Ảnh minh họa.
Cáp quang là một loại cáp viễn sử dụng ánh sáng để truyền tín hiệu trên một khoảng cách xa. Nó đóng vai trò quan trọng trong hệ thống truyền dẫn thông tin liên lạc thời hiện đại, từ đó tác động tới cả nền kinh tế và an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, những sự cố đứt cáp quang xảy ra liên tục trong nhiều năm gần đây đã khiến nhiều quốc gia đau đầu tìm cách khắc phục.
Thực tế, ít người nghĩ tới khả năng có kẻ phá hoại mặc đồ bơi lặn xuống đáy biển ở độ sâu hàng nghìn mét để cắt cáp quang.
"Những sợi cáp đó vận chuyển hàng nghìn volts năng lượng", ông Mark Simpson, Giám đốc điều hành công ty SEACOM cho biết.
Các thợ lặn có thể dễ dàng bị giật chết khi cắt cáp, khiến lợi nhuận thu được không đủ lớn để bù đắp rủi ro, ông chỉ ra.
Ai cắt cáp quang?
Chỉ có trong thời kỳ chiến tranh, các binh sỹ được cắt cử cắt cáp quang để phá hoại an ninh quốc gia nước đối phủ, thu thập thông tin của kẻ địch. Nói vậy không có nghĩa là điều này không xảy ra trong thời hiện đại.
Tháng 3/2013, Hải quân Ai Cập từng bắt giữ 3 người đàn ông bị tình nghi cắt cáp quang biển tại bờ biển Alexandria. Vụ việc đã khiến tốc độ internet nước này sụp giảm 60%, lãnh đạo Bộ truyền thông Ai Cập cho hay.
Các thợ lặn có thể dễ dàng bị giật chết khi cắt cáp,
khiến lợi nhuận thu được không đủ lớn để bù đắp rủi ro.
Vụ việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự phơi nhiễm của tuyến cáp quang chạy ngầm dưới biển.
Ở những nước như Ai Cập, tuyến cáp quang biển đã bị lộ rõ do thiết kế cổ lọ của 14 đường cáp xuất phát từ Alexandria và Cairo. 8 trong số đó kết nối với bờ biển Alexandria. Chỉ cần một đường bị cắt, nhiều quốc gia sẽ bị ảnh hưởng.
"Kết nối internet cũng giống như tuyến vận chuyển đường thủy vậy, một tuyến bị đứt, nhiều nước sẽ gặp hạn", ông Andrew Blum, một tác giả chuyên viết sách về internet, lưu ý.
Điển hình gần đây, khi neo một con thuyền bị vô tình thả vào đường cáp quang tại Alexandria vào tháng Hai, nhiều quốc gia Đông Phi đã mất kết nối Internet.
Toàn bộ mạng lưới viễn thông thế giới được kết nối bởi gần 200 tuyến cáp ngầm dưới biển, phần lớn trong số đó được không được trang bị lớp bảo vệ tối tân, ít khi được kiểm tra, và hiếm khi có lực lượng tuần tra bảo vệ.
Hãng nghiên cứu thị trường viễn thông TeleGeography đã công bố một bản đồ chi tiết về đường đi của những tuyến cáp này.
Một phần bản đồ tuyến cáp quang dưới biển của TeleGeography.
Khi một đoạn chính bị cắt, tốc độ internet tại nhiều quốc gia sẽ bị ảnh hưởng. Trong trường hợp xấu nhất, một vài nước có thể bị mất kết nối hoàn toàn.
Ví dụ với vụ cắt cáp tại bờ biển Alexandria vào năm 2008, Ai Cập, Ấn Độ, Pakistan và Kuwai đã hoàn toàn "sập" internet. Tương tự, vụ động đất năm 2006 tại Đài Loan đã hủy hoại nhiều đường cáp, cắt liên lạc tới Hong Kong, Đại Lục và Đông Nam Á.
Hôi của
Kể cả nếu ba người đàn ông Ai Cập trên cố tình cắt cáp bán… đồng nát, thì đây cũng không phải là vụ việc đầu tiên, ông Simpson cho biết.
Tháng 3/2007, một nhóm ngư dân Việt Nam đã bị phát hiện cắt gần 100 km cáp quang biển TVH (kết nối Thái Lan – Việt Nam – Hồng Kông) mang đi bán phế liệu. Có nguồn tin cho rằng chính các thương lái của Trung Quốc trước đó đã đánh tiếng sẽ thu mua cáp quang phế liệu với giá hời.
Năm 2011, một cụ bà 75 tuổi đã cắt trộm đường cáp quang chạy giữa hai quốc gia Georgia và Armenia, khiến đường truyền Internet ở 2 quốc gia này bị ngưng hoạt động trong 5 giờ.
Tuy nhiên theo thống kê, cáp quang dưới biển dễ bị xâm hại bởi các tác nhân thiên nhiên hoặc tai nạn vô ý nhiều hơn.
Nguyên nhân có thể do mỏ neo và lưới đánh cá, các hiện tượng thiên nhiên như động đất, sóng thần hay dòng biển động, thậm chí có thể do cá mập cắn. Những vụ việc như thế này diễn ra khoảng 100 lần trong vòng một năm.
Một thợ lặn đang kiểm tra đường cáp dưới biển.
Nhiều quốc gia đã khắc phục tình trạng bằng cách công bố bản đồ biển chi tiết về đường chạy của cáp, và phạt nặng những cá nhân, tổ chức cố tình thả neo hoặc quăng lưới ở khu vực lân cận đường cáp.
"Đứt cáp là việc rất dễ xảy ra. Các đường cáp gần bờ thường được bọc lớp bảo vệ vững chắc, còn xa bờ, chúng chỉ được chôn nông dưới lớp bùn đáy biển", ông Stronge cho biết.
Sửa chữa cáp thế nào?
Một đường cáp biển dày từ 2 - 6,3 cm. Bảo vệ sợi cáp quang gần bờ gồm nhiều lớp khác nhau tùy theo cấu tạo. Có ba lớp bảo vệ chính là lớp chịu lực kéo, lớp vỏ bảo vệ ngoài và lớp áo giáp. Không dễ để cắt đứt ba lớp này bằng kìm kim loại thông thường.
Một số công ty viễn thông và chính phủ sử dụng hệ thống dò radar để giám sát khu vực quanh cáp. Những công nghệ này báo hiệu khi một chiếc tàu dịch chuyển tới quá gần cáp, hoặc cảnh báo khi mật độ tàu bè quá dày.
Khi có thông báo về bất ổn đường tuyền, chuyên gia có thể xác định được khu vực xảy ra sự cố dựa vào các báo cáo về việc kết nối điện thoại và Internet bị đứt.
Từ các trạm thiết bị đầu cuối đặt trên bờ, họ sẽ thu hẹp tọa độ bằng cách phóng các xung ánh sáng dọc theo sợi cáp quang.
Cấu trúc một đường cáp quang.
Những sợi hoạt động tốt sẽ truyền xung ánh sáng qua bên kia đại dương, còn sợi bị đứt sẽ trả xung ánh sáng trở lại tính từ vị trí đứt.
Tính toán thời gian ánh sáng phản xạ trở lại, các kỹ sư có thể xác định địa điểm cáp quang bị trục trặc.
Sau đó, tàu sửa cáp mang theo cáp mới sẽ được điều động. Nếu cáp nằm sâu dưới 2 km, robot lặn sẽ được trưng dụng để lắp cáp mới thay vào đoạn đứt.
Đối với vùng nước quá sâu, robot không chịu nổi áp suất, neo móc sẽ được sử dụng để kéo cáp lên tàu. Công việc thay mới sẽ được thực hiện trên tàu. Nhìn chung công tác thay cáp đòi hỏi kỹ thuật cao và có thể mất tới 16 tiếng đồng hồ.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet