Tháng 10, Vietnam Motor Show, triển lãm lớn thường niên của các hãng lắp ráp diễn ra tại Hà Nội. Trong khuôn khổ không mấy rộng rãi của Cung văn hoá hữu nghị Việt-Xô, các mẫu xe chủ chốt của mỗi hàng nằm gần nhau, và tất cả đều là nhập khẩu. Sau đó không lâu, triển lãm của các nhà nhập khẩu tổ chức tại Sài Gòn, tất nhiên phải toàn xe nhập.
Honda giới thiệu Civic mới nhập khẩu từ Thái Lan, sẽ bán ra từ đầu 2017, mức giá chưa chính thức nhưng suýt soát 1 tỷ. Giới truyền thông và khách hàng Việt xôn xao, trong nỗ lực đưa Civic trở lại sau những sai lầm của thế hệ trước, hãng xe Nhật không lắp ráp để giảm giá thành đẩy doanh số mà chọn cách nhập khẩu.
Honda Civic mới sẽ nhập khẩu từ Thái Lan. |
Nhưng đó chưa phải tất cả. Ông Vũ Quang Tâm, phó tổng giám đốc Honda Việt Nam cho VnExpress biết, trong tương lai gần khoảng 2-3 năm tới, hãng sẽ tập trung lắp ráp một vài sản phẩm chủ chốt, ví như City, chiếc sedan nằm trong top 10 xe bán chạy nhất Việt Nam.
Hiện Honda lắp ráp City, Civic, CR-V và nhập khẩu Accord, Odyssey. Nhưng từ 2017, nhà máy sẽ chỉ còn dây chuyền cho City và CR-V. Nếu không có những biến động khác về chính sách thuế, phí, theo lộ trình giảm thuế nhập khẩu về 0% vào 2018, nhiều khả năng khi đó nhiều xe sẽ nhập khẩu từ Thái Lan. Lý giải cho nguyên nhân này, vị phó Tổng giám đốc chia sẻ, đó là cách làm tối ưu để mang lại lợi ích cho khách hàng và vẫn đạt những cam kết vĩ mô khác.
Khi thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0% vào 2018, xe nhập Thái Lan sẽ rẻ hơn so với sản xuất tại Việt Nam vì xe lắp ráp chịu thuế nhập linh kiện 10-30%. Bán xe nhập giúp khách hàng dễ tiếp cận hơn, doanh số nhờ đó cao hơn. Ngược lại, công suất nhà máy sẽ dồn sang cho City để đạt lợi ích kinh tế nhờ quy mô.
"Khả năng sản xuất càng nhiều, càng dễ giảm giá xe", vị này chia sẻ.
Với cách làm này, giá City cũng giảm nhờ quy mô sản xuất tăng, mang tới cơ hội bùng nổ cho thị trường.
Không chỉ Honda, một chuyên gia trong ngành cũng tiết lộ, Toyota Việt Nam cũng sẽ đi theo chiến lược này. Theo lộ trình thay đổi từ từ, trong vài năm tới nhà máy của hãng tại Vĩnh Phúc nhiều khả năng sẽ chỉ còn sản xuất hai mẫu xe ăn khách nhất là Vios và Innova.
Fortuner thế hệ mới cũng không còn sản xuất trong nước mà nhập từ Thái Lan. |
Nhận định này được minh chứng bằng chiếc Fortuner thế hệ mới mà Toyota ra mắt tại Vietnam Motor Show 2016 đầu tháng 10. Giống như Civic, Fortuner cũng sẽ bán ra từ đầu 2017 và nhập khẩu từ Thái Lan. Nhu cầu dịch chuyển từ sedan truyền thống sang xe gầm cao hoặc xe cỡ nhỏ khiến Camry và Altis dần đuối sức trong cuộc đua doanh số cũng là một cơ sở để hãng xe Nhật không còn mặn mà lắp ráp mà chuyển sang nhập khẩu.
Ford Việt Nam là hãng xe nữa thể hiện rõ thiên hướng nhập khẩu. Ông Phạm Văn Dũng, Tổng giám đốc Ford Việt Nam cho biết, mỗi năm hãng sẽ giới thiệu một mẫu xe nhập khẩu chiến lược tại thị trường Việt. Trước đó có Ranger, Everest nhập từ Thái Lan, mới đây Explorer nhập từ Mỹ và không loại trừ các năm tới sẽ tiếp tục là những mẫu SUV nhập khẩu từ thị trường này.
Chiếc crossover cỡ nhỏ EcoSport là mảng màu lắp ráp tươi sáng nhất của hãng ở phân khúc xe con, những mẫu lắp ráp khác là Fiesta, Focus đều có doanh số không tốt. Vị đại diện của hãng cũng khẳng định, tất cả đều xoay quanh bài toán kinh tế, mà viễn cảnh dễ thấy là nhập khẩu có lợi hơn lắp ráp.
Trong các thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), cái tên ngược dòng duy nhất là Trường Hải. Kia và Mazda đều chủ yếu lắp ráp. Một số mẫu xe nhập khẩu là Mazda CX-9, BT-50 hay Kia Rio, Sportage, Soul, Optima hay Quoris, tất cả đều có doanh số không cao.
Trường Hải tin có thể đương đầu với xe nhập khi thời điểm 2018 đang tới gần vì chính sách của hãng là giảm giá liên tục mỗi năm khoảng 5% từ năm 2016. Để làm được điều này, hãng phải cắt giảm tối đa lợi nhuận, thậm chí có những thời điểm chịu hoà để tăng trưởng doanh số.
Tập đoàn này tính toán, sang 2017 nếu sản lượng tăng khoảng 20% thì có thể giảm chi phí cũng như giá xe xuống 5%. Để sản lượng tăng thì doanh số cũng tăng, cách làm thiết thực nhất là giảm giá xe đều đặn hàng tháng và giảm sâu như cách mà Mazda và Kia đang thực hiện mùa mua sắm cuối năm.
Các hãng xe sang hầu hết đều nhập khẩu. |
Phần còn lại của thị trường xe phổ thông đều là các hãng chuyên nhập như Hyundai, Mitsubishi, Nissan, Isuzu. Phân khúc xe sang mọi chuyện còn rõ ràng hơn. Ngoài Mercedes có nhà máy tại Việt Nam, những BMW, Audi, Porsche, Jaguar Land Rover, Maserati hay siêu sang như Rolls-Royce, Bentley đều thuần thương mại kiểu nhập khẩu-phân phối.
Triển lãm xe là bức tranh thu nhỏ của thị trường. Ở cả hai triển lãm Vietnam Motor Show của các hãng lắp ráp và Vietnam International Motor Show của các hãng xe nhập đều chung đặc điểm: xe nhập chiếm ưu thế. Viễn cảnh thị trường toàn xe nhập không còn xa, khi những khác biệt thể hiện trực tiếp qua giá bán.
Với những lợi thế về chính sách và nguồn gốc, xe nhập khẩu, đặc biệt từ Thái Lan và ASEAN sẽ đe dọa sự thịnh vượng của xe lắp ráp, nếu không kể tới những chính sách can thiệp của chính phủ. Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa xe nhập và xe lắp về giá mở ra cơ hội tiếp cận ôtô dễ dàng hơn cho người Việt.
Đức Huy
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet