Theo các bậc cao niên ngày xưa, đình Phú Cường được xây dựng trước năm 1861. Khi người Pháp tiến đánh vùng đất này thì đình bị phá hủy. Về sau, người dân ra sức cất lại ngôi đình mới nằm cạnh con rạch Bà Lụa. Từ đó cái tên đình Bà Lụa mới được phổ biến rộng rãi.
Bảng lý lịch di tích của Bảo tàng Bình Dương ghi rõ ngôi đình có kiến trúc độc đáo với những mảng hoa văn ghép bằng sơn mài rồng, binh khí cổ kính hấp dẫn, những cột gỗ to đẹp và quý.
Đình Phú Cường (Bà Lụa) xưa (trên) và nay, mỗi ngày ông Quảng giữ đình vẫn lau bụi chiếc tráp đã bong trong lớp vỏ, dù chẳng có khách nào ghé thăm
Năm 1921, giới cầm quyền Pháp đã cho lập mô hình ngôi đình đem đi triển lãm ở Hội chợ Marseille (Pháp). Khi đến thăm ngôi đình năm 1930, Goergette Naudin - chuyên viên nghiên cứu bảo tàng Nam Kỳ đã khẳng định trong bộ sách Cochinchine: “Lúc đó đình Bà Lụa được xem là ngôi đình có kiến trúc đẹp nhất, nhì Nam Kỳ… hấp dẫn đông đảo du khách”.
Nay thì đình vắng dấu chân khách đến thăm. Dấu thời gian bị tro bụi phủ mờ. Bên trong đình, những chén dĩa sành ở gian bếp lớp nọ chồng lớp kia được chất tạm bợ vào một tủ gỗ đã xiêu vẹo...
Ông Kim Đình Quảng (70 tuổi), là người quản lý đình suốt 16 năm qua, thở dài: “Việc đô thị hóa đã khiến văn hóa làng xã bị mai một. Người dân bây giờ ít ai còn quan tâm đến đình nữa”.
Dù đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh nhưng mọi kinh phí hoạt động của đình đều trên tinh thần tự nguyện đóng góp. Những ngày cúng lễ Kỳ yên, ông Quảng cùng các cao niên trong ban nghi lễ phải tự bỏ tiền túi ra làm trước, thậm chí đi vay mượn hàng xóm láng giềng. Nhiều năm liền tiền bá tánh cúng đình không đủ để trang trải chi phí nhang đèn trà nước.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet