Theo website Chinhphu, dự thảo bổ sung mở rộng cho tất cả các loại xe đang được bán tại Việt Nam, bao gồm xe nhập khẩu và lắp ráp trong nước. Trước đó thông tư này chỉ quy định về bảo hành, bảo dưỡng với xe nhập khẩu. Các quy định dành cho xe lắp ráp trong nước nằm ở thông tư 30 của Bộ Giao thông.
Theo quy định mới, tất cả các đơn vị, gồm nhập khẩu và lắp ráp ôtô trong nước sẽ phải thực hiện việc triệu hồi (recall) khi sản phẩm vi phạm các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành bắt buộc. Xe gây nguy hiểm về sinh mạng và tài sản do lỗi kỹ thuật trong quá trình thiết kế, chế tạo và dù chưa gây tổn thất về người và tài sản nhưng qua quá trình sử dụng có thể gây nguy hiểm trong một số điều kiện nhất định.
Toyota Việt Nam đã thực hiện triệu hồi Innova vào 2011 do bị lỗi kỹ thuật. |
Với xe nhập khẩu, các đơn vị phải tiến hành triệu hồi sửa chữa nếu không sẽ bị rút giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng. Giấy chứng nhận này là một trong những điều kiện quan trọng nhất để đơn vị nhập khẩu được phép nhập xe theo thông tư 20.
Điểm trong quan trọng nữa là cơ quan quản lý sẽ căn cứ theo các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, các thông tin, kết quả điều tra để xem xét và đưa ra quyết định buộc thực hiện triệu hồi sản phẩm.
Trước đó, việc triệu hồi thường do các nhà sản xuất tự tiến hành, dưới các hình thức như "kiểm tra miễn phí". Thuật ngữ "triệu hồi" chỉ xuất hiện khi xảy ra sự cố kỹ thuật của Toyota Việt Nam năm 2011.
Ở các nước có thị trường ôtô phát triển, triệu hồi để sửa chữa là một động thái hết sức bình thường với người tiêu dùng, vì toàn bộ chi phí và trách nhiệm thiệt hại đã có nhà sản xuất chịu. Ngoài ra, đây cũng là cách giám sát chất lượng gián tiếp bởi chỉ cần một sơ xuất nhỏ cũng khiến các hãng thiệt hại hàng trăm triệu USD, hoặc hàng tỷ USD để khắc phục như vụ sữa chữa lỗi dính chân ga của 8,5 triệu xe Toyota.
Một cơ quan được chính phủ chỉ định, chịu trách nhiệm quản lý chất lượng và bảo vệ người tiêu dùng. Ở Mỹ, vai trò này được giao cho Cơ quan an toàn giao thông quốc gia NHTSA, còn Nhật và Hàn Quốc là Bộ Giao thông.
Để đưa ra quyết định triệu hồi một mẫu xe nào đó, cơ quan chức năng phải tiến hành những thủ tục cần thiết để không làm ảnh hưởng tới uy tín của các nhà sản xuất cũng như quyền lợi của người tiêu dùng. Nếu nhà sản xuất tự phát hiện lỗi, họ sẽ thông báo cho cơ quan quản lý về số xe, mẫu xe và đời xe phải triệu hồi. Hãng xe không được tự ý phát lệnh triệu hồi mà bắt buộc thông qua các cơ quan này.
Tại Mỹ, Cơ quan an toàn giao thông quốc gia NHTSA thường xuyên thu thập, thống kê ý kiến phản hồi từ khách hàng hay từ các vụ tai nạn. Nếu có quá số khách hàng theo quy định phàn nàn về một lỗi trên cùng một mẫu xe, Cơ quan này sẽ tiến hành điều tra. Trong trường hợp quá trình điều tra cho thấy lỗi trên là phổ biến, NHTSA sẽ yêu cầu nhà sản xuất xác định những chiếc xe bị lỗi được sản xuất trong khoảng thời gian nào để ra thông báo triệu hồi.
Trọng Nghiệp
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet