quảng ngần là xã đặc biệt khó khăn của huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Xã nằm ở vùng đầu nguồn suối khoáng tự nhiên, có nhiều người dao sinh sống. Do trình độ sản xuất thấp và thiếu thông tin thị trường, 300 phụ nữ xã còn thiếu việc làm. Mới đây, chính quyền xã cùng các cơ quan, trong đó có Hội phụ nữ đã vận động các hội viên chuyển đổi ngành nghề theo hướng sản xuất hàng thủ công để phục vụ du lịch nhằm tạo việc làm, thu nhập cho phụ nữ Dao.
Ngành sản xuất mành cọ được lựa chọn để giải quyết việc làm cũng như phát triển bản sắc văn hóa dân tộc vùng núi Tây Bắc. Chính phủ Australia đã thông qua dự án hỗ trợ trực tiếp (DAP) để tài trợ khoảng 487 triệu đồng cho việc đầu tư mua máy móc, thiết bị, thu mua nguyên liệu và tập huấn kỹ thuật dệt mành cọ. Đây là vật dụng được sử dụng ở nhiều loại hình nhà ở bởi tính tiện lợi và rất dễ bán cho nhiều du khách.
Nếu như trước đây, phụ nữ dao chỉ làm được một tấm mành cọ trong một ngày thì nay nhờ có công nghệ và máy móc, họ có thể sản xuất ra 30 cái một ngày. Dự án DAP của chính phủ Australia làm việc trực tiếp với hà giang để biết người dân đang thiếu những gì và hỗ trợ họ trong thời gian nhanh nhất.
Khoảng 322 triệu đồng được 40 hộ dân đầu tư vào việc trang bị máy vót nan, máy cắt và công cụ chuẩn bị mặt bằng đặt máy, thu mua nguyên vật liệu, các dụng cụ và vật liệu phụ. Với chương trình này, phụ nữ Dao có thể học những bước cơ bản nhất và thực hành trực tiếp bốn loại máy móc để làm mành cọ.
Cứ đến buổi chiều sau khi hoàn thành công việc đồng áng, nhiều phụ nữ Dao lại tranh thủ làm chiếu cọ. Những sản phẩm làm ra nếu sử dụng không hết, họ đem bán lại cho khách du lịch như là một sản phẩm mang nét đặc trưng trong sinh hoạt thường ngày của người bản địa.
Từ khi có máy móc, phụ nữ Dao cảm thấy thích thú hơn khi chế tạo sản phẩm mành cọ thay vì làm thủ công mất nhiều thời gian như trước đây. Ngoài việc hỗ trợ chi phí sản xuất, chính phủ Australia còn xây dựng kế hoạch marketing và nâng cấp chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hơn thế nữa, việc phổ biến, nhân rộng mô hình và phát triển các nghề khác cho phụ nữ nghèo ở Hà Giang cũng được quan tâm.
Trong khi đó, ở xã lũng phìn , huyện đồng văn nằm giáp ranh biên giới Trung Quốc trước đây thường xuyên sử dụng vải với mẫu mã thiết kế của Trung Quốc để may trang phục. Chương trình áp dụng tại đây với mức kinh phí gần 300 triệu đồng thực hiện nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ Dao về nghề thêu dệt thổ cẩm và tập huấn cắt may trang phục dân tộc.
40 học viên được tuyển chọn tham gia lớp dạy nghề và tập huấn đều là những phụ nữ nghèo của huyện Đồng Văn. Với việc làm ổn định và thu nhập hàng tháng bình quân 3 triệu đồng/người, dự án có thể làm giảm tỷ lệ phụ nữ Đồng Văn sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp.
Bên trong xưởng may của phụ nữ Dao tại xã Lũng Phìn. 40 học viên này sẽ trở thành những người có tay nghề nòng cốt để truyền đạt lại nghề thêu dệt thổ cẩm và cắt may trang phục trong toàn huyện tại 19 xã, thị trấn.
Mỗi chiếc váy thổ cẩm được làm ra sẽ được bán với giá dao động từ 100.000 đến 200.000 đồng. Nhờ máy khâu, may cắt, phụ nữ Dao có thể sản xuất được nhiều bộ trang phục hơn trong thời gian ngắn.
Một phụ nữ Dao thích thú sau khi được đào tạo bài bản, chị đã có thể sử dụng máy khâu, cắt chỉ, thêu vải, hoa văn thành thạo.
Đại sứ Australia tại Việt Nam - ông Hugh Borrowman - vừa có chuyến thăm Hà Giang để nghiệm thu hai dự án dành cho phụ nữ người Dao. Ông Hugh Borrowman rất quan tâm tới tỉnh Hà Giang và đã dành nhiều dự án phát triển cộng đồng tại đây. Trong ảnh là Đại sứ Australia chụp ảnh selfie với phụ nữ Dao làm mành cọ tại xã Quảng Ngần trong chuyến đi tuần qua.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet