Các vụ tai nạn mang tính liên hoàn, gây thương tích cho nhiều người diễn ra ngày càng nhiều. Cuối tháng 7/2008, chiếc Honda 2.0AT vượt qua bãi đất khi lùi rồi rơi xuống sông Tô Lịch (Hà Nội). Rất may, cháu bé và người đàn ông đã chui qua cửa sổ trời để nhờ mọi người giúp.
Tiếp đến là vụ chiếc Ford Mondeo do ông Mạnh, 66 tuổi, nhiều kinh nghiệm lái xe, điều khiển hồi tháng 3/2011 đã đâm 7 xe máy, 14 xe đạp khiến 20 người bị thương trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội). Tài xế lần đầu tiên sử dụng xe số tự động. Nghiêm trọng hơn là trường hợp chiếc Hyundai Santa Fe khi lùi vào đổ xăng đã bất ngờ tăng tốc, ép một người đi xe máy vào tường gây tử vong tại khúc giao giữa đường Liễu Giai-Đội Cấn (Hà Nội).
Chiếc Santa Fe gây tai nạn hồi tháng 6/2010. Ảnh: Vạn Xuân. |
Tất cả các sự cố trên đều có đặc điểm là xe tăng tốc bất ngờ, ngoài tầm kiểm soát của tài xế. Các cơ quan chức năng nhận định đây là lỗi đạp nhầm chân ga, thay vì chân phanh.
Nhầm lẫn này không loại trừ ai, từ mới lái đến "tài già"; từ xe số tự động đến số sàn; từ các nước có nền công nghiệp xe hơi lâu đời đến các nước đang phát triển. Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ NHTSA kết luận "nhầm chân ga và chân phanh là nguyên nhân chủ yếu trong các vụ tai nạn liên quan đến tăng tốc ngoài ý muốn".
Năm 2003, nước Mỹ ghi nhận trường hợp một tài xế ở Santa Monica (California) được cho là đã đạp nhầm ga dẫn đến cái chết của 10 người, khi xe của người đàn ông vào một chợ ngoài trời. Trong khi các chuyên gia về an toàn xe hơi cho biết mỗi năm có hàng chục nghìn vụ va chạm với cùng nguyên nhân.
Ở Nhật trong 2009 có 6.700 vụ tai nạn, 37 người chết và hơn 9.500 người bị thương được cho là liên quan tới lỗi nhấn ga thay vì phanh khi lái xe. Số liệu do Viện nghiên cứu tai nạn giao thông, một cơ quan của chính phủ, đưa ra.
"Chúng ta chỉ chưa nhầm, chứ không thể nói không bao giờ nhầm. Nếu cho rằng xác suất xảy ra nhỏ thì chúng ta vẫn phải thật tập trung khi cầm lái", một chuyên gia xe hơi nhận định với VnExpress.net.
Chuyên gia này cho rằng tỷ lệ những người mới lái mắc lỗi này nhiều hơn. Nhưng người lái lâu năm, nhiều kinh nghiệm cũng có thể bị, nhất là khi rơi vào trạng thái mất bình tĩnh, nóng nảy, bực dọc hoặc lơ đễnh. Trường hợp hiếm gặp khác là ảo giác. Xe đang đứng im nhưng khi nhìn các xe khác di chuyển lại tưởng xe mình đi lùi (hoặc trôi nếu đang đỗ trên dốc) nên vội vàng đạp chân ga, dẫn đến tăng tốc đột ngột.
Khi xảy ra nhầm, người lái rơi vào trạng thái hoảng loạn cao độ do xe phản ứng ngược với mục đích. Có người mất kiểm soát tới mức tiếp tục nhấn ga. Tim đập nhanh, chân tay run, mắt lóa. Phản xạ tốt nhất lúc đó là nhấc chân ra khỏi khu vực điều khiển, không chạm chân vào bất cứ thứ gì. Sau đó chuyển nhanh sang bàn đạp phanh.
NHTSA không đề cập đến xe số sàn (MT) hay tự động (AT), bởi nguy cơ của hai loại này là tương đương. Thiết kế duy nhất hiện nay là bàn đạp ga-phanh gần nhau để tài xế chỉ sử dụng một chân điều khiển.
Bàn đạp phanh giữ nguyên trong khi ga được đưa sang bên cạnh (bộ phận màu xanh nhạt). Ảnh: NYT. |
Xác suất xảy ra là như nhau nhưng ở Việt Nam, AT bị cho là nguy hiểm hơn bởi phần lớn các vụ tai nạn liên quan đến loại này. Trên thực tế, nguyên nhân có thể do tài xế chưa quen xe AT, tâm lý không tốt. Ngoài ra, quy trình đào tạo không có loại số tự động nên nhiều người không có thời gian làm quen và chưa hiểu rõ quy trình vận hành.
Hiện NHTSA nghiên cứu cấu tạo và cách bố trí của chân ga-phanh sao cho tài xế ít bị nhầm. Trong khi đó, năm 2010 một nhà sáng chế 74 tuổi người Nhật, Masuyuki Naruse, đã đưa ra thiết kế bàn đạp ga và phanh mới. Trong đó toàn bộ bàn đạp sẽ dành cho phanh, hoạt động theo phương thẳng.
Bộ phận ga sẽ ở bên cạnh, phía bên phải bàn chân. Khi muốn tăng ga chỉ cần đưa chân sang ngang. Như thế, khi gặp tình huống khẩn cấp, người lái sẽ thoải mái đạp phanh mà không sợ nhầm. Điều này giảm thiểu nguy cơ trong khi vẫn duy trì phản xạ tự nhiên.
Yasuto Ohama, chủ một công ty vệ sĩ ở Nhật thấy "thoải mái và giải phóng lo âu khi không bao giờ sợ nhầm nữa".
Giá chuyển đổi sang bộ bàn đạp mới này chỉ khoảng 1.156 USD, vào thời điểm 2010. Nhưng cái khó là Masuyuki Naruse phải thuyết phục các hãng sử dụng, marketing rộng rãi để người sử dụng hiểu được lợi ích.
Trọng Nghiệp
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet