Hoãn phẫu thuật... đợi làm thẻ BHYT
Ông Nguyễn Văn Vượng, 55 tuổi ngụ tại Khoái Châu, Hưng Yên khám tại BV K Trung ương, BS kết luận ông bị ung thư tuyến giáp và phải phẫu thuật. Được biết ca phẫu thuật khá tốn kém trong khi đó ông Vượng lại không có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT). Gia đình đành xin hoãn phẫu thuật chờ làm thẻ cho đỡ tốn kém.
Bà Phạm Thị Hằng, 50 tuổi, quê ở Phú Xuyên, Hà Nội đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Tôi chưa xin được giấy xác nhận hộ nghèo của địa phương nên không làm được thẻ BHYT. Bệnh của tôi điều trị tốn kém quá nên gia đình đành xin BS hoãn đợt điều trị, chờ địa phương làm thẻ BHYT cho hộ nghèo xong tôi sẽ tiếc tục nhập viện điều trị”.
Người dân "nghển" cổ nhìn bảng giá viện phí mới tại BV Việt Đức
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thời gian “đợi” làm thẻ BHYT xong mới nhập viện phẫu thuật. Vì có người bệnh nặng không mổ gấp chỉ trì hoãn 1, 2 tiếng là nguy hiểm đến tính mạng. Ông Lê Văn Hà, ngụ Thanh Hóa đưa con đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức lo lắng: “Cháu bị tai nạn, vỡ sọ, gãy xương hàm phải phẫu thuật mà không có thẻ BHYT, mấy hôm nay gia đình phải bỏ một khoản tiền khá lớn nộp cho bệnh viện.
Anh Tuấn, bệnh nhân tham gia BHYT đang điều trị tại viện Việt Đức kiến nghị: “Hiện nay trong việc đóng BHYT vẫn còn bất cập. Chẳng hạn người có BHYT phải trả một phần (5-20%) chi phí khám chữa bệnh. Tại sao BHYT không tăng lên để cho đủ, đỡ phải rắc rối khi làm thủ tục khám, chữa bệnh".
Căn cứ vào mức viện phí mới được áp dụng tại nhiều bệnh viện tuyến Trung ương và địa phương, ông Phạm Lê Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), nhìn nhận người không có thẻ BHYT sẽ là nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi viện phí tăng.
Viện phí tăng, bệnh nhân không có BHYT chịu ảnh hưởng nhiều nhất
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai nhận định: “Với chính sách viện phí mới, bệnh nhân không có bảo hiểm y tế sẽ phải trả số tiền tương đối lớn. Chẳng hạn bệnh nhân sinh mổ trước kia chỉ thu 390.000 đồng nhưng theo khung giá mới sẽ lên đến 1,5 triệu đồng”. Như vậy, số tiền bệnh nhân không có BHYT sẽ phải đóng cho một ca sinh mổ từ ngày 16/7 tại Bệnh viện Bạch Mai cao gấp gần 4 lần so với mức viện phí trước đó.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Trưởng phòng Tài chính Kế toán, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội phân trần: “BV Việt Đức chỉ điều chỉnh 20% dịch vụ so với 447 dịch vụ theo thông tư số 04 của Bộ Y tế. Từ ngày 16/7, BV tăng viện phí ở một số dịch vụ như tiền khám chữa bệnh, giường bệnh còn tiền làm thủ thuật vẫn giữ nguyên giá cũ”. Theo bà Hường nếu bệnh nhân không có BHYT phải phẫu thuật và điều trị tại viện 10 ngày thì chi phí thêm từ 600.000 đến 700.000 đồng”.
Theo bà Hường, Bệnh viện Việt Đức chỉ tăng giá viện phí ở một số dịch vụ
Không lo thiếu tiền mua thẻ BHYT cho người nghèo
Đó là nhận định của ông Phạm Lương Sơn, trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Theo ông Sơn, người nghèo có thể yên tâm tham gia BHYT và yên tâm chữa bệnh.
Ông Sơn còn cho biết thêm: “Không phải địa phương nào cũng làm thẻ cho bệnh nhân nhanh bởi có những nơi việc xét duyệt hộ nghèo đến tận tháng 3 mới xong, mà theo quy định, lúc nào xét duyệt xong mới được hưởng BHYT”.
Ông Sơn khẳng định: “Không lo chuyện thiếu tiền mua thẻ cho người nghèo. Nếu thống kê có bao nhiêu đối tượng được công nhận là hộ nghèo, cận nghèo thì ngân sách Nhà nước bỏ ra chừng đó tiền để hỗ trợ mua thẻ và cấp thẻ BHYT cho họ”.
Trước việc cơ quan bảo hiểm “phát” thông tin sẽ điều chỉnh mức đóng BHYT lên 6% mức lương tối thiểu, TS Lý Ngọc Kính, Nguyên Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế thẳng thắn: “Không thể có chuyện bảo hiểm cũng đòi tăng cùng viện phí. Làm thế khác nào viện phí “tăng kép”. Viện phí tăng đồng nghĩa với chi trả BHYT sẽ cao hơn. Còn chuyện Quỹ BHYT bị hụt, Nhà nước sẽ có trách nhiệm bù chứ không thể để người dân phải đóng phí BHYT cao”.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet