XE HẾT ĐÁT TRÀN LAN
Để tiết kiệm chi phí, chủ các cơ sở sản xuất nước đá tại TPHCM tận dụng xe máy loại Cub thời 78, 79... cho nhân viên chở đi giao đến các nhà hàng, khách sạn, quán nước, quán ăn... Không khó để bắt gặp hình ảnh người điều khiển xe không đội nón bảo hiểm, phóng hết ga trên những chiếc xe cà tàng, lạng lách giữa dòng người để kịp giao hàng. Đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) nhỏ hẹp, tuy nhiên, cứ mỗi sáng từ trong hẻm, những “tiểu hung thần” bắt đầu rú ga, chở những cây đá dài cả mét lao ra đường, kéo theo đó là sự lo lắng của người dân.
Nếu như những chiếc xe hết “đát” (hết hạn sử dụng) chở đá chỉ mang đến sự lo lắng cho người đi đường, thì việc “tiểu hung thần” dùng dây cố định bình gas loại 12kg phóng bạt mạng, lạng lách, đánh võng trên phố khiến ai nấy đều sợ hãi. Không những thế, nhiều trường hợp, các cơ sở kinh doanh gas còn cho nhân viên sử dụng xe kéo tay (loại để kéo các bao tải hàng hóa), buộc vào sau “tiểu hung thần” để chở gas.
Chở bình gas chạy bạt mạng
Ghi nhận tại một số cơ sở kinh doanh than nhỏ lẻ trên Quốc lộ 1A (quận 12), đường Bình Lợi nối dài (quận Bình Thạnh), đường Bế Văn Cấm (quận 7)... bất cứ giờ nào, những chiếc xe máy hết “đát” kéo theo một thùng sắt hoen rỉ chở đầy than thi nhau ra vào. Gọi là xe lôi “cải tiến” cho sang trọng, chứ thật ra những xe kiểu này chẳng khác gì một thùng sắt di động. “Chạy trên đường mà thấy mấy chiếc xe kéo cũ kỹ chở hàng là mình nên chủ động tránh ra. Lỡ nó rơi cái thùng sắt thì người đi sau lãnh hết”, anh Huỳnh Công Thành, (ngụ Bình Thạnh) chia sẻ kinh nghiệm khi gặp các “tiểu hung thần” trên đường.
Các loại xe hết đát này nhìn bề ngoài tồi tàn, cũ kỹ, nhưng thực chất nó đã được độ lại từ phuộc nhúng cho đến động cơ nên các “tiểu hung thần” chạy với tốc độ rất cao.
HẬU QUẢ KHÓ LƯỜNG
Không chỉ sử dụng các loại xe hết “đát” để chở hàng, người điều khiển còn không đội nón bảo hiểm, dùng xe máy đẩy các loại xe khác. Cảnh tượng hai thanh niên sử dụng xe máy đẩy một chiếc xe khác chở rất nhiều gỗ băng băng trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) vào chiều 28-2 khiến không ít người đi đường giật mình, tránh né. Người ngồi sau dùng thanh gỗ làm tay lái điều khiển xe đẩy. Mỗi khi muốn giảm tốc độ, tài xế xe máy dùng chân chồm sang xe đẩy đạp thắng. Trên các tuyến đường khác như đường Nơ Trang Long, Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh), xa lộ Hà Nội (kéo dài từ Thủ Đức đến cầu Sài Gòn, quận 2)... cũng thường xuyên xuất hiện những cặp đôi tương tự. Người lái, người đẩy ngang nhiên vi phạm pháp luật.
Chở hàng hóa cao quá đầu
Nhiều người đi đường thấy bất an khi gặp phải những “tiểu hung thần”. Anh Nguyễn Anh Tuấn bức xúc: “Ở TPHCM, xe cộ đông đúc, nhiều lúc ùn tắc ai nấy đều đi rất chậm, vậy mà những người chở gas, đá... cứ nẹt pô ầm ĩ, chen lấn bằng được để đi trước. Sao cơ quan chức năng không sớm thu hồi loại xe hết “đát”, xử phạt thật nghiêm những cơ sở kinh doanh sử dụng các loại xe này, hoặc phạt thật nặng những tài xế chạy ẩu”.
Kể từ ngày 1-1-2018, các loại phương tiện giao thông như môtô , xe máy, ôtô quá niên hạn sẽ bị thu hồi. Trước quy định đó, nhiều người cho rằng đây là việc làm cần thiết nhưng cần có giải pháp phù hợp. Việc thu hồi xe máy quá hạn sử dụng sẽ giải quyết được tình trạng "xe mù", xe không rõ nguồn gốc và giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet