Ngay khi có thông tin về một số sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ nhỏ được sử dụng phổ biến ở Vương quốc Anh có hàm lượng nhôm cao, Cục An toàn thực phẩm đã rà soát các sản phẩm dinh dưỡng công thức nhập khẩu từ Anh đã công bố sản phẩm tại Cục. Cục đã chủ động liên hệ ngay với Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Vương quốc Anh (FSA) và Cơ quan An toàn thực phẩm của Châu Âu để có thông tin chính thức về vấn đề này.
Cục cũng yêu cầu Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia lấy mẫu, kiểm nghiệm hàm lượng nhôm đối với các sản phẩm Aptamil có xuất xứ từ Vương quốc Anh đang lưu thông trên thị trường Việt Nam.
Kết quả kiểm nghiệm do Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cung cấp cho thấy: trong các mẫu kiểm nghiệm, hàm lượng nhôm trong sản phẩm dao động từ 3,0 - 3,44 mg/kg. Kết quả này dưới ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả dựa trên số lượng mẫu kiểm nghiệm nhỏ. Như vậy, mức độ an toàn cho trẻ vẫn chưa thể khẳng định.
Liên quan đến mức giới hạn tối đa an toàn của nhôm trong thực phẩm, Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm của quốc tế và các quốc gia (trong đó có Việt Nam) chưa quy định, ngay cả đối với các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ.
Hàm lượng nhôm trong sản phẩm sữa Aptamil dưới ngưỡng cho phép
Năm 2011, trên cơ sở các nghiên cứu về độc học, Ủy ban hỗn hợp chuyên gia của FAO và WHO về phụ gia thực phẩm đã thiết lập mức ăn vào hằng tuần có thể chấp nhận được đối với phơi nhiễm nhôm qua thực phẩm là 2 mg/kg thể trọng/tuần.
Căn cứ theo kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và lượng ăn vào của trẻ, cục An toàn thực phẩm đã ước tính lượng nhôm phơi nhiễm tối đa có thể có đối với trẻ nhỏ khi sử dụng hoàn toàn sản phẩm dinh dưỡng (0,49 - 0,56 mg/kg thể trọng/tuần) là thấp hơn so với ngưỡng an toàn của JECFA nêu trên.
Trên thực tế, trẻ dưới 1 tuổi thường ăn sữa mẹ là chủ yếu và một số trẻ có thể sử dụng thêm sản phẩm dinh dưỡng công thức khi không đủ sữa mẹ. Do vậy, trong trường hợp này, mức phơi nhiễm nhôm vào cơ thể trẻ sẽ thấp hơn mức ước tính nêu trên.
Nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ, Cục An toàn thực phẩm tiếp tục chỉ đạo các cơ quan kiểm nghiệm tiến hành lấy mẫu trên diện rộng để kiểm nghiệm hàm lượng nhôm đối với các sản phẩm Aptamil xuất xứ Anh đang lưu thông trên thị trường.
Trước đó, ngày 16/10/2013 Cục đã gửi văn bản chính thức tới Đại sứ quán Anh tại Hà Nội để yêu cầu cung cấp thông tin có liên quan và các biện pháp mà Cơ quan thẩm quyền của Anh đã áp dụng để kiểm soát nguy cơ này.
Trước đó, một kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Anh vừa đăng tải trên nhật báo “BMC Pediatrics” cho thấy nhiều loại sữa bột công thức dành cho trẻ em bán ở nước này có hàm lượng nhôm cao gấp 100 lần so với sữa mẹ, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ nhỏ.
Các nhà nghiên cứu phát hiện dư lượng nhôm được tìm thấy trong nhiều sản phẩm sữa bột của các thương hiệu hàng đầu được bán tại Anh cao gấp 3 lần mức hàm lượng nhôm cho phép trong nước máy. Tiêu chuẩn an toàn của châu Âu là 200 microgram nhôm/lít.
Các sản phẩm sữa bị phát hiện bao gồm Aptamil, Cow&Gate và Hipp Organic. Các nghiên cứu trước đây cho thấy người hấp thụ hàm lượng nhôm quá cao có nguy cơ mắc các bệnh thần kinh, thoái hóa xương, mất trí nhớ… khi về già.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet