Người mẫu Anh Frida Palsson được Nguyệt Vy trang điểm và chụp hình cho chuyên đề "Mốt và cuộc sống đời xưa". |
- Có người cho rằng nghệ thuật trang điểm ở ta do không chuyên nên làm hỏng thẩm mỹ của cả diễn viên lẫn người xem, chị nghĩ sao?
- Những người làm nghề trang điểm chưa ý thức được họ phải làm gì trên gương mặt người mẫu, cũng không nắm vững nguyên tắc trang điểm sao cho hợp với trang phục trình diễn của từng nhà thiết kế mà chỉ chiều theo người mẫu, những người luôn thích mình xinh đẹp như những con búp bê trên sàn diễn. Lẽ ra, đội ngũ make-up phải có tính độc lập, có cái nhìn của nhà chuyên môn và tuân thủ theo quy tắc riêng của các nhà tạo mẫu, đạo diễn.
- Nguyên nhân của việc đó là do đâu?
- Đơn giản vì họ không được học, chỉ biết làm theo ý mình, được làm cho người mẫu nổi tiếng là có tâm lý hãnh diện, thơm lây. Chính tâm lý và sức ỳ này đã góp phần "tàn phá" một đêm diễn ở khía cạnh thẩm mỹ. Trong cuộc thi hoa hậu, tôi nghĩ nên để một chuyên gia trang điểm thôi, nhưng người đó phải chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp thể hiện ở cách nghiên cứu gương mặt từng người, từng trang phục đi kèm, những kiểu tóc phù hợp. Trên sân khấu của các cuộc thi thường xuất hiện những cô người mẫu môi đỏ chót (hoặc tím bầm), mắt xanh lè, mặt trắng bệch, vẻ vô hồn, tóc loe hoe, loăn quăn, chân mày vẽ cong vút một cách kinh dị. Chưa hết, những người mẫu ấy còn lẳng lặng ra sau cánh gà trát thêm phấn, son để mình nổi trội. Đó là một thảm họa của sự sáng tạo. Vừa rồi, trong tuần lễ thời trang 2003, tôi phụ trách phần trang điểm theo kiểu Nhật cho các người mẫu. Một số người đã không tuân thủ theo ý tôi, tự vẽ mắt cho to ra, vẽ môi thật dày khiến chính tôi cũng không nhận ra nổi tác phẩm của mình!
- Từng có kinh nghiệm làm việc với những người mẫu, các nhà nhiếp ảnh nước ngoài, điều chị học được ở họ là gì?
- Những người mẫu Anh đến đúng giờ, cực kỳ nghiêm túc và tuân thủ theo đúng ý người trang điểm. Chỉ sau buổi làm việc, họ mới đùa tôi rằng nếu ở Anh, họ sẽ "kiện" tôi vì đã sử dụng mỹ phẩm không xịn trên mặt họ. Tôi phải giải thích lý do là vì điều kiện ở VN không như ở nước ngoài. Ngoài ra, có dịp tiếp xúc với hai nhà nhiếp ảnh Leonard De Selva và Thierry Canini (Pháp), nắm được cách làm việc của họ đối với những người mẫu, tôi học được một số điều về xử lý ánh sáng, bố cục, cách tạo chiều sâu trong những bức ảnh về thời trang.
(Theo Lao Động)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet