Bản đồ ngành công nghiệp ô tô đã liên tục biến chuyển trong suốt chiều dài lịch sử hàng chục năm qua. Đã có không ít những cuộc sáp nhập hay khai tử các thương hiệu xe hơi diễn ra vì khủng hoảng tài chính, doanh số sụt giảm, hoặc quy luật "cá lớn nuốt cá bé". Những trường hợp liệt kê dưới đây có tầm ảnh hưởng đáng kể nhất.
Geely (Trung Quốc) sở hữu Volvo
Tháng 1/2010, sau gần ba năm sau cuộc gặp mặt đầu tiên với giám đốc tài chính Don Leclair của Ford, Li Shufu, chủ tịch Geely công bố thông tin hoàn tất thương vụ mua lại Volvo từ hãng xe Mỹ trị giá 1,8 tỷ USD. Geely đã đầu tư nhiều tài chính cho Volvo để biến hãng xe Thụy Điển trở thành thương hiệu hạng sang, đặc biệt tập trung vào phân khúc SUV. Volvo cho thấy sự trở lại mạnh mẽ khi liên tục ra mắt các mẫu xe mới, thiết kế sang trọng và đề cao yếu tố an toàn. Volvo cũng gia nhập thị trường ô tô Việt Nam trong 2016.
Chrysler sáp nhập Fiat
Tháng 1/2014, Fiat hoàn tất hợp đồng mua lại số cổ phần trị giá 3,65 tỷ USD của Chrysler từ VEBA (Voluntary Employee Beneficiary Association), Quỹ chăm sóc sức khỏe công nhân nghỉ hưu, thuộc hiệp hội công nhân trong ngành sản xuất ô tô Mỹ UAW (United Automobile Workers). Fiat-Chrysler trở thành một trong những liên minh lớn nhất ngành công nghiệp ô tô. Thương vụ trên đã khiến liên minh này là một trong ba đại gia của ngành xe hơi Mỹ bên cạnh Ford và GM, giúp Fiat trở thành một trong những hãng xe lớn và sở hữu nhiều thương hiệu con nhất thế giới.
Ferrari tách khỏi Fiat-Chrysler
Sergio Marchionne - CEO của Ferrari, đã thông báo quyết định tách riêng thương hiệu siêu xe Italy khỏi công ty mẹ Fiat-Chrysler vào tháng 10/2014. Marchionne không chỉ muốn thương hiệu Ferrari hiện diện mạnh hơn tại thị trường Mỹ, mà còn tìm kiếm nguồn vốn hơn 50 tỷ USD trong kế hoạch thúc đẩy phát triển các thương hiệu như Jeep, Alfa Romeo và Maserati ra toàn cầu. Đầu 2016, đợt phát hành cổ phiếu đầu tiên tại thị trường chứng khoán phố Wall (Mỹ) mang về số tiền 10 tỷ USD cho Ferrari với giá trị mỗi cổ phiếu 52 USD.
Genesis thành thương hiệu xe sang
Tháng 11/2015, ban lãnh đạo Hyundai quyết định tách riêng dòng Genesis - trở thành phân mảng xe sang độc lập để cạnh tranh với các đối thủ. Sản phẩm đầu tiên của thương hiệu xe sang Genesis là G90, mẫu sedan cỡ lớn cạnh tranh với các đối thủ như Mercedes S-class, BMW serie 7. G90 cũng phân phối tại thị trường Việt Nam bắt đầu từ 2016 với hai phiên bản động cơ: 3,8 lít V6 và 5 lít V8. Hộp số tự động 8 cấp.
Toyota 'mua đứt' Daihatsu, khai tử Scion
Đầu tháng 1/2016, Toyota công bố quyết định mua nốt 48,8% số cổ phần còn lại trị giá hơn 3 tỷ USD của Daihatsu - một trong những thương hiệu ô tô lâu đời nhất Nhật Bản. Với thương vụ này, Toyota có toàn quyền kiểm soát nhà máy sản xuất xe cỡ nhỏ có quy mô bậc nhất tại Nhật Bản, Indonesia và Malaysia.
Bên cạnh đó, hãng còn quyết định khai tử thương hiệu con Scion vào tháng 2/2016, chấm dứt 13 năm hiện diện của nhãn xe dành cho giới trẻ ở thị trường Mỹ. Doanh số sụt giảm là nguyên nhân chính dẫn đến kết thúc này. Những mẫu xe còn sot lại của Scion giờ đây sẽ tiếp tục mang thương hiệu Toyota.
Nissan thâu tóm Mitsubishi
Tháng 4/2016, Mitsubishi điêu đứng vì scandal gian lận khí thải và tài chính thua lỗ đến 1,4 tỷ USD. Tháng 10/2016, Nissan đã công bố hoàn tất thương vụ mua lại 34% cổ phần Mitsubishi Motors với giá 2,2 tỷ USD để trở thành cổ đông lớn nhất, nắm quyền kiểm soát nhà sản xuất ô tô Nhật Bản này. Liên minh Renault-Nissan có thêm thành viên, vươn lên trở thành thế lực mới trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, đe dọa đến ông lớn General Motors (GM), tập đoàn hiện đứng thứ ba thế giới về doanh số tiêu thụ.
Opel và Vauxhall về tay PSA
Ngày 6/3/2017, ngân hàng Pháp BNP Paribas và PSA - tập đoàn sở hữu hai thương hiệu Citroen và Peugeot, công bố đã mua đứt mảng kinh doanh tại châu Âu của GM với trị giá 2,3 tỷ USD. Quyết định "rút chân" khỏi châu Âu sau gần 90 năm gắn bó của GM bắt nguồn từ tình hình kinh doanh thua lỗ của hai thương hiệu con Opel và Vauxhall trong những năm gần đây. Đồng thời tập đoàn ô tô Mỹ muốn dồn lực để đẩy mạnh sự hiện diện của mình tại châu Âu ở phân khúc xe cao cấp và SUV, địa hạt vốn bị thống trị bởi bộ ba Đức Mercedes-Audi-BMW. Còn Opel và Vauxhall hợp nhất với PSA để tạo nên hãng xe lớn thứ hai châu Âu chỉ sau gã khổng lồ Volkswagen (Đức).
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet