ôtô là phương tiện di chuyển, người lái có già, có trẻ, có nam, có nữ, và không phải ai cũng hiểu về cách chăm sóc, bảo dưỡng xe. Trên thế giới có nhiều tài xế oái oăm thậm chí đến gàn dở. Độc giả của jalopnik gửi chia sẻ những câu chuyện thực tế, từ những người làm nghề.
Tôi đã nghe nhiều câu chuyện về những vị khách khó chịu, nhưng trường hợp của tôi mới thật khủng khiếp. Chuyên gia không phải là những người hoàn hảo, nhưng tất nhiên, chúng tôi không xứng đáng bị lăng mạ, tiếc thay đó là thứ thỉnh thoảng vẫn nhận được từ các "vị khách đáng kính".
Đó là tiếng la hét, hoàn toàn không phải đối thoại, họ la hét như căm giận lắm, đến mức sùi bọt mép, vì những thứ hết sức vô lý. Một số người gọi đến và mắng mỏ vì không thể tìm thấy xe khi đã bỏ chúng ở một nơi nào đó? Cái gì vậy, đại lý xe hơi đâu phải cảnh sát.
Còn thế này nữa, có khi tôi bị mắng vì không thể bảo dưỡng, sửa chữa, triệu hồi chiếc Ford của khách, à nhưng nhớ là tôi làm việc ở đại lý của Toyota nhé. Họ không gọi điện trước, mang chiếc xe của anh trai, hàng xóm, người yêu gặp sự cố tới đại lý, rồi quát tháo vì xe chưa thể khởi động được ngay lập tức.
Nhiều người lại còn than khóc, chỉ bởi vì đã 32.000 km rồi họ chưa thay dầu cho chiếc xe có tuổi đời 4 năm, đồng hồ ODO 80.000 km. Động cơ thì bó lại, và không được bảo hành.
Tôi nhận ra để khách hàng nghĩ họ là trung tâm của vũ trụ, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Rất nhiều khách hàng mang đến cảm tình, nhưng có người khác lại chỉ mang tới cãi vã, chỉ trích.
Khách hàng mà tôi "ghi nhớ" nhất là một cô nàng chưa đến 25 tuổi. Đại lý khuyên nên thay dây curoa khi xe đã chạy 5 năm, 94.000 km. Nhưng cô ấy không làm. Đến 104.000 km thì dây đứt, gây hư hỏng động cơ. Cô ta bắt đầu la hét, khóc lóc. Cuối cùng người bố đang sống ở nước ngoài chịu trách nhiệm sửa chữa và trả hóa đơn. Với ba lựa chọn là mua xe mới, xe đã qua sử dụng hoặc sửa chữa chiếc đang có, ông ấy chọn cách sửa chiếc hiện tại, với chi phí rẻ nhất nhưng thời gian cũng lâu nhất.
Khi đưa quyết định cuối cùng, tôi gọi hỏi xem ông có muốn thay bộ phận nào trên xe không. Tôi đặc biệt gợi ý nên thay bơm nước và máy phát điện. Ông ta nói "Không, lại phải thêm tiền, tôi chỉ muốn sửa với chi phí thấp nhất có thể, chỉ sửa những gì thực sự hư hỏng".
Tôi ghi chú ý kiến này vào giấy tờ, bởi vì còn nhiều khách hàng khác cần chăm sóc. Một tháng sau đó, chiếc xe cũng hoàn thành và trả cho khách, chiếc xe mà khi mang tới bẩn thỉu, sứt mẻ, trầy xước, lông chó đầy trên hàng ghế sau, khăn bẩn nhét trong túi McDonalds bên cạnh một nửa phần ăn bánh phô mai bơ trong cốp, ghế trước cháy lỗ rỗ vì vết tàn thuốc, đèn cảnh báo hết nhiên liệu sáng trưng.
Sáu tháng sau cô ấy gọi và trước khi tôi có thể mở lời chào hỏi như bình thường thì nhận ngay than phiền làm sao mà chiếc xe chúng tôi sửa lại bị rỉ dầu. Nhận xe, tôi phát hiện thực tế xe bị rỉ nước mát bởi chiếc bơm nước đã hỏng. Tôi tính toán sơ bộ chi phí. Cô ấy bắt đầu la lên một lần nữa tại sao lại phải thay thế khi chính chúng tôi là người đã sửa nó.
Tôi kể lại chuyện bố cô ấy đặc biệt từ chối thay thế khi tôi gợi ý lần trước và dòng ghi chú vẫn còn trong giấy tờ sửa chữa mà tôi đưa cô ấy cách đây 6 tháng. Nhưng nàng hét vào tai tôi trong điện thoại, trích nguyên văn nhé, "Bố tôi sẽ không bao giờ làm thế với con gái của ông ấy, (chửi thề)", cúp máy. 20 phút sau khi cúp máy, giám đốc quản lý hệ thống đại lý gọi hằn học "tại sao ả lại gọi cho tôi?".
Tôi kể cho anh ta lý do, giải thích cặn kẽ bố cô ấy đã từ chối. "Sửa nó đi, đừng để cô ta gọi cho tôi một lần nào nữa". Tôi gọi cô ấy đến, bỏ ra vài phút để kể lể mấy lý do nọ kia. Xe sửa xong, vị hành khách "đáng nhớ" tạm biệt, khuất con đường khi bóng hoàng hôn đã đổ dài.
(Còn nữa)
Đức Huy lược dịch
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet