"American Hustle" - nhà thiết kế Michael Wilkinson, Halston
American Hustle mang nét đặc trưng bởi phong cách thời trang của thời disco - những năm 1970 của thế kỷ trước. Nhà thiết kế Michael Wilkinson, vốn quen thuộc với các tác phẩm siêu tưởng như TRON: Legacy, Man of Steel, 300, Breaking Down... lại được đề cử Oscar đầu tiên trong sự nghiệp nhờ một bộ phim hài kịch.
Trang phục của các nhân vật trong "American Hustle". |
Không chỉ riêng Wilkinson, đóng góp vào sự thành công của thiết kế trang phục trong phim còn có Halston, một nhà thiết kế nổi tiếng với những bộ váy dài trong chính những năm 1970 và nhà mốt Diane von Furstenberg. Những bộ váy xa hoa, lấp lánh của Amy Adams và Jennifer Lawrence nhìn chung đậm chất vintage nhưng gây ấn tượng bằng những đường cắt xẻ mạnh mẽ, phóng khoáng, tiết chế tối đa phụ kiện đi kèm. Trong khi tài tử Christian Bale luôn tỏ ra lịch lãm và phô trương trong những thiết kế thời thượng nhất thời bấy giờ thì Bradley Cooper, trong vai một nhân viên đặc vụ, ban đầu lại diện trang phục cơ bản với vest trắng đen trước khi có sự cách tân phong cách dần dần sau đó.
Điểm mạnh trong American Hustle chính là cách định vị tầng lớp xã hội và cá tính nhân vật một cách tinh tế chỉ thông qua những bộ trang phục.
"The Great Gatsby" - nhà thiết kế Catherine Martin
Bộ sưu tập những váy áo xa hoa, hào nhoáng của The Great Gatsby là thành tựu xuất sắc của Catherine Martin, mặc dù không thể phủ nhận rằng chính bối cảnh bộ phim đã mang một lợi thế rất lớn và hình ảnh trang phục.
Trang phục trong "The Great Gatsby". |
Khoảng 500 bộ trang phục và khoảng 1.700 phụ kiện đi kèm dành cho các diễn viên, tất cả đều toát lên sự thời trang, lịch lãm của giới thượng lưu Mỹ thập niên 1920. Những bộ váy hàng hiệu xa xỉ cùng trang sức đắt tiền của nữ diễn viên Carey Mulligan đều là "con đẻ" của Miu Miu (nhánh con của nhà mốt lớn Prada) và hãng trang sức đình đám Tiffany.
Trong khi đó, đảm nhận thực hiện những bộ vest may đo hoàn hảo cho Leonardo DiCaprio là nhà mốt Brook Brothers, thương hiệu nổi tiếng chuyên thiết kế trang phục cho các đời tổng thống Mỹ.
Với kinh phí lên đến 100 triệu USD, thế giới thời trang thượng lưu của nước Mỹ ngày xưa được tái hiện đầy lộng lẫy và hào nhoáng, thừa sức hớp hồn bất kỳ tín đồ thời trang nào. Từng sáu lần được đề cử và giành hai giải Oscar trước đây với Moulin Rouge, Catherine Martin được kỳ vọng có chiến thắng thứ ba vào năm nay.
"12 Years a Slave" - nhà thiết kế Patricia Norris
Không hề có một bộ váy lộng lẫy nào xuất hiện trong 12 Years a Slave, nhưng điều giúp bộ phim giành được đề cử chính là sự chính xác và công phu trong từng bộ trang phục vào thời kỳ đó ở miền Nam Antebellum dưới góc nhìn của một người nô lệ.
Patricia Norris cho biết, những bộ trang phục của tầng lớp thấp được bà nhuộm bùn, phơi nắng, làm nhàu và mài mòn với nhiều mức độ khác nhau, nhằm nhấn mạnh sự thay đổi về trang phục của người nô lệ trong 12 năm lao động khổ sai dưới thời tiết nắng nóng khắc nghiệt. Tuy nhiên, chất vải vẫn là cotton để các diễn viên thoải mái khi đóng phim dưới cái nắng của phim trường Louisiana. Trong khi đó, trang phục của điền chủ thể hiện rõ đẳng cấp khác: giày và ủng nhập từ Italy, vải và trang phục vintage mua từ kinh đô thời trang London.
Cảnh trong phim. |
Brad Pitt, nhà sản xuất kiêm một vai phụ trong phim, từng nói đùa rằng: "Các diễn viên ra mồ hôi trong suốt lúc đóng phim. Vì vậy mà chúng tôi để một chiếc máy giặt và máy sấy tại phim trường để thuận lợi hơn. Nên chẳng cần phải làm cũ, đến khi quay xong phim thì quần áo của chúng tôi sẽ trở nên cũ kỹ như thời xưa!".
Nhà thiết kế 82 tuổi này từng giành được năm đề cử Oscar, và rất có thể bà sẽ thành công trong lần thứ sáu này với một tác phẩm thật đặc biệt.
"The Invisible Woman" - nhà thiết kế Michael O’Connor
Michael O’Connor là cái tên không còn xa lạ trong giới thiết kế trang phục phim vì ông từng một lần giành Oscar trong ba lần đề cử, với bộ phim The Duchess vào năm 2009. Với thế mạnh về trang phục của quý tộc châu Âu giai đoạn cận đại, O’Connor đã thổi hồn vào rất nhiều tác phẩm như Jane Eyre, The Last King of Scotland, Dredd…và lần này là một câu chuyện tình đậm chất cổ điển của thế kỷ 19 mang tên The Invisible Woman.
Một cảnh trong phim. |
Câu chuyện trải dài từ những năm 1830 đến thập niên 1850, một khoảng thời gian mà theo O’Connor là đã có sự tiến bộ về thời trang. Tuy nhiên, theo ông, khó khăn nhất lại là việc đưa hình ảnh nữ diễn viên Felicity Jones cùng các nhân vật nữ hiện đại về đúng thời kỳ đó, phải thiết kế sao cho họ sang trọng, quý phái nhưng vẫn phảng phất nét "xưa cũ" và "già đi khoảng 20 tuổi".
Vì thế, sự nền nã của các quý bà trung niên đã được thể hiện qua những bộ váy màu xanh rêu, xám tro hoặc xanh biển rất tối, trong khi các cô gái trẻ hầu như chỉ dùng màu hồng và xanh pastel. Họa tiết chỉ cần xếp ly, thêu ren, đắp hoa, nơ và ruy băng tinh tế là tuân thủ đúng với xu hướng thời trang thời bấy giờ.
Chỉ đứng sau The Great Gatsby về mức độ được kỳ vọng, The Invisible Woman hoàn toàn có khả năng cho ngôi vị cao nhất ở giải này tại Oscar năm nay.
"The Grandmaster" - nhà thiết kế William Chang Suk Ping
Một cái tên gây bất ngờ khi được xướng lên trong danh sách đề cử năm nay là The Grand Master. Đây là lần đầu tiên William Chang Suk Ping nhận được đề cử Oscar sau gần hai thập kỷ cộng tác cùng đạo diễn Vương Gia Vệ.
Bộ phim võ thuật với nội dung không mới, bối cảnh diễn ra vào giữa thế kỷ 20 ở Trung Quốc, kể về cuộc đời của người sáng lập môn phái Vịnh Xuân Quyền - Diệp Vấn (Lương Triều Vỹ thủ vai). Bộ phim có tông đen chủ đạo, với hình ảnh vị "nhất đại tông sư" đội mũ phớt trắng, áo vest đen, đi giày sắt để đương đầu với kẻ thù. Còn hình ảnh các nhân vật nữ (Chương Tử Di và Song Hye Kyo) mang màu sắc trung tính, nền nã, thanh lịch nhưng mạnh mẽ, phản ánh đậm nét truyền thống của phụ nữ thời Trung Hoa Dân quốc.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, đây là một bộ phim võ thuật gây ấn tượng ở kỹ xảo và hiệu ứng làm phim hơn là thiết kế trang phục. Vì vậy, nhà bình phim Joe Morgenstern cho rằng The Grand Master khó có khả năng làm nên điều bất ngờ.
Sao Mai
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet