Sự phát triển nhanh như vũ bão của ngành công nghiệp thời trang giá rẻ đã khiến những phân xưởng sản xuất hàng “mì ăn liền” mọc lên như nấm sau mưa rào. Để tiết kiệm chi phí sản xuất, các hãng thời trang bình dân đã chọn những nước đang phát triển, có nguồn lao động dồi dào như Bangladesh, Campuchia, Ma rốc, Ấn Độ để đặt phân xưởng sản xuất.
Quang cảnh xập xệ bên trọng một nhà may gia công hàng thời trang bình dân
Về bản chất, sự đi lên của thời trang bình dân giúp giải quyết vấn đề việc làm cho các nước nghèo. Tuy nhiên giá cả thuê rẻ mạt cộng thêm nhiều chủ xưởng tự ý cắt bỏ quyền lợi của người lao động khiến các phân xưởng trở thành nơi nhấn chìm tuổi thơ của nhiều cô cậu bé, và là địa ngục trần gian của lao động nữ đến tuổi sinh sản.
Tuổi thơ bị nhấn chìm trong nhà xưởng
Giới chuyên gia thời trang từng nhiều lần đặt câu hỏi: “Vì sao các thương hiệu bình dân lại sản xuất được với giá rẻ thế?”, và họ phải choáng váng trước câu trả lời. Một sự thật nghiệt ngã là để đảm bảo tiền nguyên vật liệu vốn rất khó cắt giảm, hãng sản xuất đã tìm mọi cách hạ tối đa tiền thuê nhân công. Theo đặc thù nghề may và để có thể dễ dàng chi mức lương bèo bọt, lao động chủ yếu tại các nhà máy thời trang “mì ăn liền” thường được lựa chọn thuộc về phụ nữ và trẻ em.
Trẻ em làm việc trên cánh đồng bông sợi
Tại Bangladesh có khoảng 2 triệu lao động may mặc, trong đó có số lượng lớn trẻ em phải làm việc với mức lương chỉ khoảng 200 ngàn đồng mỗi tháng. Chúng tất nhiên không được tới trường. Điều duy nhất những đứa trẻ được học là kỹ thuật may, khâu. Thậm chí nhiều trẻ em còn phải tham gia làm các công việc độc hại như nhuộm vải, xử lý da thuộc…
Mọi lao động, kể cả trẻ dưới tuổi vị thành niên đều phải bán sức gần như 7 ngày trong tuần, chỉ được nghỉ dưỡng sức tối đa khoảng nửa ngày mỗi tuần.
Trẻ em trong xưởng dệt
Tại những phân xưởng thời trang giá rẻ ở Ấn Độ, tình trạng cũng không sáng sủa hơn. Theo thống kế từ UNICEF, 60% lao động trong các xưởng có độ tuổi dưới 18. Và trong một bài viết đăng tải trên Guardian vào năm 2006, nhà báo Dan McDougall đã hé lộ điều kiện làm việc tồi tệ của các lao động trẻ em.
Theo đó, bọn trẻ - chỉ tầm 8 hoặc 9 tuổi - miệt mài thêu đính hạt bằng tay trong nhà xưởng kín bưng, ẩm thấp gần như liên tục không có giờ nghỉ khoảng 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Bàn tay của chúng mưng mủ, thâm đen, nhiễm trùng đau đớn do dị ứng khi tiếp xúc quá nhiều với hóa chất nhuộm hạt, nhuộm vải hoặc kim loại từ cây kim khâu.
Trẻ em là đối tượng lao động chuyên đính hạt được các hãng ưa thích không chỉ do giá thành nhân công rẻ mạt, mà còn bởi yếu tố bàn tay. Việc thêu hạt muốn thật khít, đẹp, phải được làm bằng tay và bằng đôi tay đó phải thật nhỏ nhắn. Thực chất, có một loại máy hiện đại tự động hóa làm việc này thay con người nhưng vì chi phí rất đắt, họ đã dùng đến lao động trẻ em nhằm tiết kiệm tối đa.
Còn ở Trung Quốc, những chương trình vừa học vừa làm phổ biến bị tổ chức bảo vệ quyền trẻ em vạch trần. Theo đó, họ cho rằng đó chỉ là chiêu hợp thức hóa việc lạm dụng sức lao động của người dưới tuổi lao động.
Một xưởng giày Longfa chuyên gia công giày cho Nike bị các nhà chức trách phát hiện sử dụng nhiều lao động trẻ dưới 14 tuổi. Cha mẹ của các em cho biết, xưởng giày này đã yêu cầu họ buộc phải khai khống và làm thẻ căn cước giả để các em mang độ tuổi lớn hơn tuổi thật để đủ điều kiện làm việc tại đây.
Cuộc sống tăm tối của các công nhân nữ
Phụ nữ cũng là đối tượng bị bóc lột tàn tệ tại các xưởng may hàng thời trang bình dân. Nhà xưởng ép họ làm việc mới mức lương vô cùng rẻ mạt.
Có một phép tính thế này, ở những nước nghèo như Bangladesh, một tháng lao động được trả khoảng 900 nghìn đến 1,6 triệu đồng cho khoảng 1.000 sản phẩm. Khi bán ra, mỗi sản phẩm có giá thành trung bình 1 triệu đồng. Như vậy cho thấy, số tiền lương họ được nhận so với công sức của họ bỏ ra là quá bất công.
Cuộc sống tạm bợ của công nhân nữ do đồng lương ít ỏi
Sự bóc lột còn thể hiện cả ở môi trường và điều kiện làm việc vô cùng tệ hại. Các công nhân nữ làm việc 2 ca mỗi ngày, mỗi ca 8 – 9 tiếng. Họ bước khỏi nhà khi trời còn chưa sáng và về nhà khi đã tối mịt. Cả ngày vùi mình trong nhà xưởng tối tăm, tồi tàn, dột nát, cứ thế các cô gái bán tuổi xuân bên những bàn máy may, miệt mài thùa khuyết tới sức lực cạn kiệt để nhận lấy vài đồng bạc “hẻo” nhằm trang trải cuộc sống vốn đã quá khốn khó.
Đối với các công nhân nữ tại các xưởng may này, bị phát hiện mang thai là một tai họa. Theo báo điện tử Guardian của Anh, tại nhiều xí nghiệp may gia công thời trang bình dân ở Bangladesh, công nhân nữ bị cắt mọi quyền lợi thai sản.
Tàn ác hơn, khi phát hiện mang thai, họ sẽ bị ép phải thôi việc. Một người nữ công nhân tại Bangladesh đã chia sẻ với phóng viên về việc chị phải nhốt mình trong nhà vệ sinh của xí nghiệp suốt 2 ngày để cầu xin người chủ cho phép tiếp tục công việc khi họ phát hiện chị mang bầu vài tháng. Tuy nhiên sau đó, người phụ nữ trên vẫn bị chủ xưởng cho nghỉ mà không nhận được bất cứ sự hỗ trợ, đền bù nào.
Nỗi sợ của họ là ốm đau, bị phát hiện mang thai và bị quấy rối tình dục
Những công nhân may nữ còn thường xuyên phải đối mặt với vấn nạn quấy rối tình dục. Theo một báo cáo của tổ chức xã hội Better Work, tại xưởng may, tình trạng xâm hại tình dục xảy ra rất phổ biến bởi nơi đây có rất đông phụ nữ trẻ, trong khi những người quản lý thường là đàn ông.
Cũng theo báo cáo, có khoảng 70% lao động nữ ở nhà máy tại Quảng Châu từng là nạn nhân của quấy rối tình dục. Tại Bangladesh ghi nhận 11% số công nhân từng bị cưỡng hiếp. Tuy nhiên, nhiều người chọn cách im lặng bởi phản kháng có ảnh hưởng trực tiếp tới “miếng cơm manh áo” của họ.
Chia sẻ với tờ Truthout, công nhân sản xuất thời trang giá rẻ ở Haiti thừa nhận, chuyện quấy rối, thậm chí hãm hiếp diễn ra rất phổ biến.
“Tại các nhà máy, tồn tại một khái niệm hệ thống mà chúng tôi gọi là ‘trao gì thì được nấy'. Có nghĩa là bạn sẽ phải đồng ý quan hệ tình dục với quản đốc hoặc chủ xưởng hay người nào có thẩm quyền sa thải bạn. Chủ cũ từng cố thân mật với tôi, nhưng tôi nói với hắn rằng mình đã có chồng. Và kết quả tôi bị đuổi” – một lao động nữ ở Haiti kể lại.
Thảm kịch thời trang giá rẻ
Vào năm 2013, vụ sập nhà máy đặt tại tòa nhà tòa nhà Rana Plaza khiến 1.500 công nhân tử nạn là đỉnh điểm của tấn bi kịch thời trang giá rẻ, mà chính người lao động là nạn nhân.
Một phụ nữ trẻ chết thảm trong vụ sập nhà máy tại tòa nhà Rana
Tòa nhà Rana Plaza nằm ở ngoại ô thủ đô Dakca. Đây là nơi làm việc của 3.000 nhân công may mặc chuyên sản xuất hàng xuất cho hãng Primark của Anh và Mango của Tây Ban Nha. Công nhân trong tòa nhà phát hiện những vết nứt lớn từ đầu tuần, nhưng chủ các xưởng may vẫn cố tình phớt lờ và yêu cầu họ phải tiếp tục đi làm nếu không muốn bị đuổi việc.
Ngoài các vết nứt lớn, cơ sở hạ tầng của tòa nhà cũng có vấn đề. Nhằm tiết kiệm chi phí, các chủ phân xưởng đã chọn tòa nhà được xây làm nơi để ở hoặc văn phòng chứ không có kết cấu phù hợp với việc sản xuất. Sự rung lắc dữ dội của 4 máy phát điện làm nứt gãy kết cấu của tòa nhà có nền tảng không đạt chuẩn khiến nó đổ sập xuống, chôn vùi hơn 3 ngàn người, trong đó chủ yếu là phụ nữ, và rất nhiều nạn nhân còn phải nuôi con nhỏ.
Một lao động nữ trẻ được đưa ra trong vụ tai nạn sập nhà máy
Sau thảm kịch kinh hoàng ở Bangladesh, trái tim của người tiêu dùng toàn thế giới đã phần nào thức tỉnh. Những biểu tình đòi tăng lương, cung cấp đủ quyền lợi, giảm giờ làm, ngăn chặn tình trạng lao động trẻ em… diễn ra ở nhiều nước phát triển. Thậm chí người tiêu dùng còn lên tiếng tẩy chay những nhãn hàng có liên quan tới những vụ việc bóc lột người lao động tại các nước nghèo.
Từ đó 150 công ty thời trang hàng đầu thế giới đã đồng ý tham gia vào chiến dịch đẩy mạnh an toàn và quyền lợi người lao động. Trong đó có nhiều công ty đã có những động thái xử lý vi phạm tại các nhà xưởng, nâng cấp đời sống lao động và các quyền lợi khác.
Tuy nhiên, theo một phóng sự của phóng viên Claudio Montesano Casillas, tại Bangladesh, tình trạng làm việc của các lao động vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Trẻ em vẫn là lao động phổ biến tại những nhà xưởng với mức lương trên 200 ngàn đồng/tháng.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet