Mỗi ngày, ở Việt Nam có hàng triệu tin nhắn quảng cáo, chào mời dịch vụ, tin nhắn nặc danh, lừa đảo… gây phiền toái cho người dùng và đe dọa an ninh thông tin.
Thu hồi sim kích hoạt sẵn
Các tin nhắn này chủ yếu xuất phát từ các sim rác, là những sim thuê bao trả trước (TBTT), đăng ký thông tin chủ thuê bao không chính xác. Việc quản lý TBTT đến nay vẫn còn bất cập dẫn đến lượng sim rác, sim ảo vẫn tiếp tục tăng. Trước tình hình này, các nhà mạng vừa ký cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) triển khai các biện pháp quản lý chặt TBTT, xử lý quyết liệt nhằm giảm thiểu tin nhắn rác (TNR).
Tin nhắn rác vẫn gây phiền toái cho người dùng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo đó, từ ngày 1-11, các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile và Gtel triển khai thu hồi sim kích hoạt sẵn (sim rác) trên các kênh phân phối và xử lý nghiêm các đại lý, điểm bán vi phạm. Bộ TT-TT cũng vừa thành lập đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi sim rác trên hệ thống của các nhà mạng.
Chiều 3-11, MobiFone đã tham gia đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra chéo công tác thu hồi sim rác cùng các nhà mạng khác và lực lượng công an. VNPT VinaPhone cũng đang triển khai thu hồi sim rác và xử lý nghiêm các đại lý, điểm bán vi phạm lộ trình đã cam kết, bảo đảm 100% sim kích hoạt mới từ ngày 1-11-2016 trên tất cả kênh phân phối đều không có tài khoản tiền và lưu lượng (tài khoản bằng 0).
Sau 1 tuần thực hiện việc thu hồi, qua tìm hiểu, chúng tôi thấy nhiều cửa hàng ở TP HCM chỉ bán các sim “trắng” chưa kích hoạt, chưa đăng ký thông tin cá nhân. Tuy nhiên, nếu người dùng“ngỏ ý” muốn mua sim đã kích hoạt sẵn với lý do cần thêm sim phụ để sử dụng 3G và không muốn mất thời gian đến cửa hàng giao dịch của nhà mạng đăng ký thông tin chính chủ thì một số cửa hàng vẫn đáp ứng.
Tăng cường giải pháp cứng rắn
Theo thống kê từ hệ thống giám sát an ninh mạng của Bkav, mỗi ngày có tới 13,9 triệu TNR được phát tán tới người dùng tại Việt Nam, 48% người tham gia chương trình đánh giá tình hình an ninh mạng của Bkav cho biết họ phải chịu đựng TNR làm phiền mỗi ngày. So với năm ngoái, tỉ lệ này vẫn tiếp tục tăng dù năm 2015 đã có hàng loạt vụ xử phạt đối tượng phát tán TNR cũng như nhiều chế tài mới được các cơ quan quản lý ban hành. Đại diện Công ty An ninh mạng Bkav cho biết lợi nhuận khổng lồ thu về cho nhà mạng từ TNR có lẽ vẫn là nguyên nhân khiến vấn nạn này khó xử lý triệt để. Theo các chuyên gia, các cơ quan quản lý và các nhà mạng cần có giải pháp hiệu quả hơn và thực hiện quyết liệt thì mới hy vọng dẹp được TNR.
Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), các nhà mạng thường kiểm soát TNR theo phương pháp cũ, bằng cách ngăn chặn theo tần suất và từ khóa. Điều đó dẫn đến việc các sim rác vẫn tồn tại trên thị trường và mỗi khi có chương trình khuyến mãi thì lại được kích hoạt và thực hiện phát tán TNR. VNCERT đã phối hợp với Cục Viễn thông nghiên cứu đưa ra giải pháp xác minh số thuê bao phát tán TNR một cách tương đối chính xác và thời gian qua đã điều phối với một số nhà mạng để ngăn chặn, thu hồi các sim rác phát tán TNR trong vòng 1 năm, truyền thông rộng rãi đầu số 456 về TNR của VNCERT. Sở TT-TT TP HCM cũng đã khuyến cáo người dân không nên mua sim được kích hoạt sẵn, người dùng sử dụng sim loại này sẽ không được pháp luật bảo vệ trong trường hợp phát sinh các khiếu nại, khiếu kiện về dịch vụ.
MobiFone đang khẩn trương tích cực thu hồi sim kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối, góp phần làm trong sạch việc đăng ký, quản lý các TBTT, hạn chế tình trạng sim rác tràn lan.
Trong giai đoạn đầu, VNPT VinaPhone sẽ sàng lọc các thuê bao có dấu hiệu kích hoạt sẵn, thông tin thuê bao đăng ký chưa chính xác và thông báo yêu cầu khách hàng đến cửa hàng giao dịch VinaPhone đăng ký lại thông tin. Ngày 21-11, VNPT VinaPhone sẽ khóa dịch vụ đối với các thuê bao chưa đăng ký lại và bị thu hồi số theo quy định về hạn sử dụng tài khoản của TBTT. Sau đó, ngoài việc kiểm soát chặt chẽ thông tin thuê bao kích hoạt mới, VNPT VinaPhone tiếp tục rà soát định kỳ và nhắn tin mời đăng ký lại đối với thuê bao đăng ký chưa đúng quy định, khóa dịch vụ và thu hồi số đối với thuê bao không đăng ký lại thông tin.
Bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết Bộ TT-TT đang xây dựng dự thảo nghị định mới dựa trên nguyên tắc giảm thiểu thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng bán sim, điểm đăng ký tràn lan và quy trách nhiệm cụ thể của doanh nghiệp viễn thông. Dự kiến, nghị định sẽ được ký ban hành vào cuối năm 2016 đầu 2017.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet