Một mẫu trong bộ sưu tập Trở lại Thiên đường của nhà thiết kế Minh Hạnh. |
- Lễ hội áo dài cho Festival Huế năm nay được bố trí như thế nào?
- Sẽ là bức tranh "nửa nước, nửa cạn", bởi một sân khấu đặt dưới chân Kỳ Đài, bên mặt nước của hào hộ thành. Và như vậy, bức tranh Thiếu nữ bên hoa sen có thể sẽ phải khác đi một chút, ở phần "thuỷ" với những cô gái chèo thuyền hái sen, giữa một hào sen nở tự nhiên...
Phần tranh trên cạn, gây đập mắt sẽ là một loạt đài lửa đặt dọc theo các khẩu thần công. Trên cái nền đó, xen kẽ lễ rước đèn, hội thả diều và lễ hội áo dài với sự tham dự của 125 người mẫu (sẽ trình diễn 500 mẫu áo dài của 20 nhà thiết kế)… Từ bậc Kỳ Đài, bản Diễm xưa của Trịnh sẽ vang lên để mở đầu đêm hội (tối 15/6), qua ngón đàn violin của 5 cô nữ sinh trường Âm nhạc Huế.
- Chị sẽ xuất hiện ở phần nào trong khuôn khổ Festival Huế?
- Tuần lễ Thời trang Việt Nam từ 16 đến 20/6 tại trường Hai Bà Trưng (Đồng Khánh cũ), cùng 26 nhà thiết kế khác và đêm trình diễn bộ sưu tập mới nhất Trở lại thiên đường (với 80 mẫu) trong 4 tối, từ 12 đến 18/6 tại điện Kiến Trung.
- Niềm đam mê nghệ thuật pháp lam Huế có còn là nguồn cảm hứng của chị?
- Hẳn rồi, pháp lam đối chọi mà hài hoà - vẻ đẹp đó luôn kích thích nhà tạo mẫu.
- Chị từng nói: "Không nên coi áo dài là thời trang". Điều đó có ý nghĩa gì?
- Đúng vậy! Vì với người Việt và nhất là người Huế, còn cao hơn thế, nó đã là một di sản tinh thần. Vì vậy, những gì mà lâu nay chúng ta làm cho nó thực chất chỉ là cố gắng giữ lại cái linh hồn của nó.
Phần đẹp nhất của chiếc áo dài, theo tôi chính là bờ vai và đường eo. Vì vậy, tôi đặc biệt dị ứng với những kiểu áo dài khoét nách, hai dây hay tay bồng.
- Chị nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng "thời trang áo dài Minh Hạnh đôi khi sexy" quá?
- Tôi nghĩ, cái mới thì thường phải có thời gian, cái táo bạo thì cần được đồng cảm....
- Với cuộc trình diễn tầm cỡ festival, thị hiếu Tây hay Ta là điều chị "nghiêng" hơn?
- Nhập gia tuỳ tục, đất lề, quê thói.
- Chị nghĩ gì khi hầu như tất cả các show thời trang lớn ở Việt Nam đều bị "đặt dưới trướng" của chị?
- Có nghề thì sẽ có cơ hội...
- Với một mảnh đất thâm trầm như Huế, thời trang phải chăng chỉ là khái niệm "xa xỉ"?
- Huế - một địa chỉ có đủ phẩm chất để trở thành một thành phố Festival, tại sao lại phải "cấm cửa" một thế giới sống động như thời trang?
(Theo Lao Động)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet