Khả năng phát nổ của bình xăng có thể chia thành 2 trường hợp, tia lửa điện xuất hiện từ bên trong bình, hoặc do yếu tố bên ngoài tác động.
Xác suất rất thấp để tia lửa điện xuất hiện từ bên trong bình xăng. Theo một chuyên gia về điện lâu năm trong ngành động lực, nếu bình còn ít xăng, xe lại đi trên đường xóc gây ra hiện tượng sóng sánh. Trong một số trường hợp đặc biệt, sự cọ xát giữa các lớp xăng tạo ra hiện tượng tích điện. Quá trình phóng điện có thể xuất hiện nếu các khu vực tích điện trái dấu ở gần nhau, với một điện lượng đủ lớn có thể hình thành tia lửa điện.
Để hạn chế hiện tượng phóng và tích điện, nhà sản xuất thường thiết kế bình xăng có nhiều ngăn, và được nối mát để triệt tiêu sự tích điện.
Khi được hỏi về khả năng tia lửa điện xuất hiện từ cơ cấu đo mức nhiên liệu. Chuyên gia cho biết có thể có nhưng sẽ rất thấp. Xăng là chất có khả năng cháy nổ rất cao, nên không một nhà sản xuất nào đưa xe ra thị thường mà không tính đến phương án chống tia lửa điện. Tuy nhiên những điều “người tính không bằng trời tính” vẫn xảy ra.
Sơ đồ mạch điện báo xăng trên xe máy. |
Thiết bị đo mức xăng trên xe máy gồm 2 cụm chi tiết chính, cụm biến trở đặt trong bình, và cụm đồng hồ hiển thị.
Mức xăng thay đổi nâng hạ phao xăng làm điện trở của biến trở thay đổi theo, dòng điện chạy ra hai cuộn dây biến thiên, từ trường do cuộn nào sinh ra lớn hơn sẽ hút kim chỉ thị lệch về phía đó nhiều hơn. Các thông số điện trở, biến trở, cuộn dây… sẽ được tính toán để độ lệch của kim báo tỷ lệ với lượng xăng trong bình.
Cụm biến trở báo xăng trên xe dream . |
Rõ ràng trong bình xăng có tồn tại điện áp chênh lệch trên biến trở nên có nguy cơ tạo ra tia lửa điện. Nhưng dòng điện chạy qua tiếp điểm rất nhỏ và hiệu điện thế lại thấp nên khả năng tạo ra tia lửa không cao. Vị này cho biết thêm, từ trước tới nay chưa thấy có trường hợp nào cháy nổ do hiện tượng phóng điện từ cảm biến đo nhiên liệu.
Các tiếp điểm được để trần không có vỏ bọc. |
Những nguyên nhân khác
Bình ắc-quy là nguồn dòng vì khả năng tạo ra dòng điện lớn. Khi có hiện tượng đoản mạch, cường độ dòng đạt vô cùng, có thể làm nóng chảy cà-lê, thanh thép, hay dây máy khởi động...trước khi ắc-quy nổ. Vì một lý do nào đó, chi tiết nóng đỏ tiếp xúc trực tiếp với bình xăng, làm vỏ bình nóng cục bộ dẫn tới cháy nổ.
Tại Việt Nam, xe máy đã trở thành phương tiện phổ biến, chi phí để sở hữu một chiếc xe không còn quá cao so mới mức thu nhập bình quân. Thế nên, người sử dụng dễ có thái độ coi thường việc bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ, không ít trường hợp thay thế bằng linh kiện kém chất lượng mà không ý thức được rằng những điều đó có thể gây ra tai họa cho bản thân và những người xung quanh.
Thế Hoàng
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet