Một trong những hình ảnh quen thuộc mà du khách khi đến paris có thể nhận ra là ban ngày những người bán sách hàng ngày bày biện gian hàng của mình rồi lại dọn dẹp mọi thứ vào buổi tối muộn dọc bờ sông seine . Các gian sách này xuất hiện từ những năm 1400 và là nơi bạn có thể tìm thấy những tác phẩm như La Vagabonde của nhà văn Colette tài năng hay ấn bản tiếng pháp đầu tiên của bộ truyện tranh L’espiègle Lili ra đời từ những năm 1900 và không bao giờ được tái bản... Từ việc chỉ có 20 hiệu sách thời kỳ thế kỷ 17, hiện nay ở Paris có tới 240 hiệu sách vỉa hè. Với lối thiết kế đặc trưng là gian gỗ được sơn màu xanh, những quầy sách này tô điểm cho hai bờ sông Seine, kéo dài từ Musee d’Orsay cho đến quảng trường Latin - nơi có ngôi trường Đại học Sorbonne nổi tiếng nước Pháp.
Tuy nhiên, do phát triển của khoa học công nghệ hiện đại và sự tăng lên nhanh chóng của lượng độc giả điện tử trong vòng 20 năm trở lại đây khiến công việc của những người bán sách vỉa hè gặp rất nhiều khó khăn. Doanh thu từ việc kinh doanh cũng giảm rõ rệt. Vì vậy để bù đắp, rất nhiều chủ gian hàng sách ở đây phải chuyển sang buôn bán đồ lưu niệm cho khách du lịch để kiếm sống. Mặc dù hoàn toàn hợp pháp nhưng điều này làm xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về việc những gì chủ quầy sách được và không được bán. Nhiều người còn băn khoăn việc này có làm mất đi một nét văn hóa truyền thống có từ lâu đời, một bản sắc riêng chỉ ở Paris mới có hay không.
Một trong những người gắn bó với quầy sách lâu năm ở Paris là Jean-Pierre Mathias. Vào cuối những năm 1980, ông Jean-Pierre bỏ công việc là giáo sư triết học của mình để trở thành người bán sách. Những ngày đầu tiên sau khi nhận được gian hàng này, ông bắt đầu bằng việc bán những cuốn sách cũ mình không còn dùng, và thực sự cảm thấy hạnh phúc khi được tiếp tục nghiên cứu triết học ở đây mà không phải làm một giáo sư. Đến khi vòng xoáy sách báo điện tử xuất hiện, ông cũng không chuyển sang bán đồ lưu niệm phục vụ du khách mà vẫn tiếp tục bám trụ với quầy sách và những đồ thủ công tinh xảo, bởi vì sách chính là đam mê, cũng là tâm huyết của cả cuộc đời ông.
Bên cạnh việc duy trì gian hàng của mình, công việc bán sách cũng có rất nhiều không gian tự do. Chủ gian hàng có thể thoải mái sắp xếp thời gian của mình vào ban ngày, tự do chọn loại sách mình muốn để kinh doanh và có thể dành giờ đồng hồ để ngắm một trong những địa điểm đẹp nhất Paris hay thả hồn vào dòng sông thơ mộng. Tuy nhiên, công việc kinh doanh này sẽ tốt hơn nếu như có sự hỗ trợ của chính phủ, ví dụ như việc lắp điện ở những quầy sách này để họ có thể mở hàng đến đêm.
Bernard Carver bắt đầu công việc kinh doanh sách hiếm ở Paris từ 20 năm trước, sau khi chuyển tới từ Lebanon với hai bàn tay trắng. Ông chia sẻ, để có thể bán được sách thì những người chủ quầy hàng phải hiểu rõ từng cuốn sách của mình. Nhưng điều đó cũng không thể giữ cho công việc kinh doanh này ngừng đi xuống. Nhiều người đã chuyển sang mở rộng quầy hàng bằng việc bán đồ tạp phẩm, đồ trang trí sản xuất tại Trung Quốc như móc chìa khóa hình tháp Eiffel hay cốc J’aime Paris... mà không có bất kỳ sự quản lý và can thiệp nào của chính quyền. Điều đó khiến cho những người yêu sách và gắn bó với nghề sách chân chính như ông cảm thấy rất thất vọng.
Tuy nhiên, Roman George - một trong những chủ quầy sách trẻ nhất ở đây lại nghĩ ra một biện pháp khác. Thay vì chạy xô theo bán đồ lưu niệm giá rẻ, anh lại chọn cách bán những bản in quảng cáo cũ do chính mình và cha thiết kế, cũng như tranh từ những sinh viên của học viện đào tạo uy tín như Ecole des Beaux-Arts. Với việc làm này, Roman vừa có thể cải thiện được tình hình kinh doanh mà lại giữ nguyên được bản sắc Pháp, kết nối nền văn hóa Paris với du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet