12h trưa, theo chỉ dẫn của Google Maps, tôi và nhỏ bạn thân lách xe qua những ngõ hẹp im ắng của làng chài An Chấn, Tuy Hòa. Tuyệt nhiên không thấy chỉ dẫn du lịch, cũng không bóng dáng dân đi bụi, chúng tôi có phần hoang mang không biết thiên đường Gành Xép có … thực sự tồn tại. Sau những khúc quanh tưởng chừng không bao giờ dứt, tấm pano phim ‘Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh’ bất ngờ xuất hiện nơi cuối đường. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, Gành Xép đúng là có thật!
Nắng đã chếch khỏi đỉnh đầu nhưng vẫn chói chang. Không gian tĩnh mịch, tiếng sóng xô bờ đâu đây khiến người ta nôn nóng nghĩ tới vách đá sừng sững. Chúng tôi tìm đường lên đỉnh đồi, và lần đầu tiên trong đời tôi được chiêm ngưỡng nhiều xương rồng đến như vậy. Đây là Việt Nam, đâu phải Phi châu? Ấy vậy mà bụi này nối tiếp bụi kia, ngổn ngang như một trận địa. Cả trảng cỏ trải dài như một thảo nguyên thơ mộng chỉ tìm thấy trong những bộ phim tình ái xưa cũ.
Xương rồng bụi nối bụi, trải dài như một thảo nguyên
Khi mồ hôi đã nhễ nhại, nắng cháy rát nơi bàn chân thì bất ngờ cả một chân trời xanh ngắt mở ra. Dưới chân, vách đá dựng đứng đã rêu phong, thoải dần thành những lớp đá như vẩy cá để rồi bị ăn mòn bởi sóng biển. Nước xanh trong có thể nhìn thấu đáy từ độ cao hơn hai chục mét. Tôi la hét vì phấn khích, ôm máy ảnh chạy xuống rìa đá rộng nhất, không quên nhìn ngó sỏi đá ngáng chân. Thiên đường là đây chứ đâu!
Vách đá hùng vĩ tưởng chừng chỉ có ở châu Âu
Bởi nắng gay gắt nên nước biển cũng trong vắt và đổi màu uyển chuyển. Cùng một lúc, nước táp gần bờ ánh xanh lục, gần chân trời thì tím than, sát bờ lại ánh hồng rất kì diệu. Cảnh tượng vách đá sánh đôi với bờ biển mịn màng không tì vết, những tưởng chỉ thấy được ở những nước ôn đới nay lại hiển hiện ngay trước mắt.
Màu nước thay đổi uyển chuyển theo bóng mây
Xương rồng là đặc sản của Gành Xép
Muốn xuống bãi tắm, chúng tôi phải quay ngược xuống triền đồi. Dưới chân đồi là một căn nhà nhỏ bán đồ ăn thức uống và là nơi gửi đồ, tắm tráng cho dân du lịch. Một chiếc ghế tựa cho thuê giá 100k, và dọc bờ biển đã lác đác xuất hiện những chòi nhân tạo để khách nằm thư giãn. Du lịch mới mở cửa, mọi thứ vẫn đơn sơ, ngăn nắp và mến thương vô cùng.
Nhân lúc bờ biển còn vắng vẻ, chúng tôi thỏa sức đi dạo dọc đường bờ biển dài gần một cây số. Chưa có một bờ biển nào ở Việt Nam tôi từng qua cát lại hồng mịn, không gợn chút vẩn đục, không một mảnh rác như Bãi Xép. Người dân địa phương dường như rất ý thức chuyện vệ sinh, từ nhà tắm nước ngọt ra tới những chòi canh, tất cả sạch đẹp như chưa từng được khám phá.
Bãi biển hồng mịn không một vụn rác
Chúng tôi nằm dài trên bãi biển suốt 2 tiếng, từ khi nắng gắt chẳng có ai tới khi dân chài lác đác ra tắm. Chiều nắng dịu, biển lặng im một màu xanh đậm, không còn kì vĩ như trước nhưng nước vẫn trong vắt nhìn rõ từng nếp nhăn tay.
Lúc này, bãi đá đen đã đông nghịt dân làng chài và khách du lịch. Mọi người phấn khích với những con sóng xô bờ, với một bãi biển con nằm nép giữa hai rặng đá. Chúng tôi gọi đùa đây là bãi tắm trẻ con, bởi nó hết sức bé nhỏ, nước lại chỉ nông tới ngang bụng. Khỏi nói đây là địa bàn ưa thích của lũ trẻ địa phương. Có công viên nước nào có trò nhảy cầu tuyệt vời như thế này?
Trẻ em địa phương xếp hàng đi tắm
1,2,3…Nhảy!
Chộp được khoảnh khắc của các bé xong, nhìn quanh bãi biển đã tràn ngập khách du lịch. Chúng tôi đã có bãi biển của riêng trong vài tiếng, sẵn sàng trả lại Gành Xép cho những ai đang háo hức.
Vài tiếng thả hồn ở Gành Xép, cảm nhận từng thớ thịt chà lên cát mịn, nhìn thấu từng ngón chân qua làn nước trong suốt, mới thấy xứ này đích thực thiên đường. Nếu có dịp ngang qua Gành Xép, hãy nhớ ghé lúc xế trưa. Dù nắng gắt một chút, nhưng cả chân trời này sẽ là của bạn.
Ghé Gành Xép lúc xế trưa, cả chân trời riêng sẽ thuộc về bạn
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet