Uber, GrabTaxi,... là một bước tiến so với hình thức gọi taxi truyền thống. Theo đó, các dịch vụ này sẽ hoạt động dựa trên một ứng dụng di động được cài đặt trên smartphone. Nhiệm vụ của người dùng khi sử dụng ứng dụng uber hay grabtaxi là gọi - nhận các cuộc taxi trực tiếp với nhau. Cụ thể, khác với dịch vụ taxi thường thấy, cả tài xế và khách hàng đều có thể trực tiếp liên lạc với nhau thông qua các thông tin đã khai báo cho dịch vụ mà mình tham gia.
Với tính mở như vậy, các dịch vụ trên đang ngày càng thu hút đông đảo người dùng là khách hàng và cả người lái xe. Tùy theo mỗi dịch vụ, nhà cung cấp sẽ có những yêu cầu đối với tài xế như loại xe, tình trạng xe cũng như các cam kết khác liên quan tới nghiệp vụ, giá cả, bảo hiểm khi tham gia và trở thành tài xế của dịch vụ đó.
Về phía khách hàng, họ có thể chọn cho mình một tài xế bất kỳ ở gần vị trí đang đứng dựa trên ứng dụng đã cài đặt. Theo đánh giá của một nhà cung cấp dịch vụ dạng này thì thao tác chọn lựa tài xế ở gần sẽ giúp rút ngắn thời gian chờ đợi và tài xế của tiết kiệm xăng hơn. Do đó, hiện các dịch vụ này đang hoạt động mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới và có xu hướng ngày càng mở rộng hơn.
...tới gọi xe ôm
Không chỉ vậy, mới đây còn xuất hiện thêm một dịch vụ kiểu mới là GrabBike có nguồn gốc từ MyTeksi của Malaysia. GrabBike đơn giản hoạt động tương tự Uber hay GrabTaxi, chỉ khác là dịch vụ này sẽ thay xe 4 bánh bằng xe máy 2 bánh (xe ôm). Ngoài ra, giá cả chuyến đi sẽ được ứng dụng tự động tính toán trước khi người dùng gọi xe dựa vào điểm đến mà người dùng đã chọn, thay vì sử dụng đồng hồ kilometer như dịch vụ gọi xe taxi.
Theo chia sẻ của đại diện GrabBike, so với các nước khác thì dịch vụ gọi xe ôm đặc biệt phù hợp tại Việt Nam khi ở Việt Nam đang có trên 37 triệu xe máy đang hoạt động, cũng như các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, hình thức này cũng giúp khách hàng và tài xế yên tâm về nhau hơn khi các cuộc gọi được hệ thống quản lý và lưu lại.
Mặc dù cả Uber, GrabTaxi và GrabBike đều đã và đang hoạt động ở Việt Nam, nhưng vẫn còn một số bất cập nhật định, như khách hàng không nhận xe, tài xế hủy chuyến với khách hàng, sự an toàn của cả hành khách và lái xe... Riêng với dịch vụ gọi xe ôm như GrabBike thì còn phải đào tạo tài xế sử dụng smartphone vì nhiều người trước nay chỉ sử dụng điện thoại cơ bản. Ngoài ra, việc đóng thuế như thế nào cũng là một vấn đề đang gây tranh cãi.
"Không đảm bảo 100% an toàn"
Tuy nhiên, đối với tất cả các dịch vụ kể trên, không một nhà cung cấp dịch vụ nào dám đảm bảo "100% an toàn" cho hành khách và cả tài xế trước sự trấn lột, cướp bóc.... Do đó, việc lựa chọn tài xế dựa vào thông tin trên hệ thống (hình ảnh, số điện thoại, biển số xe), và ngược lại, việc đón - trả khách sẽ đòi hỏi sự nhạy bén đánh giá độ uy tín từ chính người dùng. Chẳng hạn ở GrabBike, hệ thống đã có công cụ đánh giá tài xế để khách hàng tham khảo, nhưng hiện chưa có chế độ đánh giá khách hàng.
Mới đây, trang BuzzFeed cũng đã thực hiện một cuộc khảo sát thu nhập của tài xế khi tham gia ứng dụng Uber tại New York, Mỹ. Theo đó, họ đã phỏng vấn nhiều tài xế taxi ngẫu nhiên và nhận được câu trả lời khá khác nhau, như các khoảng thu nhập 15,22 USD, 21,17 USD, 27,54 USD, 32,90 USD, 36,88 USD, 37,12 USD hay 38,2 USD cho mỗi giờ cho thời gian làm việc từ 5,78 giờ tới 42,65 giờ/tuần. Tính trung bình BuzzFeed cho rằng mức thu nhập trung bình trong mỗi giờ của tài xế vào khoảng 31,61 USD.
Trong khi đó, tại Việt Nam, một bác xe ôm của dịch vụ GrabBike chia sẻ mức thu nhập cao hơn khoảng 2 lần so với trước kia. Song tương lai, có thể các nhà cung cấp dịch vụ sẽ có thêm quy định chặn trên về thời gian làm việc hay quãng đường đã chạy để chủ động bảo vệ sức khỏe cho tài xế.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet