Bác sĩ Hoàng Bùi Hải, Khoa Khám Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh nhân N.T.B (Thanh Xuân, Hà Nội) được chuyển đến khoa trong tình trạng đã ngừng tuần hoàn: hôn mê sâu, ngừng thở hoàn toàn, không bắt được mạch cảnh.
Người nhà bệnh nhân cho biết, ngày 9/10, trong lúc đang ăn sáng, bệnh nhân đột ngột mất ý thức, ngã vật ra ghế. Gia đình vội gọi taxi đưa bệnh nhân đến cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Thời gian di chuyển bệnh nhân đến viện kéo dài khoảng 15 phút.
Ngay lập tức bệnh nhân được tiến hành cấp cứu. “Sau 45 phút cấp cứu liên tục theo quy trình gồm ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng oxy, tiêm thuốc adrenalin, sốc điện…tuần hoàn được tái lập”, BS Hải nói.
Bệnh nhân B. được siêu âm tim tại giường
Ngay sau khi tim đập trở lại, bệnh nhân đã được đặt nội khí quản, thở máy, duy trì thuốc nâng huyết áp. Các thăm dò tại chỗ như điện tim, xét nghiệm men tim và siêu âm tim tại giường xác định bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn do nhồi máu cơ tim cấp. Qua hỏi bệnh bác sĩ còn ghi nhận bệnh nhân có tiền sử bị tăng huyết áp và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
BS Hải cho biết, ngay sau đó các bác sĩ đã mời hội chẩn bác sĩ tim mạch can thiệp để xét chụp động mạch vành cho bệnh nhân.
“Sau 48 giờ an thần, thở máy chúng tôi đánh giá ý thức của bệnh nhân thấy các phản xạ còn, cho phép còn hy vọng bệnh nhân chưa bị mất não hoàn toàn. Gần 20 hồi sức tích cực, ngày 27/10, bệnh nhân đã được cai máy thở, rút canuyn mở khí quản. Tình trạng sức khỏe người bệnh hiện tại đã ổn định và được chuyển đến bệnh viện 108 để phục hồi chức năng theo tuyến bảo hiểm y tế”, BS Hải nói.
TS. Nguyễn Lân Hiếu, Trung tâm tim mạch Bệnh viện Đại học Y cho biết, sau 3 giờ từ lúc vào viện, bệnh nhân được kíp bác sĩ can thiệp mạch vành tiến hành chụp mạch vành cấp cứu kết quả có tắc hoàn toàn đoạn 2 và 3 của động mạch liên thất trước, động mạch vành bị tắc được tái thông bằng hút huyết khối, nong bằng bóng và một stent được đặt tại vị trí tắc. Kết quả can thiệp mạch vành tốt. Bệnh nhân được chuyển lại phòng Cấp cứu Hồi sức để hồi sức nâng cao”.
Sức khỏe của bệnh nhân B đã dần hồi phục
Trong y học, bệnh nhân ngừng tuần hoàn ngoại viện được cứu sống cũng không nhiều, đặc biệt cứu sống và không để lại di chứng thần kinh lại càng hi hữu. Bởi với những bệnh nhân bị ngừng tuân hoàn cứ 1 phút trôi qua mà không được cấp cứu đúng cách thì cơ hội sống sót giảm đi 10%. Ngay cả với việc được cấp cứu đúng cách, thì cứ mỗi phút trôi qua tuần hoàn không được tái lập thì cơ hội sống cũng giảm đi 4%. Với ca bệnh này, tuần hoàn được khôi phục sau 45 phút cấp cứu liên tục cũng là ít gặp. Từ trước đến nay, có những ca tương tự đã được báo cáo từ khoa A9 Bệnh viện Bạch Mai.
Để phòng ngừa những trường hợp ngừng tuần hoàn ngoại viện như thế này, bệnh nhân cần kiểm tra sức khoẻ định kỳ, đặc biệt là các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loại lipid máu, hút thuốc lá, có yếu tố gia đình mắc bệnh tim mạch cần tư vấn bác sĩ chuyên khoa thường xuyên, tuân thủ tuyệt đối tư vấn của bác sĩ về chế độ dùng thuốc, dinh dưỡng, theo dõi. Một khi bị đau ngực, khó thở, ngất… cần phải vào bệnh viện cấp cứu ngay. Nếu thấy người nhà đột ngột mất ý thức và ngừng thở như trường hợp này thì cần ép tim ngoài lồng ngực tại chỗ ngay, gọi cấp cứu ngoại viện đến hỗ trợ và đưa vào cơ sở cấp cứu gần nhất.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet