Hiện em bé phải nằm ở phòng cách ly ở Khoa Sơ sinh trong tình trạng yếu. Các bác sĩ đang dốc lòng cứu chữa cho cả hai mẹ con.
Mẹ thở máy, con nằm lồng kính
Theo bác sỹ Phạm Thế Thạch, Khoa Hồi sức tích cực, chị Ngân vào BV Bạch Mai tối 11/6 trong trạng thái hôn mê sâu, co giật, tình hình sức khỏe rất xấu. Các bác sĩ Khoa Cấp cứu đã phối hợp với Khoa Sản hội chẩn và chỉ định mổ bắt con để tránh nguy cơ tử vong cao cho cả hai. “Ca mổ thành công một phần cũng nhờ bệnh viện tuyến dưới thời gian qua đã làm việc hết mình, chăm sóc vết thương hoại tử, nâng cao thể trạng bệnh nhân”, bác sỹ Thạch cho hay.
Sau khi chào đời, ngay lập tức em bé được đưa xuống phòng sơ sinh của Khoa Nhi và được hồi sức đặc biệt bởi sinh quá non trong tình trạng mẹ bị liệt não. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, hiện tình trạng của bé rất xấu. Các bác sỹ đang dốc lòng cứu chữa, tuần sau mới có thể kết luận được.
Các bác sỹ Khoa Sản (BV Bạch Mai) từng tiến hành một ca mổ bắt con hy hữu trong tình trạng mẹ hôn mê phải thở máy. Sản phụ là Nguyễn Thị Lan, 24 tuổi, ở Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội), bị bệnh động kinh từ bé, uống nhầm thuốc sâu. Bé gái ra đời nặng 1,3 kg, đã có dấu hiệu suy hô hấp, được chuyển thẳng xuống Khoa Nhi thở máy và nằm lồng ấp. Người mẹ chuyển về Trung tâm Chống độc điều trị. Bé gái sau đó đã khỏe mạnh bình thường.
Bệnh nhân Ngân sau mổ được tết tóc gọn gàng, sạch sẽ và đang được hồi sức tích cực. Ảnh: T.G
Còn chị Ngân sau mổ đẻ, không còn lo ảnh hưởng tới con nữa nên đã được chỉ định dùng nhiều loại thuốc đặc trị chống co giật. Chị Ngân nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, hiện tình trạng co giật đã giảm. Tuy nhiên, do sức khỏe yếu nên chị vẫn phải dùng các loại thuốc an thần và thở máy. “Bệnh nhân đang thở máy vì còn hôn mê và vẫn chưa qua cơn nguy kịch”, bác sỹ Phạm Thế Thạch cho biết.
Có thể bị hôn mê lâu dài
Cũng theo bác sỹ Phạm Thế Thạch, nguy hiểm nhất là có thể chị Ngân hôn mê lâu dài. Dựa trên phim chụp cắt lớp, các bác sỹ chẩn đoán chị có huyết khối xoang tĩnh mạch trong sọ, gây tình trạng nhiễm trùng và là nguyên nhân co giật kéo dài. “Một số phụ nữ mang thai dễ bị các yếu tố đông máu làm thay đổi, máu cục sẽ làm dòng máu chảy chậm. Máu cục không gây hẹp hoàn toàn mà chỉ gây hẹp một phần, ảnh hưởng tới chức năng thần kinh. Có khả năng bệnh nhân Ngân co giật, hôn mê là do huyết khối, không phải do viêm não. Nếu bệnh nhân đến viện sớm, được khẩn trương điều trị từ đầu có thể cứu được. Đây cũng là bài học cho các thai phụ, khi có vấn đề về sức khỏe không nên coi thường mà nên đến các cơ sở y tế để được khám tổng thể”, bác sỹ Thạch khuyến cáo.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi còn đang nằm điều trị ở BV Việt Tiệp Hải Phòng, chị Ngân đã nhận được hơn 100 triệu đồng tiền ủng hộ của các nhà hảo tâm. Số tiền này đã được BV Việt Tiệp làm thủ tục chuyển vào một tài khoản ở BV Bạch Mai cùng với thời điểm chuyển bệnh nhân lên tuyến trên nhằm giúp đỡ bệnh nhân chi trả viện phí trong quá trình điều trị, chứ không chuyển trực tiếp cho người nhà.
Hiện ngoài mẹ chồng chị Ngân còn có cậu và mợ của chị từ quê Tuyên Quang xuống, đang ở bệnh viện giúp chăm sóc chị. Các bác sỹ khuyến khích người nhà bệnh nhân Hà Thị Ngân có trách nhiệm chăm sóc bệnh nhân tốt hơn. Có gia đình, bệnh viện và cộng đồng phối hợp cùng chăm sóc, hai mẹ con bệnh nhân sẽ bớt khó khăn rất nhiều.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet