điểm trên đồng là một vài cây thốt nốt cao vút. Xa xa là màu lam của khói đốt đồng, lững thững những chú trâu đang bước về trong ánh tà dương. Bác nông dân cũng vừa xong việc đồng án, quẩy gánh ra về sau một ngày vất vả lao đao.
Hẳn đây sẽ là một bức tranh chiều tuyệt đẹp gợi nhiều ký ức cho những ai đã từng đi qua tuổi thơ ở miền quê Việt Nam. Trên đồi Tà Pạ còn có một hồ nước trong veo xanh màu ngọc bích. Mặt hồ phẳng lặng như gương soi bóng núi non, mờ ảo phía sau là dãy Cô Tô hùng vĩ. Đây cũng là nơi hẹn hò lãng mạn của nhiều đôi trai gái địa phương tìm đến để trao nhau lời hẹn ước trăm năm.
Nếu bạn vẫn còn đủ sức khỏe rong ruổi cuộc hành trình, thì An Giang vẫn còn rất nhiều nơi cho bạn ghé thăm. Hãy đến thăm làng sen ở Thoại Sơn, rồi qua khu di chỉ văn hóa Óc Eo đang được khai quật, nghiên cứu. Hay leo núi Cô Tô, vãng cảnh chùa Bồng Lai, men theo dòng suối đến hồ Soài So, với khu vườn xanh mát bao quanh chân núi…
Thông tin phượt An Giang:
- Từ Sài Gòn theo hướng QL62 đến thị trấn Hồng Ngự – Đồng Tháp theo tỉnh lộ 841 sẽ tới cửa khẩu Thường Phước.
- Từ Thường Phước qua đò ngang tới Phú Lộc, Phú Lợi, Phú Hữu, Đồng Ky, hỏi đường qua Búng Bình Thiên.
- Từ thị xã Châu Đốc, rẽ trái khoảng 17 km đến thị trấn Nhà Bàng thuộc huyện Tịnh Biên. Từ đây, đi theo đường tỉnh lộ 948 đến Km số 6, tiếp tục rẽ trái đi theo một con đường nhỏ dài khoảng gần 4 km là đến rừng tràm Trà Sư.
- Từ chợ Tri Tôn đi hết đường Nguyễn Trãi một đoạn ngắn (theo hướng về khu du lịch đồi Tức Dụp), bạn sẽ bắt gặp cây lâm vồ to lớn. Đối diện với gốc cây cổ thụ này là cổng chùa Tà Pạ (người dân hay gọi là chùa Núi hay chùa Chưn Num theo tiếng Khơ-me), nơi bắt đầu con đường chính dẫn lên đồi Tà Pạ.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet