Nội dung

Đầu tháng 4 năm nay, Tây Ban Nha, Israel và Italy, Pháp đã xử phạt những công ty thời trang tuyển người mẫu quá gầy và ốm yếu, có chỉ số BMI (Body Mass Index - chỉ số khối cơ thể) dưới ngưỡng cho phép (18). Đạo luật này ra đời sau hàng loạt cuộc tranh cãi dai dẳng trong làng mốt về cân nặng của giới mẫu. Bắt đầu từ cái chết của chân dài Pháp Isabelle Caro năm 2007 vì mắc chứng biếng ăn thời gian dài, sự xuất hiện của những người mẫu thân hình cò hương, gương mặt hốc hác liên tiếp bị chỉ trích sau đó.

Theo đạo luật chống mẫu gầy , để có thể tham dự tuần thời trang, người mẫu phải có bmi tối thiểu là 18, chiều cao 1,74 m và cân nặng 54 kg. Những đơn vị không tuân thủ có thể bị phạt đến 80 nghìn USD và sáu tháng tù cho người đứng đầu.

Người mẫu phản ứng lại luật chống mẫu gầy

Nhiều người mẫu dùng các tiểu xảo để lách luật chống mẫu gầy.

Công chúng cho rằng đây là hành động đúng đắn nhằm thiết lập chuẩn sức khỏe cho giới người mẫu, tránh xảy ra chứng biếng ăn hay những phương pháp giảm cân nguy hại cho cơ thể, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng. Tuy nhiên, không ít mẫu gầy đã dùng tiểu xảo tinh vi nhằm lách khỏi đạo luật này. 

Jennifer Sky, một cựu người mẫu, chia sẻ với tờ New York Observer: "Tôi quen một người mẫu tên là Lauren, đang làm việc ở tuần thời trang Tây Ban Nha, nơi cũng ban hành đạo luật. Cô ấy nói rằng các công ty ở đây dễ dàng tìm ra kẽ hở để lách luật. Họ đã đưa cô ấy mặc đồ lót ôm dáng Spanx được may độn thêm vài bao cát giúp mẫu gầy tăng trọng lượng đáng kể khi bước lên bàn cân. Thậm chí, cô ấy còn thấy họ cột vật nặng vào tóc nữa". 

Người mẫu Mỹ Lyndsey Scott chia sẻ với tạp chí Cosmopolitan rằng, thực tế có những người mẫu sở hữu dáng người thon thả và dong dỏng cao mà vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, tập luyện và ăn uống ngon miệng bình thường. Khi ấy, chỉ số BMI dưới ngưỡng không phản ánh đúng tình trạng sức khỏe.

Người mẫu phản ứng lại luật chống mẫu gầy

Người mẫu Jennifer Sky.

Cựu người mẫu Jennifer Sky tin rằng đây là một đạo luật "sai lầm và phân biệt đối xử". Cô phát biểu: "Thật thiển cận khi cho rằng ép buộc người mẫu vào một tiêu chuẩn BMI đơn thuần sẽ thay đổi được diện mạo của ngành công nghiệp thời trang. Tôi lại nghĩ nên nâng ngưỡng tuổi vào nghề lên 18 sẽ phù hợp hơn. Nhiều cô gái sở dĩ có thân hình siêu mỏng vì vẫn đang trải qua tuổi dậy thì. Hãy để cho cơ thể họ được hoàn thiện thì giới thời trang sẽ hưởng lợi trọn vẹn". 

Sau Pháp cùng một số nước châu Âu, quy định chống mẫu gầy đang tiếp tục lan toả mạnh mẽ sang Australia. Tháng 4 năm ngoái, hàng loạt show diễn ở Australia Fashion Week trở thành tâm điểm tranh cãi khi cựu thí sinh Australia's Next Top Model, Cassi Van Den Dungen, kết show của Carla Zampatti với thân hình gầy guộc. Nhà báo, chuyên gia sắc đẹp xứ chuột túi Mia Freedman đã thốt lên: "Tuần lễ thời trang Australia chẳng khác nào "đấu trường sinh tử" (The Hunger Games)".

Hiện tại, một số hãng thiết kế của Australia như We Are Handsome, Manning Cartell và Bondi Bathers đã bày tỏ sự hưởng ứng bằng việc casting người mẫu đủ tiêu chuẩn. 

Sao Mai

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục