Nội dung
Khởi đầu, chúng tôi đến thăm một ngôi đền cổ Hindu (Ấn Độ giáo) được xây cách đây hơn 1.000 năm, háo hức khám phá nền văn hóa cổ xưa của đất nước này.
Nepal có 30 triệu dân và hơn 100 dân tộc khác nhau, đa số là người Bramin cùng chủng người Ấn Độ và 80% dân số theo đạo Hindu. Đạo Hindu thờ hơn một triệu các vị thần khác nhau, trong đó, hai vị thần quan trọng nhất là thần Shiva - đấng tạo hóa và thần Vishnu - đấng bảo vệ muôn loài. Đã là người theo đạo Hindu, hầu hết ai cũng rất tin và sùng đạo, hàng ngày thờ cúng tại nhà và thường xuyên đến đền.
Nepal ngày một trong thế giới đạo hindu
Người theo đạo Hindu hết sức tin và sùng đạo.
Người Hindu tin rằng con người ta có kiếp luân hồi và khi sinh ra, mỗi người được sắp xếp vào một Caste (tạm dịch là đẳng cấp), khi đã ở đẳng cấp nào thì không có cơ hội được lên đẳng cấp khác, chỉ chờ kiếp sau tái sinh, việc này tùy thuộc vào những việc mà người đó làm trong kiếp này.
Có 4 đẳng cấp chính là: Brâhmane (thầy tu, giáo viên, giáo sư, bác sĩ, người làm luật pháp, những người được các thần linh chỉ định để truyền tải giáo lý cho dân chúng); Ksatriya (vua, quan, binh lính - những người có quyền lực hạn tạm thời trong kiếp sống); Vaishya (thợ thủ công, doanh nhân, nông dân, kỹ sư, bác sĩ ….); Sudra (những người phục vụ, đánh giầy, ăn xin….). Người ở đẳng cấp Brâhmane, Ksatriya, Vaishya không được ăn thịt bò, thịt lợn và nhiều nghi lễ khác phải tuân theo, người ở đẳng cấp Sudra thì ít ràng buộc nghi lễ hơn, ăn gì cũng được trừ thịt bò. Người Hindu tôn thờ bò, ai giết bò sẽ bị bắt ngay.
Ngay cạnh cửa đền là một con sông nhỏ ô nhiễm, đầy rác, quần áo cũ, gỗ củi cháy dở, nilon vứt đầy sông. Anh hướng dẫn giới thiệu đó là dòng sông thiêng, tất cả các ngôi đền Hindu đều nằm cạnh một dòng sông, dù lớn hay nhỏ. Tôi không tin được nên hỏi lại: “Đây là dòng sông thiêng ư?”. “Vâng”, anh hướng dẫn trả lời.
Nepal ngày một trong thế giới đạo hindu
Dòng sông thiêng bên cạnh ngôi đền.
Chúng tôi có cảm giác đang đi đến một thế giới của sự u ám, nhìn từ xa những đám khói ngùn ngụt bay khắp nơi, người rất đông xung quanh từng đám cháy, tỏa ra xung quanh đến vài trăm mét, lẫn cả vào khu dân đông đúc cư bên cạnh. Từ cửa đền đã ngửi thấy mùi khen khét khó tả. Sau khi tìm hiểu, tôi được biết đó là nghi lễ hỏa thiêu người chết. Ở đây chỉ thiêu người bằng củi và ở ngoài trời, lúc nào cũng có nghi lễ này tại đền, vì tất cả những người theo đạo Hindu sau khi chết khoảng 2 giờ là chuyển ngay đến đền và làm lễ hỏa táng trong vòng 24 giờ. Các nơi hỏa thiêu cũng được phân chia theo đẳng cấp: ở đầu này dành cho đẳng cấp Brâhmane, Ksatriya, còn lại là dành cho đẳng cấp Vaishya và Sudra. Một ngày có 4-6 đám đám hỏa thiêu như vậy.
Nepal ngày một trong thế giới đạo hindu Mỗi ngày có vài đám hỏa thiêu ngay tại sân đền.
Tại nơi làm nghi lễ hỏa thiêu, có đám đang cháy, có đám bắt đầu sắp củi và đặt xác người lên, có đám vừa cháy hết và người ta bắt đầu dọn dẹp, vứt cả tro lẫn xương và quần áo người chết cháy dở xuống dưới sông ngay bên cạnh. Phong tục nghi lễ phải đúng trình tự như vậy.
Sau khi xong nghi lễ, người con trai cả hoặc người đại diện phải về nhà, ngồi một mình trong phòng kín cầu nguyện cho người quá cố trong vòng 15 ngày, không giao tiếp với ai, mỗi ngày chỉ ăn một bát cơm trắng, uống một cốc nước trắng, nước nấu cơm và nước uống phải lấy từ con sông đã trải tro của người quá cố. Nếu trong 15 ngày này có người hỏi mà trả lời thì coi như đã phạm luật của thần linh và phải làm y như vậy 15 ngày tiếp theo.
Xuôi dòng chảy nhỏ của con sông cạn nước, chúng tôi gặp hai người phụ nữ, một đang giặt quần áo, một đang gội đầu bằng nước sông mà cách đó 10 m họ đang vứt tro, xương cháy dở, quần áo người chết xuống.
Nepal ngày một trong thế giới đạo hindu
Sinh hoạt của người dân gắn liền với dòng sông thiêng.
“Tôi không phải là người Bramin mà là một dân tộc thiểu số, nhưng tôi và gia đình theo đạo Hindu. Với chúng tôi, dòng sông đầy tro và rác này không ô nhiễm mà rất thiêng liêng và mỗi lần được tắm bằng nước sông này thấy người nhẹ nhõm hơn, thanh thản hơn”, anh hướng dẫn nói thêm.
Buổi chiều, chúng tôi đi thăm quan cố đô Patapur, cách thủ đô Kathmandu 20 km. Đây mới là hình tượng Kathmandu mà tôi nghĩ đến, một thành phố cổ được xây dựng cách đây hơn 1.000 năm, vẫn đầy ắp dân cư bản địa sống trong những ngôi nhà cổ xiêu vẹo qua thời gian, chỉ có hai chất liệu chính: gạch và gỗ lim.
Những mạch tường bằng đất sét và gạch nung thô không hề bị ảnh hưởng lắm bởi thời gian và sương nắng. Chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: hàng loạt ngôi đền Hindu được xây từ rất lâu, cái hơn 700 năm, cái 200 năm, mái ngói cổ, những thanh xà, những vòm cổng, khung cửa được điêu khắc trên gỗ lim với những họa tiết cực kỳ tinh xảo. Sự ngưỡng mộ không khác gì so với Angkor Watt, một nền văn minh đáng ngả mũ kính phục.
Nepal ngày một trong thế giới đạo hindu Khu phố cổ ở Kathmandu.
Các ngôi đền rất đa dạng về kiến trúc và phong cách, dưới tường một số đền dành để phục vụ các nghi lễ cúng tế còn dính đầy máu động vật khô đen. Hàng năm, vào tháng 11, người Hindu tổ chức lễ hiến tế quan trọng, họ giết các động vật như gà, lợn, trâu, lấy máu vẩy lên các tượng thần. Sau khi hiến tế, thịt được chia cho những người tham gia nghi lễ.
Chúng tôi bàn luận nhiều về nghi lễ hỏa táng và quan niệm của người Hindu. Bạn đồng hành của tôi nói: “Các nền văn hóa này đã rất lâu đời, nó tồn tại được tới giờ bởi vì người dân đã và đang công nhận nó. Chúng ta không nên bình luận gì nữa, mọi nhận xét đều là tương đối”.
Mạnh Hòa​
vnexpress.net​

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Một số lưu ý khi đi du lich Mỹ

Những khó khăn, trở ngại trong việc xin visa, khác biệt trong hệ thống luật pháp hay rào cản về văn hóa, lối sống có thể phá hỏng chuyến đi mà bạn đã chuẩn bị. Có một thực tế là "không phải ai...

Xem thêm  

Thung lũng chim tự sát ở Ấn Độ

Biển đón chào du khách ở đầu ngôi làng Jatinga ở huyện Dima Hasao, bang Assam, Ấn Độ. Nằm gọn trong một thung lũng Jatinga, ngôi làng nhỏ là một trong địa danh đẹp ở huyện Dima Hasao với những thác nước...

Xem thêm