Sáng 16/7/2015, tại khoa hồi sức cấp cứu (bệnh viện Chợ Rẫy) anh Lý Văn Nguyện (35 tuổi, Bạc Liêu) phải chạy đôn chạy đáo lo cho vợ là Nguyễn Thị Thu (31 tuổi) nhập viện hơn nửa tháng nhưng vẫn chưa qua khỏi cơn nguy kịch.
Do là sau khi sinh, gia đình cho mẹ con sản phụ nằm trong phòng kín không máy quạt, đồng thời cả bếp than. Sau một ngày, chị nói với người thân khó thở. Đến chiều cùng ngày, chị nôn ói, người lơ mơ, tri giác giảm.
Hoảng sợ, anh Nguyện đưa vợ lên bệnh viện huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) cấp cứu. Do bệnh tình quá nặng, chị được chuyển lên bệnh viện Từ Dũ. Sau đó, chị được chuyển sang bệnh viện Chợ Rẫy. Đến nay cháu bé vẫn phải tách mẹ và người nhà chăm sóc, trong khi vợ anh vẫn chưa qua cơn nguy kịch.
Cho đến nay, nhiều người vẫn quan niệm rằng, sau khi sinh, mẹ và bé cần phải có một bếp than dưới giường để đảm bảo sức khỏe, đồng thời sẽ hạn chế những không khí không tốt. Thực tế đây là một trong những thói quen sai lầm trầm trọng.
Các bác sĩ cho biết, trong khói than có chứa rất nhiều khí CO2, ảnh hưởng xấu đến đường hô hấp của cả mẹ và bé. Hơn thế nữa, đối với những bé sinh mổ, nằm than sẽ khiến chất đàm nhớt bên trong vốn chưa được tống ra trong quá trình chuyển dạ bị khô cứng lại, bé sẽ dễ bị bệnh đường hô hấp và hay mắc lại.
Ngoài sai lầm trên, một số sai lầm hiện nay nhiều gia đình vẫn áp dụng cho bà mẹ sau sinh dưới đây cần sớm loại bỏ:
Không kiêng tắm gội
Nhiều nơi, đặc biệt là ở ở các vùng nông thôn, mẹ phải chờ sau khi con đầy tháng mới được tắm gội. Điều này thật sai lầm bởi vì khi sinh cơ thể đã ra rất nhiều mồ hôi, cộng thêm việc đào thải chất độc và sự tiết sữa khiến cho cơ thể sản phụ rất dễ bẩn, dễ bị vi khuẩn xâm nhập, vì thế giữ gìn vệ sinh cơ thể sau sinh là điều vô cùng quan trọng.
Vì vậy sau sinh từ 2 đến 3 ngày các bà mẹ có thể tắm nước ấm, tuy nhiên cần tắm nhanh, tắm nơi kín, tránh gió lùa.
Sau 7-10 ngày sau sinh có thể gội đầu bằng nước ấm. Lưu ý gội đầu xong cần sấy khô tóc, không nằm ngủ khi tóc còn ẩm ướt.
Cần vận động nhẹ, không nằm nhiều
Mọi người thường cho rằng cơ thể mẹ sau sinh rất yếu, cần phải được tĩnh dưỡng nên để cho mẹ được nằm nhiều ở trên giường, thậm chí ăn cơm ngay tại giường.
Tuy nhiên cách làm này lại là lợi bất cập hại. Nếu không vận động trong một thời gian dài sau sinh thì dễ khiến mẹ mắc chứng tắc động mạch, đồng thời tổ chức bắp thịt ở vùng khoang chậu không nâng đỡ được tử cung, trực tràng hoặc bàng quang do không được rèn luyện.
Sau sinh nên xuống giường sớm để vận động nhẹ, điều này không chỉ có lợi cho việc lưu thông máu ở chi dưới mà còn giúp bụng được tập luyện sẽ nhanh chóng lấy lại được lực co giãn, đàn hồi như ban đầu từ đó bảo vệ được tử cung, trực tràng và bàng quang.
Thông thường, 24h sau sinh mẹ có thể ngồi dậy, ngày thứ 3 sau sinh có thể xuống giường vận động, nhất là với các mẹ sinh mổ, cần được vận động nhẹ để vết mổ nhanh lành.
Không tuyệt đối kiêng đồ tanh
Nhiều nơi có thói quen buộc mẹ sau sinh phải ăn kiêng, đặc biệt là kiêng đồ tanh như các loại tôm cá.
Thực tế sau sinh mẹ cần phải bổ sung nhiều loại chất dinh dưỡng, các nhóm thực phẩm chính và phụ đều cần phải đa dạng hoá, nếu chỉ thiên về một số loại nào đó sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể khiến tuyến sữa hoạt động kém hiệu quả. Vì thế mẹ sau sinh không nên ăn uống kiêng khem quá mức.
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ
Nhiều quan niệm cho rằng, sản phụ sau sinh không nên đánh răng vì cho rằng sau này sẽ bị buốt răng và hỏng răng sớm. Đây là quan niệm sai lầm gây nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và bé. Bởi sau khi sinh, sức đề kháng của sản phụ trở nên yếu hơn người bình thường, đây là nguyên nhân khiến cho vi khuẩn trong khoang miệng và các bộ phận khác trên cơ thể sinh nở rất nhanh.
Vì vậy, mẹ sau sinh càng cần phải chú ý vệ sinh răng miệng hơn so với người bình thường vì số lần dùng bữa nhiều hơn. Có thể đánh răng 2 lần/ngày, ngoài ra, các mẹ cũng nên súc miệng sau mỗi bữa ăn.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet