Thời trang giá rẻ - Cụm từ dùng chung cho các sản phẩm thời trang bình dân có mặt ngày một áp đảo ở cả nước giàu, nước nghèo... trên toàn thế giới.
Với sự ra mắt của The True Cost, bộ phim tài liệu nói về những mặt trái của sản xuất thời trang giá rẻ đã một lần nữa làm dấy lên những ý kiến khác biệt. Những điều bộ phim đề cập có là vấn đề của thị trường sản xuất, tiêu dùng thời trang Việt Nam? Các nhà thiết kế Việt nói gì?
NTK Trương Thanh Long cho rằng, chất liệu làm phim đã lấy nhiều phần thiên về mặt đời sống, xã hội, chưa thật sự đứng trên quan điểm của người làm nghề và người tiêu dùng. Trong khi đó NTK trẻ Lâm Gia Khang lo ngại về xu hướng mua sắm rẻ hóa, không coi trọng chất lượng của một bộ phận người trẻ, tạo nên những ảnh hưởng không tốt cho chính họ và ngành thời trang Việt.
Thời trang giá rẻ với cái nhìn khác từ phim tài liệu The True Cost
NTK Trương Thanh Long
Thông điệp mà bộ phim the true cost nói tới thật sự là vấn đề lớn của thế giới hiện đại! Tôi nghĩ ở mỗi nước sẽ mỗi khác, vấn đề mấu chốt nằm ở kinh tế chứ không phải là lỗi của người sản xuất hay người tiêu dùng. Kinh tế đi xuống kéo theo việc người ta phải cắt giảm chi tiêu, tìm tới hàng giá mềm hơn là điều chắc chắn, còn nhà sản xuất cũng vậy, họ cần cắt giảm để duy trì doanh nghiệp.
Quan điểm của một người làm nghề, tôi thấy ở thị trường Việt, doanh nghiệp không được luật bảo vệ trước sự xâm nhập ồ ạt của hàng Trung Quốc, giá cả quần áo quá chênh lệch đặt áp lực vô cùng lớn cho người làm nghề. Thu nhập bình quân của người Việt quá thấp, họ không có nhiều cơ hội đến với hàng chất lượng cao, thế là thị trường cũng phải lái theo...
Bộ phim đề cập đến vấn đề giá rẻ, bất hợp lý trong chiều mua bán, đào xới tới những câu chuyện xúc động, mang tới cảm xúc mạnh... nhưng đó cũng chỉ là một góc nhìn, không phải là toàn diện. Vấn đề của người sản xuất và tiêu dùng là những xu thế chung, có những lý lẽ riêng.
Giá rẻ mà đẹp thì ai cũng ham. Nhưng đáng lo là việc chấp nhận sử dụng những sản phẩm không đủ chất lượng sẽ làm cho thị trường đi xuống. Việc phát triển những thương hiệu được đầu tư đúng mức sẽ gặp khó khăn. Câu chuyện này chắc còn lâu mới có hồi kết!
NTK Trương Thanh Long
NTK Lâm Gia Khang
Tôi đồng ý với thông điệp mà The True Cost đưa ra. Vấn đề ở việc những người thực sự làm ra các sản phẩm thời trang ở nhiều nước đang phát triển không nhận được những đồng tiền công xứng đáng với họ. Trong khi đó những món đồ họ góp phần quan trọng tạo nên lại được yêu thích và tiêu thụ rất nhiều mỗi ngày. Những câu chuyện phía sau của người trồng bông, nhuộm vải thật ám ảnh.
Tuy vậy, bức tranh thời trang giá rẻ ở Việt Nam thì có nhiều điểm khác. Nếu H&M, Zara, rồi Top Shop được bán ở Hà Nội, Sài Gòn, thì với đại đa số người tiêu dùng đó không còn là sản phẩm giá trẻ, thời trang bình dân như ở các nước khác. Sản phẩm giá rẻ của người Việt là hàng Trung Quốc mấy chục, mấy trăm ngàn.
Theo như tôi biết thì trên thế giới sự thành công của thời trang bình dân cũng chỉ mới rầm rộ gần đây, có lẽ do kinh tế suy thoái nên các sản phẩm này được ở trong thời kỳ hoàng kim. Vì vậy, chuyện đồ giá rẻ và tác động xấu của nó như trong phim The True Cost chắc chắn là còn do chuyện kinh tế chung này.
Tôi không phản đối việc mua quần áo với giá rẻ, hợp lý, nhưng đừng sa đà vào nó vì thực ra sẽ không đi đến đâu khi bỏ tiền mua hàng kém chất lượng, thời gian phải mua mới sẽ nhanh hơn, như vậy chắc gì đã là tiết kiệm. Chưa kể một số loại vải còn chứa nguy cơ độc hại cho sức khỏe.
Mỗi người tùy vào khả năng để mua sắm, nhưng chất lượng vẫn nên được coi trọng.
NTK Lâm Gia Khang
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet