Các hãng xe trung quốc dần thu hẹp khoảng cách về chất lượng với đối thủ nước ngoài tại thị trường sân nhà, thị trường ôtô lớn nhất thế giới trong 7 năm qua, theo nghiên cứu mới từ một công ty tư vấn hàng đầu trong ngành.
Nhưng những bước tiến chưa đủ chuyển hóa thành thị phần toàn ngành trong năm nay. Thực tế này đặt ra câu hỏi, liệu họ có đủ năng lực để cạnh tranh như một hãng xe toàn cầu? Financial Times nhận định.
Cuộc khảo sát chất lượng hàng năm thị trường xe hơi trung quốc về vấn đề kỹ thuật và thiết kế trên 100 xe do J.D.Power, công ty nghiên cứu thị trường ở California thực hiện, với mẫu là 21.000 lái xe tại Trung Quốc.
Xe hơi Trung Quốc đang thua ngay trên sân nhà. |
Khảo sát ghi nhận 131 vấn đề cho mỗi 100 xe nội địa, trong khi con số trên xe của hãng nước ngoài là 95. Khoảng cách 36 điểm là nhỏ nhất trong lịch sử 7 năm làm nghiên cứu này của J.D. Power. Khi Trung Quốc vượt Mỹ trở thành thị trường xe hơi lớn nhất thế giới năm 2008, khoảng cách tới 145 điểm.
"Đó là minh chứng cho bước tiến mà các thương hiệu nội địa làm được trong những năm gần đây", Geoff Broderick, giám đốc J.D. Power châu Á Thái Bình Dương cho biết. Ông dự đoán, đến năm 2018, khoảng cách về chất lượng giữa các thương hiệu nội địa Trung Quốc và nước ngoài sẽ không còn, tức các xe có chất lượng mức ngang nhau.
Mặc dù có sự cải thiện ổn định về chất lượng kể từ năm 2008, nhưng các nhà sản xuất xe địa phương đã không tận dụng được lợi thế này trong năm nay khi có màn trình diễn nghèo nàn. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc, tổng thị phần phân khúc sedan của các thương hiệu nội địa giảm từ 25% về 20% trong năm nay.
SAIC Motor là hãng xe sở hữu nhà nước đang liên doanh với General Motors (GM) và Volkswagen. Mới đây, báo cáo của SAIC cho biết thương hiệu riêng nội địa thua lỗ 640 triệu USD trong 9 tháng đầu năm, trong khi thu nhập vốn cổ phần từ liên doanh là 3,6 tỷ USD. Robin Zhu, chuyên gia phân tích tại Bernstein Research thắc mắc "Tại sao SAIC phải sản xuất thêm thương hiệu riêng mà không chỉ tập trung vào thương hiệu liên doanh?"
Cũng như SAIC, hầu hết các hãng xe sở hữu nhà nước ở Trung Quốc dựa vào nguồn thu từ liên doanh của họ với hãng nước ngoài để tài trợ cho các hoạt động của thương hiệu riêng đang gặp khó khăn về tài chính.
Khu vực các hãng xe tư nhân Trung Quốc không liên doanh với các hãng nước ngoài thậm chí còn có hoàn cảnh tồi tệ hơn. BYD là hãng sản xuất xe điện ở Thâm Quyến, trong số các nhà đầu tư vào hãng có tỷ phủ nổi tiếng người Mỹ Warren Buffett. BYD vừa công bố lợi nhuận năm nay chỉ đạt gần 4,6 triệu USD, tức giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số xe điện và hybrid tăng không đủ nhanh để bù đắp sự sụt giảm mạnh trong mức cầu của xe chạy xăng.
Khảo sát hàng năm của J.D. Power cho biết khách hàng hài lòng với 62 nhãn hiệu và 212 mẫu xe. thị trường xe hơi trung quốc có tính cạnh tranh khốc liệt nhất trên thế giới, với số lượng thương hiệu nhiều gấp đôi còn số lượng xe nhiều gấp ba so với thị trường Mỹ.
Kiểu phát triển quen thuộc này khiến hầu hết giới phân tích cho biết tất yếu có hàng chục hãng xe và thương hiệu sẽ chết tại Trung Quốc, như những gì đã xảy ra trong ngành công nghiệp xe hơi Mỹ trong nửa đầu thế kỷ 20.
"Khách hàng Trung Quốc là những người sành điệu nhất thế giới bởi họ đã trải qua nhiều dạng hàng hóa và gần như mất niềm tin vào sản phẩm", ông Broderick cho biết, lưu ý một số vụ bê bối chất lượng trong những năm gần đây ảnh hưởng đến tất cả mọi thứ từ sữa bột trẻ em tới đồ chơi. "Họ luôn nhìn vào thực tế chất lượng sản phẩm, trong khi đó ở phương Tây khách hàng lại tin tưởng vào thương hiệu".
Theo J.D. Power, 40% lượng khách mua xe mới ở Trung Quốc đã trải nghiệm chiếc xe của mình, nếu không có lỗi sẽ giới thiệu thương hiệu để bạn bè và gia đình mua theo. Nhưng ngay sau khi chủ xe gặp vấn đề gì đó, tỷ lệ giới thiệu này giảm xuống 24%.
Đức Huy
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet