Sự phủ sóng rộng khắp của mạng xã hội kèm theo dịch vụ bán hàng online đã mang đến cho cả kẻ mua, người bán những "đặc ân" không thể phủ nhận. Tuy vậy, mọi thứ càng hiện đại bao nhiêu thì những rủi ro, bất cập cũng càng dễ xảy đến bấy nhiêu.
Cuộc sống bận rộn, chị em phụ nữ ngày càng ưa chuộng hình thức mua hàng online nhanh chóng và tiện dụng
"Thượng đế" bức xúc với muôn vàn mánh khóe của gian thương
Những kiểu lừa như nhận tiền không chuyển hàng, hoặc giao hàng không giống với mẫu quảng cáo tuy không mới và đã bị lên án nhiều lần nhưng vẫn là những chiêu trò phổ biến nhất của những con buôn hám lời.
Chị Hoàng Hoài Thu (Kiến An, Hải Phòng), một khách mua hàng online bức xúc kể về "cú lừa" tiền triệu chị vừa gặp phải: "Tôi chuyển tiền cho một chủ cửa hàng quần áo ở Thanh Hóa từ sáng 23.3 vừa qua. Trưa hôm đó chủ shop đã báo nhận được tiền và sẽ chuyển hàng vào 2h chiều.
Nhưng sau đó, trễ hẹn 3 ngày mà tôi chưa nhận được hàng, liên lạc thì chủ shop luôn luôn tắt điện thoại và block (chặn) cả trang mạng xã hội của tôi. Tối 26.3, tôi nhắn tin nhắc chuyển hàng và dọa sẽ báo công an thì nhận được những tin nhắn thách thức bằng giọng rất "giang hồ"."
Phóng viên cũng đã nhiều lần gọi đến số điện thoại chủ shop đăng tải để xác minh nhưng đều không liên lạc được.
Khi câu chuyện được đem chia sẻ trên một cộng đồng mạng ở Thanh Hóa (địa điểm nhận số tiền), một số cư dân mạng cũng lên tiếng cho biết đã từng bị người này lừa với cách thức tương tự. Theo đó, chủ shop này không bao giờ bán hàng trực tiếp cho người cùng địa phương, chỉ làm việc với khách từ các tỉnh xa, buộc phải chuyển tiền qua ngân hàng và chuyển đồ theo đường bưu điện.
Khi được hỏi về hướng giải quyết sự việc, chị Thu chưa đưa ra được giải pháp nào khả quan ngoài việc chụp lại mọi giấy tờ làm bằng chứng và ảnh trang cá nhân người được cho là lừa đảo để phát tán rộng rãi cho mọi người cảnh giác.
Đó cũng là cách xử lý của hầu hết những "thượng đế" đã bị lừa. Phần đông họ đều ngần ngại đưa ra pháp luật vì số tiền đã mất không quá lớn, không bõ công làm thủ tục kiện cáo. Hơn nữa, nguyên nhân một phần cũng do sự chủ quan của nạn nhân, để những kẻ lừa đảo "cầm đằng chuôi" nên muốn kiện cũng khó.
Những con buôn kiểu "lướt sóng" có thể rao bán hàng tá loại hàng hóa thuộc đủ các chủng loại khiến người mua luôn thấy rất tiện lợi
Ngoài kiểu lừa đảo "bùng" tiền của khách, những "con buôn" nhỏ lẻ còn có chiêu trò nhẹ nhàng hơn là bán hàng kiểu "lướt sóng". Họ thường tự nhận có người thân ở nước ngoài mua được hàng xách tay xịn, và rao bán thập cẩm đủ loại hàng hóa quần áo, giày dép, mỹ phẩm...
Nhưng thực chất, người rao bán chỉ là một "cầu" trung gian, lấy ảnh của những shop khác về và quảng cáo như của mình. Khi nào có khách đặt, họ lại đi mua hàng từ đó trong vai một khách lẻ rồi về bán lại cho "gà" của mình với giá cao hơn.
Hỏi kinh nghiệm của một "chủ thương" dạng này, người viết được cho hay: "Tôi chỉ nhắm vào những khách hàng kinh tế khá giả, tâm lý có tiền nên không hay tin những mặt hàng giá rẻ, nhất là những thứ thường được quảng cáo "giá sinh viên"."
Nhân vật này lấy ví dụ: một hũ kem dưỡng da nhập ngoại, giá buôn khi về đến Việt Nam là gần 400 ngàn đồng/ hũ, những đại lý rẻ và cốt lấy số lượng chỉ bán giá 500 - 650 ngàn đồng/hũ để hút khách. Vì tham bán thập cẩm nhiều loại, cô không thể lấy mỗi thứ cả "dây", cả thùng để được giá buôn nên chấp nhận mua lẻ, và phải bán lại với giá 750 - 850 ngàn/ hũ mới lãi. Điều quan trọng là hầu hết khách hàng của cô gái này đều luôn nghĩ của rẻ là của ôi, của đắt thì mới xắt được ra miếng.
Bên cạnh những chiêu lừa trắng trợn, thái độ của người bán hàng online cũng là một vấn đề nổi cộm. Người bán có thể là dân văn phòng nhàn hạ, bà mẹ sau sinh làm thêm cho đỡ buồn hay những sinh viên rảnh rỗi... Tất cả hầu như đều không hề có kiến thức về kinh doanh, kỹ năng bán hàng...
Bởi vậy mà không ít người mua đã phải nhận lại những tin nhắn trả lời đỏng đảnh, khó chịu của những con buôn không chuyên chỉ vì lý do "lãng xẹt" do mua ít, mua loại rẻ tiền hay hỏi giá nhiều mà chưa ưng...
Người bán cũng khổ vì "làm dâu trăm họ"
Trăm người bán, vạn người mua, khách mua hàng khóc dở mếu dở vì mất tiền oan mà không mua được đồ như ý cũng nhiều, mà người bán gặp phải những "tai nạn nghề nghiệp" khiến họ đã "lõm" vốn, còn mất luôn cả uy tín cũng không ít.
Chỉ cần một sơ suất nhỏ, chủ shop bán hàng online cũng rất dễ đánh mất uy tín với khách hàng
Vì hình thức mua bán là online nên hai bên thường trao đổi mọi thông tin sản phẩm, giá cả qua mạng hoặc điện thoại. Muốn giữ khách để làm ăn lâu dài, hầu hết người bán đều trực online 24/24 để xử lý rất nhiều việc như gửi báo giá, tư vấn, nhận đơn đặt hàng...
Người bán hàng đã phát ngán với những "ca" khó như khách thi nhau vào hỏi thăm giá cả, nhờ tư vấn chán chê rồi không mua gì, hoặc chọn mua xong xuôi rồi khi hàng được giao tận nơi lại "mất hút", hoặc đổi ý không mua, lấy cớ chê bai... Thậm chí, có những "thượng đế" khiếm nhã sẵn sàng la lối gọi chủ shop là kẻ lừa đảo nếu đợi quá lâu không nhận được hàng.
Ngoài ra, đôi lúc chính shipper (người vận chuyển) lại là nguyên nhân gây ra rắc rối cho cả hai bên. Người bán hầu hết đều chỉ tranh thủ kiếm tiền thêm nên ít có thời gian giao hàng, thường thuê xe ôm chuyển đồ thay vì sử dụng các dịch vụ chuyên nghiệp.
Nhiều trường hợp shipper giao hàng mà không gọi điện hẹn trước, hoặc đến nơi giao hàng không tìm được địa chỉ, năm lần bảy lượt không gặp nên lại quay về... Hậu quả là hàng chưa đến tay khách mà chủ shop vẫn mất tiền công trả cho shipper, khách thì sốt ruột và bức xúc vì cách làm ăn thiếu chuyên nghiệp.
Chưa kể, nhiều khách hàng trịch thượng còn có lối suy nghĩ "thượng đế" có tiền thích làm gì cũng được và tha hồ hạch sách, gây phiền hà cho người bán.
Tuy bán hàng cũng là việc "làm dâu trăm họ", nhưng gặp phải những "thượng đế" quá phiền nhiễu thì "nàng dâu" cũng khó lòng mà chiều hết cho được.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet