Quảng trường Cách mạng Tháng Tám
Nhà hát Lớn Hà Nội và quảng trường trước nhà hát là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại gắn liền với cuộc Cách mạng Tháng Tám. Ngày 17/8/1945, một cuộc mít-tinh do chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim tổ chức tại đây đã biến thành một cuộc biểu dương lực lượng cách mạng của Việt Minh. Ngày 19/8/1945, một cuộc mít-tinh lớn của cách mạng diễn ra ở quảng trường Nhà hát lớn. Đoàn biểu tình sau đó tỏa thành nhiều mũi tiến hành tổng khởi nghĩa trên toàn thành phố. Ảnh: Tư liệu
Phố Tràng Tiền
Gần một thế kỷ trôi qua, biết bao biến cố thăng trầm của thời gian, Quảng trường Cách mạng Tháng Tám vẫn giữ nguyên giá trị văn hóa- lịch sử. Nơi đây thường diễn ra các sự kiện, các buổi hòa nhạc, các chương trình văn hóa, văn nghệ, mít tinh, kỷ niệm của Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung. Đây cũng địa điểm thú vị thu hút nhiều bạn trẻ Hà thành. Ảnh: Nguyễn An
Dưới sự bảo vệ của Thanh niên tự vệ, tổ chức Việt Minh thành Hoàng Diệu, cuộc mít-tinh ngày 19/8/1945 đã nhanh chóng biến thành biểu tình thị uy, qua đường Paul Bert tỏa đi khắp các phố phường Hà Nội. Sáng 19/8 của 70 năm trước, từ con phố này, quần chúng cách mạng chia nhau đi đánh chiếm các cơ quan đầu não của chính phủ Trần Trọng Kim. Ảnh: Tư liệu
Đường Paul Bert nay là phố Tràng Tiền với các tòa nhà xưa đã được tu sửa, chỉnh trang. Phố Tràng Tiền nổi tiếng với Trung tâm thương mại Tràng Tiền, một trong những trung tâm thương mại cao cấp của Thủ đô Hà Nội. Đây cũng là nơi nổi tiếng với thương hiệu kem Tràng Tiền. Ảnh: Nguyễn An
Phủ khâm sai Bắc Kỳ (Bắc Bộ phủ)
Điểm đánh chiếm đầu tiên của quân Việt Minh là Phủ khâm sai Bắc Kỳ (Bắc Bộ phủ), cơ quan đầu não của chính phủ Trần Trọng Kim. Lính bảo vệ phủ đã hạ vũ khí trước sức mạnh của quần chúng nhân dân. Sau đó, nhân dân tiếp tục đánh chiếm sở mật thám, sở bưu điện, trại bảo an binh. Ảnh: Tư liệu
Bắc Bộ phủ nay được tu sửa và được sử dụng làm Nhà khách Chính phủ. Phần mái che sảnh trước tòa nhà vẫn giữ đặc trưng như 70 năm trước. Ảnh: Nguyễn An
Sở cảnh sát Trung ương bên hồ Gươm
Sau khi đánh chiếm Bắc bộ phủ, trại bảo an, quần chúng cách mạng tiếp tục đánh chiếm sở cảnh sát Trung ương Tòa nhà này ngày nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Nguyễn An
Vườn hoa Diên Hồng
Cũng trong đêm 19/8/1945, Xứ ủy Bắc kỳ quyết định thành lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng Bắc bộ và Ủy ban Nhân dân Cách mạng Hà Nội, chính thức hoá vai trò của chính quyền cách mạng với nhân dân và cộng đồng quốc tế. Ngày 20/8/1945, Ủy ban Nhân dân Cách mạng Bắc Bộ, đại diện cho chính quyền cách mạng lâm thời, đã chính thức ra mắt quốc dân đồng bào tại vườn hoa Con Cóc trước Bắc Bộ phủ. Ảnh: Tư liệu
Thời Pháp thuộc, vườn hoa có tên là quảng trường Chavassieux (square Chavassieux). Năm 1901 Pháp cho xây dựng ở giữa vườn hoa một bể nước, có một trụ đá to hình vuông, cao khoảng 3,5m ở giữa, xung quanh có những con cóc bằng đồng phun nước lên trụ đá. Vì vậy vườn hoa còn được người Hà Nội gọi là vườn hoa Con Cóc. Sau 1945 vườn hoa mới được đổi tên thành Diên Hồng. Đây là địa điểm chụp ảnh cưới thu hút nhiều cặp đôi ở Hà Nội. Ảnh: Nguyễn An
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục
Ngày 28/8/1945, Chi đội Giải phóng quân vào Hà Nội, đi qua quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục để tiến về cùng các lực lượng duyệt binh trước Nhà hát Lớn. Ảnh: Tư liệu
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ngày nay vẫn còn tháp nước tròn nhưng khung cảnh xung quanh đã biến đổi nhiều với các tòa nhà cao tầng mọc lên. Nơi đây cũng là địa điểm người thu hút khách du lịch trong và ngoài nước nhiều nhất Thủ đô. Ảnh: Nguyễn An
Cột cờ Hà Nội
Là một trong năm di tích còn được bảo tồn nguyên vẹn trong quần thể khu di tích thành cổ, Cột cờ Hà Nội cũng là một biểu tượng thiêng liêng của mảnh đất Thăng Long, Hà Nội. Cách mạng tháng 8/1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay phấp phới ở nơi đây. Ảnh: Tư liệu
Sau cuộc kháng chiến chín năm trường kỳ chống Pháp của dân tộc, ngày 10/10/1954, Hà Nội được giải phóng, lá cờ đỏ sao vàng của dân tộc Việt Nam lại tiếp tục kiêu hãnh tung bay trên đỉnh Cột cờ cho đến ngày nay. Ảnh: Nguyễn An
Căn nhà số 48 Hàng Ngang
Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở từ ngày 25 tháng 8 năm 1945 đến ngày 2 tháng 9 năm 1945 và Người đã viết bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á tại đây. Ngày nay, ngôi nhà là một trong các điểm di tích tiêu biểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Nguyễn An
Quảng trường Ba Đình
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đánh dấu Cách mạng tháng Tám thắng lợi hoàn toàn. Ảnh: Tư liệu
Quảng trường Ba Đình ngày nay có khuôn viên dài 320 m, rộng 100 m, vẫn là quảng trường lớn nhất Việt Nam với tòa nhà Quốc hội hiện đại mới khánh thành. Quảng trường là nơi diễn ra các cuộc diễu hành nhân dịp ngày lễ lớn của Việt Nam, cũng là địa điểm tham quan, vui chơi, dạo mát của du khách và người dân Hà Nội. Ảnh: Nguyễn An
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet