Trong siêu thị, mặc dù đứa con nhỏ đang la lối ầm ỹ khi phải ngồi trong chiếc xe đẩy hàng, nhưng người mẹ trẻ vẫn không hề nao núng.
"Có lẽ con nên thôi khóc lóc đi" – Bà mẹ nói, bình tĩnh như thể đang ru con ngủ chứ không là đang bước đi giữa chỗ đông người - "Không ăn thua gì đâu. Con còn mắc kẹt với mẹ ít nhất là 18 năm cơ".
Thực tế, em bé đó có thể không biết là mình may mắn đến thế nào khi được "mắc kẹt" với mẹ mình ít nhất trong 18 năm. Bởi cho dù em bé có cáu kỉnh, có ốm mệt, có gặp chuyện bực mình, chắc chắn người mẹ vẫn ở đó. Người mẹ cũng "mắc kẹt" với em.
Và, sự thật là, hầu hết các mối quan hệ thực sự quan trọng đều được xây dựng dựa trên sức mạnh của sự "mắc kẹt" đó. Mà không phải ai cũng có được ai đó mà mình có thể tin tưởng được rằng sẽ luôn "mắc kẹt" với mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Một giảng viên đại học đã đưa ra câu hỏi mẹo cho các sinh viên của mình: "Cái gì có bốn chân nhưng không bỏ đi?". Khi giảng viên hỏi câu đó, bà hy vọng rằng sinh viên sẽ nghĩ sáng tạo, và ít nhất cũng đưa ra được một đáp án – là cái bàn.
Tuy nhiên, một nữ sinh viên bất ngờ lẩm bẩm – đủ to khiến người khác nghe thấy: "Có bốn chân thì là hai bạn trai cũ của em... nhưng họ đều bỏ đi cả".
Đúng vậy, con người ta có thể rời bỏ một mối quan hệ vì bất kỳ lý do gì. Và đôi khi, chúng ta cũng nên bỏ một số mối quan hệ lại phía sau. Không phải mọi tình bạn hoặc tình yêu đều có một tương lai lành mạnh.
Đôi khi, chúng ta mang theo quá nhiều những vấn đề và hành vi có tính hủy hoại, khiến một mối quan hệ tốt không có cơ hội sống sót lâu dài.
Đôi khi, một sự thái quá nào đó khiến cho việc giữ gìn một mối quan hệ là bất khả thi. Đôi khi, việc từ bỏ lại là cần thiết.
Nhưng cũng có những thời điểm cần bạn bám chặt lấy như "mắc kẹt".
Có một điểm chung của tất cả các mối quan hệ bền vững: đó là những mối quan hệ đó đều được tạo ra bởi những con người có rất nhiều cơ hội để bỏ cuộc, để bỏ đi hoặc đi tiếp, nhưng họ vẫn cứ giữ chặt lấy.
Có thể là vì họ biết rằng những người mà họ yêu thương không phải lúc nào cũng "đáng yêu", hoặc không phải lúc nào cũng dễ sống cùng, nhưng họ thấy như thế cũng không sao. Họ muốn có một mối quan hệ có ý nghĩa, quan trọng và lâu bền, và kiểu quan hệ như thế phải được nuôi dưỡng bằng sự kiên nhẫn và thấu hiểu.
Tác giả John Gray đôi khi kể câu chuyện về một cô gái trẻ, khi người em trai chuẩn bị đến chơi thì cô đã nhờ em trai mua hộ mình mấy viên thuốc giảm đau. Cậu em trai quên mất, cho nên, sau đó, khi một người bạn thân tới thăm, cô đang bị đau và rất cáu kỉnh – hơi điên rồ một chút nữa.
Anh bạn thân bỗng dưng phải gánh cơn giận dữ của cô bạn, anh ta cảm thấy như mình bị tấn công một cách vô lý và cũng bùng nổ để tự vệ. Họ nói với nhau những lời cay nghiệt và anh bạn bỏ ra cửa, định đi về.
Bỗng nhiên, cô gái nói: "Dừng lại, cậu đừng đi. Đây là lúc mình cần đến cậu nhất! Mình đang bị đau. Từ hôm qua đến giờ mình chưa hề ngủ. Cậu hãy nghe mình. Cậu đang giống như một người bạn tùy theo thời tiết. Nếu mình ngọt ngào, thì cậu thấy ổn. Còn nếu mình khó chịu, thì cậu bỏ về!".
Và vừa rơi nước mắt, cô gái vừa nói: "Mình đang rất mệt mỏi, và cũng rất đau lòng. Mình có cảm giác như mình chẳng có gì để cho cậu cả, và thực sự là thế. Nhưng cậu hãy ôm mình đi. Và đừng nói gì... chỉ cần ôm mình thôi".
Anh bạn ôm lấy cô và cả hai đều không nói gì – cho đến khi cô cảm ơn anh vì đã có mặt ở đó.
Tôi nghĩ rằng trong cuộc sống, mỗi mối quan hệ có rất nhiều lúc bị thử thách. Và tôi cũng nghĩ rằng mỗi lần một mối quan hệ vượt qua được một chặng đường gồ ghề và sống sót qua một kiểu khó khăn nào đó, mỗi lần mà những con người trong mối quan hệ đó quyết định rằng việc họ ở bên nhau là đủ quan trọng để cố gắng sửa lại những gì đang không đúng, thì mối quan hệ đó sẽ thay đổi.
Có thể không nhiều, nhưng vẫn là một chút. Và dần dần, từng chút một, thì những mối quan hệ như thế, những sự gắn bó và "mắc kẹt" như thế, sẽ trở thành một thứ đẹp đẽ, một viên ngọc vô cùng giá trị.
Và là một thứ đủ xứng đáng để bạn "mắc kẹt" cùng với nó.
Thục Hân (dịch)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet