Hiến tặng bất đắc dĩ
Năm 2011, nhà chức trách Ukraina đã phát hiện một thùng lạnh chứa xương và mô người đặt trong một chiếc xe bus nhỏ màu trắng, bẩn thỉu. Trong đó còn có các phong bì đầy tiền và kết quả sinh thiết viết bằng tiếng Anh.
Các tài liệu thu giữ được cho thấy, những bộ phận này được tách ra từ cơ thể của những người Ukraina đã chết và được đưa tới một nhà máy của Đức - một chi nhánh của hãng RTI Biologics (Florida, Mỹ).
Một trong số những mô thu được là của Olesksadr Frolov, 35 tuổi, qua đời vì động kinh. Bà Lubov Frolova, mẹ của nạn nhân nhớ lại: "Khi chúng tôi đang ngồi trên xe tang tới nghĩa trang thì thấy ở một bên chân của thằng bé, chiếc giầy tụt ra... Khi con dâu tôi sờ vào, nó nói rằng chân thằng bé không còn". Cảnh sát đã cho bà thấy danh sách những thứ không còn trên thi thể con trai mình: "Hai xương sườn, hai góc chân, hai khuỷu tay, hai màng nhĩ, 2 cái răng và hơn nữa. Tôi không thể đọc hết..."
Đây không phải là trường hợp hy hữu. Rất nhiều tử thi đã bị lấy đi các phần trên cơ thể một cách bí mật mà không có sự cho phép của gia đình họ.
Năm 2003, phương tiện truyền thông của Latvia đã phát hiện ra rằng gỗ và vải được đặt vào cơ thể người chết nhằm thay thế cơ và xương, khiến nó giống trông như vẫn còn nguyên vẹn.
Các quan chức ở Mỹ và nhiều quốc gia khác không có cách nào để biết các mô có nguồn gốc từ đâu và sẽ đi đâu.
Không rõ xuất xứ
Trước khi bị bắt, cựu bác sĩ phẫu thuật nha khoa Michael Mastromarino đã điều hành Công ty Biomedical Tissue Services hoạt động trong ngành công nghiệp buôn bán mô người. Ông ta thu thập "nguyên liệu" từ các nhà tang lễ ở New York và Pennylvania (Mỹ) với giá 1.000USD/tử thi. Một vài tử thi trong số đó chết vì ung thư. Không tử thi nào được xét nghiệm HIV hoặc các mầm bệnh khác. Mastromarino đã làm giả đơn hiến tặng, nói dối về nguyên nhân cái chết và các chi tiết khác.
Mỹ hiện là thị trường lớn nhất và cũng là nhà cung ứng lớn nhất. Uớc tính có hơn 2 triệu sản phẩm làm từ mô người được bán tại đây hàng năm. Chúng hiện có mặt ở Canada, Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Brazil, Úc, New Zealand...
Tuy nhiên, ngay cả ở thị trường lớn nhất, hệ thống kiểm soát rất lỏng lẻo. Các quan chức ở Mỹ và nhiều quốc gia khác không có cách nào để biết chính xác da và mô tái chế tới từ đâu và đi đâu.
Các hãng kinh doanh nước ngoài muốn xuất khẩu sản phẩm vào Mỹ phải đăng ký với Cơ quan Quản lí thuốc và thực phẩm Mỹ FDA. Tuy nhiên, trong số 340 hãng, chỉ có khoảng 7% có hồ sơ kiểm tra trong dữ liệu của FDA.
TS Duke Kassprisin, Giám đốc y tế của 7 ngân hàng mô của Mỹ cho biết, sau khi đăng ký, các hãng này phải "điền vào tờ mẫu và chờ đợi được kiểm tra". Song "trong 1 hoặc 2 năm đầu, bạn có thể hành nghề mà không bị sờ đến".
Theo TS Martin Zizi, chuyên gia về sinh lí học thần kinh tại Đại học Free (Brussels, Bỉ), "nếu bạn mua thứ gì đó từ Rwanda, sau đó dán nhãn của Bỉ, bạn có thể nhập khẩu nó vào Mỹ". Một khi một sản phẩm đã vào châu Âu, nó có thể được đưa vào Mỹ và ít bị hỏi hơn. "Chúng ta cẩn thận với rau quả hơn với các phần trên cơ thể".
Từ năm 2002, FDA đã ghi nhận ít nhất 1.352 ca nhiễm bệnh do cấy ghép mô ở Mỹ. Trong đó có 40 người tử vong.
Về phần mình, các quan chức trong ngành công nghiệp vẫn khăng khăng rằng họ đã hoạt động một cách an toàn và có trách nhiệm. Tuy nhiên, bất chấp những yêu cầu đưa ra bình luận hoặc trả lời câu hỏi chi tiết về các hoạt động của mình, RTI vẫn im lặng.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet