Trúc đào
Tên khoa học là Nerium oleander. Toàn thân Trúc đào đều có chất cực độc Oleandrin, Neriin. Người ta có thể bị ngộ độc do chạm vào cây hoặc nuốt phải. Nhẹ thì gây buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, nặng thì có thể mất kiểm soát cơ thể, hôn mê. Nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Việc phơi khô hoặc nấu chín cũng không làm mất tính độc của loài thực vật này. Không trồng trúc đào ở cạnh nguồn nước (giếng ăn, bể nước...) vì lá, hoa trúc đào rụng xuống làm nhiễm độc nước. Trên thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhi bị ngộ độc do mủ hoa cây trúc đào. Hiện nay, trúc đào đang được trồng rất nhiều ở trên các tuyến phố, vườn hoa, nơi công cộng.
Đỗ quyên
Tên khoa học là Rhododendron occidentale. Tất cả các bộ phận của cây đều có chất độc Andromedotoxin và Arbutin glucoside. Người bị ngộ độc do loại cây này thường có triệu chứng buồn nôn, chảy nước dãi, ói mửa, uể oải, chóng mặt, khó thở, mất cân bằng. Một lượng 100 đến 225 gram lá Đỗ Quyên đủ để gây ngộ độc nặng cho trẻ em 25kg.
Huệ ly
Tên khoa học là Hippeastrum puniceum. Củ cây có chất độc Lycorine gây tiêu chảy, buồn nôn, ói mửa khi ăn phải. Nhựa cây có thể gây nôn mửa nếu ăn phải. Tránh tiếp xúc trực tiếp với da vì có thể gây bỏng rát, ngứa...
Cây thông thiên
Loại cây này còn có tên Thevetia peruviana cũng thuộc họ trúc đào, chứa nhiều chất độc ở hoa, lá, quả và hạt. Các độc tố trong cây thông thiên bao gồm: thevetin, neriin, glucozid có thể gây tử vong ở người.
Cây ngô đồng
Có 2 loại ngô đồng là ngô đồng cảnh và ngô đồng thân gỗ. Hai cây này thuộc 2 họ hoàn toàn khác nhau.
Cây ngô đồng cảnh
Cây ngô đồng cảnh có tên khoa học là Jatropha podagrica Hook.f thuộc họ cây thầu dầu Euphorbiaceae. Ở Việt Nam, loài cây này có tên thường gọi là cây dầu lai có củ, sen lục bình, ngô đồng nước Pháp. Cây có dáng đẹp, lá xanh quanh năm và cụm hoa độc đáo, lâu tàn, gốc phình to, xù xì, mập, phân nhánh ít, lá có cuống đính gần gốc, màu xanh bóng, nhẵn, đẹp.
Mặc dù trong y học cổ truyền, thân, lá và nhựa cây ngô đồng cảnh có tác dụng chữa một số bệnh, nhưng quả và hạt lại chứa chất curcin rất độc. Nếu không may ăn phải hạt cây ngô đồng sẽ bị tiêu chảy, nôn ói, đau bụng, bỏng rát ở họng. Trường hợp ngộ độc nặng, bệnh nhân có thể bị ức chế hệ thần kinh trung ương, rối loạn tim mạch, xuất huyết tiêu hóa, nguy hiểm đến tính mạng.
Cây ngô đồng thân gỗ
Ngô đồng thân gỗ lại không độc hại như loài cây cảnh cùng tên. Cây ngô đồng thân gỗ có tên khoa học là Firmiana simplex thuộc họ Trôm Sterculiaceae, có thể cao đến 7m, thường mọc hoang trong rừng. Ở nước ta, ngô đồng cây gỗ còn được gọi là cây Bo rừng, Trôm đơn, được gây trồng bằng hạt để lấy sợi, cũng có nơi trồng làm cây cảnh.
Cây huỳnh anh
Cây huỳnh anh có tên khoa học là Allamanda cathartica, thuộc họ trúc đào, mọc dạng bụi leo, hoa vàng rực hình quả chuông khá đẹp mắt nên thường được trồng làm cảnh hoặc trồng bờ rào. Tuy nhiên, đây là một trong những loài thực vật có chứa chất độc từ vỏ cây, hoa, lá, hạt, và cả nhựa mủ.
Cây hoa bông tai
Bông tai là loài cây thân thảo, cụm hoa có dạng tán ở ngọn thân, cánh hoa dính nhau ở phần góc và rũ xuống. Cây hoa bông tai thường được trồng nhiều ở các sân vườn làm cảnh với màu đỏ cam rất đẹp mắt. Tuy nhiên, nhựa cây lại có chứa chất độc. Nếu hái hoa bị dính nhựa vào tay sau đó cho tay vào miệng có thể gây ngộ độc cấp. Đối với người có cơ địa yếu, có thể dẫn đến hôn mê.
Cà độc dược
Cà độc dược (Datura metel L., thuộc họ cà Solanaceae) là loại cây hay mọc hoang ven đường hoặc trong vườn, cũng có thể trồng làm cảnh. Cây cao đến 2m, phần gốc của thân hóa gỗ. Thân và cành non màu xanh lục hay tím, quả hình cầu màu lục.
Cây thầu dầu
Cây thầu dầu hay còn gọi là cây đu đủ tía (Ricinus communis). Những người ngộ độc từ cây này sẽ bị nôn mửa, tiêu chảy và co giật lâu, suy tạng gây tử vong.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet