Dù có những khen - chê nhất định về nội dung nhưng những thước phim đẹp long lanh của Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh là điều mà hầu hết khán giả công nhận. Không chỉ là cái đẹp về thị giác vô hồn, cái đẹp của phim còn khiến khán giả cảm động đến ngẩn ngơ, và gợi mở nhiều ký ức, suy ngẫm.
Cùng nhìn lại một vài cảnh phim đáng nhớ nhất trong Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh:
Cảnh người cha kéo xe mở đầu phim
Góc máy lia chậm, người đàn ông khắc khổ oằn mình kéo xe ngang qua khu chợ. Đứa con lớn mím môi đẩy xe phụ cha, đứa con nhỏ nằm trên xe bất động. Victor Vũ mở đầu phim bằng hình ảnh vừa đau vừa đẹp - cái đẹp của tình thân. Ai từng đọc truyện đều biết đây là tình huống sau khi Tường bị Thiều đánh và nằm liệt, cha phải lôi nó chạy chữa nhiều nơi. Tuy nhiên, việc đem hình ảnh ở đoạn gần kết lên đầu; kết hợp với những cú máy từ trên cao xuống Tường, slow-motion vừa phải, không quá đà; khiến cảm xúc ập đến mạnh mẽ để rồi tiếp sau đó, lại trở về với khung cảnh tuổi thơ êm đềm...
Cảnh Tường đọc sách trong ánh đèn dầu tờ mờ của Thiều
Cái cách thằng nhỏ e dè hỏi han "anh Hai uống nước không", "cần gì không"... vừa ẩn chứa sự ngưỡng mộ anh, vừa e dè sợ làm phiền. Lúc Tường ngồi xuống dưới chân anh Hai nó, chầm chậm giơ cao quyển sách ưa thích, không chỉ là hành động chia sẻ nguồn ánh sáng ít ỏi trong căn nhà mà còn từa tựa một... nghi lễ mà trong đó, em vừa là người cử hành, vừa là con chiên ngoan đạo. Không chỉ tôn vinh kiến thức, lòng hiếu học, em ngồi cạnh anh như mong muốn được gần gũi, được truyền thụ - theo cách nào đó - sự thông minh và khả năng học hành đáng ngưỡng mộ của anh trai.
Thiều: “Tao cũng không biết nữa. Dạo chỉ thích chơi với 1 mình mày à”
Giây phút Thiều ngập ngừng thổ lộ dạo này chỉ thích chơi vơi Mận đúng cái kiểu trẻ con. Sẽ nhàm chán nếu em chỉ nói đơn giản là “thích” hay “rung động”. Ở đây là “thích chơi với mày”, thích làm bạn, thích dành thời gian ở bên cạnh, thậm chí giúp đỡ con bạn học kém hơn. Lời tỏ tình này ngô nghê, chân thành, lại không có mùi sến sẩm, "con nít ranh".
Ba đứa trẻ bên khung cửa sổ, ngắm mưa bay
Victor Vũ tạo ra một khuôn hình bình dị lại có thể khiến xúc cảm của khán giả như chết lặng, không thể nói thành lời. Bên khung cửa gỗ nhuốm màu thời gian, ba đứa bé tựa tay mình vào chắn song và ngẩng lên nhìn bầu trời lất phất mưa bay. Nói như nhà thơ Phong Việt thì: "Đó chính xác là một khuôn hình mang hơi thở của cuộc sống của những đứa trẻ con lớn lên ở một miền quê Nam trung bộ vào những năm 1989… Những biến động không thể dự báo trước của lòng người và những biến động không thể dự báo trước của cuộc đời đều phản chiếu lên 6 ánh mắt trong veo ấy một cách tự nhiên". Phim không thiếu những chi tiết gợi nhớ tuổi thơ nhưng nhắc lại lịch sử khắc nghiệt theo cách này khá dịu dàng.
Cảnh chia nhau cháo muối
Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh không chỉ tôn vinh quan hệ anh - em, cha mẹ - con cái hay tình yêu mà còn có tình làng nghĩa xóm, cái tình giữa người với người. Trong cảnh cả gia đình quây quần bên nồi cháo loãng và chén muối, cái cách mẹ thằng Thiều vét nồi cháo chia cho con mình và bé Mận, rồi nhìn bé Mận thương cảm cho hoàn cảnh của nó - rất nông dân, rất thực bụng.
Rước đèn đêm Trung Thu
Đêm Trung Thu là cảnh êm đềm nhất, nhưng lại là đêm xảy ra sự kiện khơi màu biến động trong cuộc đời cả Mận, Thiều và Tường. Đêm Trung Thu được tái hiện trong phim là hình ảnh rất đỗi quen thuộc với thế hệ 8x và 9x đời đầu. Ngày xưa, không có đèn pin như bây giờ, chỉ có lồng đèn giấy lấp lánh ánh nến và mâm cỗ đơn giản. Một không gian đậm hồn Việt, bầy trẻ con quây quần bên nhau, mỗi đứa xách một cái lồng đèn, nghêu ngao hát: "Bóng trăng trắng ngà. Có cây đa to. Có thằng Cuội già ôm một mối mơ"...
Thiều cầm con cóc nhìn Tường khóc, rồi bỏ chạy trong mưa
Bao nhiêu người trong chúng ta sẽ dám nói sự thật về Cu Cậu? Bao nhiêu người sẽ bắt ngay một Cu Cậu khác để lấp liếm “tội lỗi” như Thiều?
Cảnh Thiều giấu con cóc sau lưng, không dám bước đến chỗ cậu em đang nức nở khóc vừa là phản ứng tự nhiên của đứa trẻ vốn nhát gan, vừa đại diện cho những điều đã qua không thể trở lại. Giây phút đó, có lẽ Thiều đã nhận được bài học lớn rằng có những thứ một khi mất đi không cách nào tìm lại, và có những sai lầm không thể vãn hồi...
Chắc chắn, khung hình tiếp theo: Tường cầm con cóc chạy trong mưa là một trong những khoảnh khắc ấn tượng được nhắc nhiều nhất ngay từ khi rò rỉ teaser trailer bản nháp.
Tường: "Anh Hai, đừng nói với ba má em bị anh đánh, nói em leo cây bị té, không ba má đánh anh chết"
Sự đố kỵ của Thiều đã dẫn đến việc cậu em Tường bị ăn một gậy vào lưng khi chơi đồ hàng với chị Mận. Trong nguyên tác, Tường bị Thiều quật túi bụi chứ không phải một gậy dứt khoát. Thay đổi này có vẻ khá hợp lí.
Trái với thằng anh giận quá mất khôn, Tường dù miệng kêu đau, mắt giàn giụa nước thì vẫn luôn miệng: "Anh hai đừng nói với ba má em bị anh đánh, nói em leo cây bị té, không ba má đánh anh chết, nghe anh hai". Cảnh thằng Tường gọi giật ngược anh nó lại, rong đau đớn vẫn nghĩ cho anh, bảo vệ anh - là cao trào của cảm xúc, như mở cái valse "thả" cho cảm xúc vỡ òa.
Tường chạy đến bảo vệ con Nhi
Đây có thể xem là một trong những đoạn phim "đẹp" nhất - về thẩm mỹ lẫn ý nghĩa. Cách Tường gắng hết sức chạy đến bảo vệ cô bạn làm khán giả liên tưởng đến Tom Hank trong bộ phim Forest Gump huyền thoại. Đây có thể là một sự “học hỏi” của Victor Vũ trong tác phẩm lần này, và sự “học hỏi” này rất hợp lý.
Về mặt ý nghĩa, đây là một cảnh làm rõ tính cách “anh hùng” của Tường. Đồng thời, nó cho thấy sức mạnh tình người khi cô bé điên truyền sức mạnh cho cậu bé liệt nửa người có thể lao lên trước.
Hoa vàng xuyên suốt tác phẩm
Ngay từ khi xuất hiện trong teaser trailer, cảnh bông hoa vàng rơi đã là một cảnh ấn tượng và gây tò mò. Bàn tay ấy của ai? Thiều, Mận hay Tường? Phần đông chúng ta đều chú ý đến ba nhân vật này mà quên mất còn một người khác là “con Nhi”, con bé bị điên luôn nghĩ mình là công chúa.
Hoa, vốn đại diện cho những điều tươi đẹp, lại vô tình khơi màu bi kịch. Buồn thật, nhưng xuyên xuốt tác phẩm đều có hoa dẫn dắt từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Hoa còn mở ra một cuộc hạnh ngộ đặc biệt giữa Thiều, Nhi, Tường. Mở rất duyên, kết rất đẹp và mang hơi thở cổ tích Trọng Thủy - Mị Châu.
Và còn nhiều khoảnh khắc đẹp khác như cảnh phiên chợ quê, cái buồn ngơ ngác của một gia đình nào đó trên nóc nhà, cảnh thằng anh ốm nhom ẵm thằng em tròn ủm đến bờ suối hay cõng nó bước trên con đường xanh ngát, cảnh thả diều của những đứa trẻ và cảnh Tường giơ cao chiếc xe đồ chơi của mình như sự tiếc nuối khi nằm liệt giường... Có thể nói, trong Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh, Victor Vũ đã dùng con mắt nghệ thuật của mình để làm ra những thước phim chỉn chu, tử tế và đầy cảm xúc.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet