Hến sông La
Hến là món ăn phổ biến của mọi gia đình ở vùng ven sông La (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Từ hến có thể chế biến ra nhiều món ăn để thay đổi hương vị cho bữa cơm thường ngày, như hến xào giá, ăn kèm bánh tráng; canh hến nấu rau tập tàng; cơm nước hến thêm chút gừng cay ăn kèm với cà muối mới thật đậm đà làm sao.
Hến có một hương thơm đặc trưng quyến rũ, bát nước Hến đầu tiên nóng hôi hổi mát, thơm, đậm ngọt, bổ dưỡng, màu trắng sữa như nguồn sống vô tận của dòng sông quê mẹ. Đúng như câu ca ai ví “Dẫu ai đi quanh về quắt – không kẻo nước giắt Kẻ Thượng” (Giắt là loại Hến con sinh sôi rất nhanh vào mùa hè, thích nghi sống ở vùng nước lợ như phía hạ nguồn giáp ranh giữa sông La và sông Lam).
Kẹo cu đơ
Kẹo cu đơ có hình tròn như chiếc gương, nhìn bề ngoài thô ráp và sần sùi nhưng lại rất thơm, có vị đậm đà của mật mía, thơm cay cay của gừng tươi, cái giòn tan của lạc và bánh tráng vừng. Miếng bánh vừa dai, vừa ngọt, vừa thơm lại cay nhẹ... ăn rất lạ miệng.
Đây cũng là đặc sản đặc trưng nhất của người Hà Tĩnh bởi nó chứa hương vị thiên nhiên và hơi thở cuộc sống. Vị ngọt của cu đơ như sự hiền hòa nhân hậu chịu thương chịu khó. Vị chát của chè xanh như những thăng trầm, khắc nghiệt của thiên tai mà con người nơi đây quanh năm phải gánh chịu. Có lẽ vì thế, khắp một dải miền Trung, du khách đi qua vẫn nhớ về kẹo cu đơ, nước chè xanh của người Hà Tĩnh.
Bánh đa vừng
Ở Hà Tĩnh có một món ăn dân dã, rẻ tiền mà thật ngon, đó là bánh đa. Vùng nào, chợ nào, quán nào cũng có nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bánh đa Chợ Tỉnh, Chợ Cầy, Chợ Hội… Bánh đa ở những vùng này dầy, to, giòn và đặc biệt là có rất nhiều vừng đen, ăn vừa béo, thơm, vừa giòn, khi đói có thể ăn trừ cơm, chỉ thấy no mà không thấy chán.
Bánh đa ở Hà Tĩnh được làm hoàn toàn bằng gạo ngon, không pha thêm ngô, sắn như ở nhiều nơi khác. Thông thường khi làm bánh đa, nguời ta chọn loại gạo gié vụ mùa, vừa dẻo, vừa thơm, không dùng gạo xay từ các vụ lúa trước, năm trước vì lúa để lâu nên gạo mất chất.
Khách cầm bánh, bẻ từng miếng, chấm với nước mắm cốt pha chanh, ớt cay xè, có vài giọt cà cuống thì càng ngon tuyệt. Ở Hà Tĩnh người ta còn ăn bánh tráng xúc nham (gỏi) bắp chuối, hến xào…
Gỏi cá đục
Về với mảnh đất của đại thi hào Nguyễn Du, là cái nôi của ca trù… chúng ta sẽ được thưởng thức nhiều món ăn được chế biến từ biển, trở thành nét văn hóa riêng của làng biển Xuân Nghi.
Cá đục dài khoảng 13-18 cm, thân to hơn ngón tay cái, sống gần bờ biển, có hình dạng tương tự loài cá bống nước ngọt. Cá đục có thể chế biến được rất nhiều món ngon vì thịt chắc, trắng, có vị ngọt và hầu như mùa nào cũng có.
Ăn gỏi cá đục nhất thiết phải có rau thơm và các loại lá sung, lá đinh lăng, lá xoài non... cùng với xoài xanh, khế chua, chuối xanh thái lát mỏng. Khi ăn dùng bánh đa nem cuộn rau với cá, chấm với nước lèo, bạn sẽ cảm nhận được vị béo của cá, vị bùi của cùi dừa, vị cay, vị chua lẫn vị thanh thanh, ngọt ngọt rất đặc biệt.
Mực nhảy Vũng Áng
Vùng biển Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh là khu kinh tế cảng biển sầm uất, sôi động, non nước hữu tình nổi tiếng với món hải sản có tên là mực nhảy. Vì mực ở đây khá to con, được chế biến ngay sau khi đánh bắt, vẫn giữ nguyên được độ tươi nên người dân địa phương đặt tên là mực nhảy.
Mực nhảy có thể được chế biến thành nhiều món ăn khác như luộc, xào, hấp hay gỏi. Mực nhảy có vị tươi, ngon, thơm rất đặc trưng, khác hoàn toàn so với các loại mực ở vùng biển khác trên cả nước.
Ram bánh mướt
Ram theo tiếng Hà Tĩnh dùng chỉ món nem rán, là món ăn nổi tiếng, góp phần làm nên hương vị ẩm thực Việt Nam. Nhưng ăn ram ở Hà Tĩnh, sẽ cảm nhận một hương vị thật khác. Bánh mướt là cách gọi khác của bánh cuốn, bánh ướt - món ăn ưa dùng của xứ Nghệ. Bánh mướt đơn giản chỉ cần chấm mắm, thường ngày là bánh mướt cuốn chả, sang hơn là canh gà bánh mướt. Người miền Bắc thường cuốn mướt với nhân thịt, khi tráng cho nhiều mỡ, nhưng người miền Trung bánh mướt để không nên khi ăn thưởng thức được hương vị mát lành, thanh đạm.
Ram mướt là thức bánh kết hợp hài hòa hai loại khác nhau, vừa giản dị vừa tinh tế, ăn vào giòn mà dẻo, béo nhưng không ngấy. Cuốn ram với bánh mướt chấm với nước mắm tỏi ớt rồi ăn ta sẽ thấy hương vị không thể chê vào đâu được. Nếu bánh cuốn ram ăn vào buổi sáng sớm thì ram rau sống lại ăn bất cứ khi nào.
Bánh bèo Hà Tĩnh
Bánh bèo là một loại bánh dân dã và không phải là đặc sản riêng của vùng nào, nên có ở khắp các miền đất nước như Huế, Nghệ An, Quảng Bình…. Khác với bánh bèo ở các nơi khác, bánh bèo Hà Tĩnh mang một sắc thái ẩm thực riêng.
Bánh bèo ở Hà Tĩnh được làm từ bột lọc, nhân trong làm từ tôm non bóc vỏ hoặc từ thịt nạc được xào lên cùng với hành khô, sau đó ăn kèm với rau thơm, bánh bèo khi ăn chấm nước mắm chua ngọt pha thêm tương ớt để tạo nên vị vừa cay, vừa chua ngọt.
Bánh bèo dù ăn nóng hay nguội đều ngon và hấp dẫn. Khi ăn nóng, kèm nước mắm cay trong những ngày trời se se lạnh sẽ thấy ấm lòng. Còn khi ăn nguội, bánh hơi dai, giòn mang vị đậm đà.
Bưởi Phúc Trạch
Mời về Phúc Trạch quê em/ Chè thơm bưởi ngọt người quen đợi chờ... Bưởi Phúc Trạch là đặc sản của huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, được bạn bè gần xa biết đến. Bưởi có dạng hình cầu tròn, nhỏ chứ không to, khi ăn vào có vị thanh chua rồi ngọt hậu tới cổ, thơm nhẹ tự nhiên. Thịt bưởi có màu hồng nhạt hoặc màu trắng trông rất đẹp mắt. Bưởi Phúc Trạch tự hào là một trong 7 loại cây ăn quả quý hiếm của cả nước.
Cam bù Hương Sơn
Là đặc sản nổi tiếng của huyện Hương Sơn, được trồng chủ yếu ở 12 xã trong huyện, gồm: Sơn Bằng, Sơn Trung, Sơn Phúc, Sơn Phú, Sơn Mai, Sơn Thuỷ, Sơn Trường, Sơn Hàm, Sơn Quang, Sơn Diệm, Sơn Lâm, Sơn Kim. Cam bù khi chín vỏ đỏ, xốp dễ bóc vỏ, múi cam mọng nước, ít hạt, ăn có vị ngọt, hương thơm quyến rũ, giá trị dinh dưỡng cao. Đây là cây bản địa được chọn lọc tự nhiên qua hàng trăm năm. Cam bù Hương Sơn là đặc sản mà du khách thường mang về làm quà cho người thân khi đến Hà Tĩnh.
Hồng Đông Lộ và Hồng Tiến
Có hai loại quý nhất là hồng Đông Lộ (Thạch Hà) và hồng Tiến (Nghi Xuân). Hồng Đông Lộ có quả hình vuông, màu xanh cam hoặc vàng, ruột màu vàng, khi chín ăn vừa ngọt, vừa thơm. Hồng Tiến Nghi Xuân (dùng để cung tiến vua ngày xưa nên gọi là hồng Tiến) khi chín có màu sẫm rất đẹp, mọng, vỏ mỏng (dân địa phương gọi là hồng trứng), ăn mềm ngọt mát và thơm. Cả hai loại hồng đều chín từ cuối hè cho đến hết thu.
Đến Hà Tĩnh, nếm thử quả hồng du khách sẽ thấy khỏe và sảng khoái hẳn lên. Thật thú vị khi được ngồi trên chiếc chõng tre dưới tán cây hồng, nhấm nháp quả ngọt ngon, nghe những câu chuyện lưu truyền trong dân gian về những quả hồng tiến vua, về những cây hồng tổ, nghe hát ca trù Cổ Đạm, hát giặm, hát ví “giận thương”…
Bún bò Đức Thọ
Để có một tô bún bò ngon, ngoài bún được làm từ gạo quê Đức Thọ, sợi bún to tròn và có màu hoa cau, thịt bò cũng phải là thịt của con bò được chăn thả vùng ven đê ở làng quê Đức Thọ, như thế thịt sẽ mềm, ngọt. Nước dùng được hầm từ xương ống, đuôi bò. Trong quá trình chế biến nước dùng, người đầu bếp phải rất tỉ mỉ, xương phải rửa thật sạch cho đến khi hết máu còn dính lại, thường xuyên gạn bỏ bọt trên nồi nước hầm xương để màu nước dùng luôn được trong; thịt bò được thái hơi dày sẽ mềm và ngọt hơn khi ăn. Hành lá, lá mùi tàu, nước mắm ớt, tỏi dầm, tiêu, thêm một múi chanh sẽ là những gia vị ăn kèm cho một tô bún bò hoàn hảo. Để rồi những ai đã một lần thưởng thức phải nhớ mãi!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet