Nội dung

Mỗi thời kỳ, quy chuẩn về ngoại hình người mẫu lại thay đổi. Ngày nay, làng mốt quốc tế có xu hướng tôn vinh sự đa dạng, từ trẻ đến già, từ da trắng tới da màu, từ mảnh mai đến tròn trịa... Thế nhưng, điều này chỉ được áp dụng đối với phái nữ.

Trên thực tế, trong giới mẫu nam, vẫn có sự phân biệt đối xử giữa những người sở hữu thân hình mảnh mai và bụ bẫm. Chủ đề về những chàng trai bụ bẫm được chuyên trang phong cách The Cut khơi lên từ năm 2011 và nhận nhiều bàn tán, tranh luận từ các chuyên gia. Đến Tuần lễ Thời trang new york Xuân Hè 2016 mới đây, câu hỏi "Người mẫu béo nam đang ở đâu?" vẫn chưa có lời giải đáp.

Mẫu nam béo bị hắt hủi trong làng mốt

Chris Collins cho biết những người mẫu nam có vóc dáng cao lớn như anh vốn đã không được chú ý nhiều trong làng mốt chứ chưa nhắc đến các đồng nghiệp có cơ thể tròn trịa. Ảnh: Blogspot.

Làng mốt quốc tế quy định chuẩn hình thể với mẫu nam ngoại cỡ nhưng thực tế không hề sử dụng hay tạo điều kiện cho họ có "đất dụng võ".

Theo tiêu chí của các chuyên gia thời trang, người mẫu nam được coi là ngoại cỡ khi có chiều cao trên 1,85 m và cỡ quần từ 32 trở lên (tương ứng với vòng ba từ 81 cm trở lên). Để đạt "chuẩn béo", người đó còn phải có những đường cong tròn trịa ở phần vai, bụng, đùi thay vì cơ bắp săn chắc.

Tuy nhiên, hầu hết cỡ quần áo xuất hiện trên các sàn catwalk cũng như chiến dịch quảng cáo chỉ dừng ở vài con số nhất định. Việc thử đồ cho những người có thân hình to lớn gặp khá khó khăn. Người mẫu Chris Collins - gương mặt đại diện của Ralph Lauren cao 1,9 m nặng 90 kg và có vòng ba 86 cm - tâm sự: "Những bộ trang phục tôi mặc vừa vặn trên các tấm hình quảng cáo mọi người thấy thực chất đã được cắt xé rộng ra. Hầu hết nhà thiết kế hiện nay có xu hướng làm đồ phục vụ cho người trẻ và mảnh mai". Anh cho biết thêm, hiện tại không có đến một người mẫu béo nam nổi bật nào. 

Mẫu nam béo bị hắt hủi trong làng mốt

Những người mẫu nam có thân hình bụ bẫm vẫn không được ưu ái như các đồng nghiệp sở hữu cơ thể tiêu chuẩn. Ảnh: Pinterest.

Giới tạo mẫu vốn không mặn mà với việc nới rộng kích cỡ quần áo trên sàn catwalk và chiến dịch quảng cáo. Kéo theo đó, nhu cầu thuê người mẫu nam béo gần như không có. Hai nhà thiết kế Timo Weiland và Alan Eckstein khẳng định điều này. Alan Eckstein cho biết việc vượt quá ranh giới quy định của ngành công nghiệp sẽ khiến hãng không thể nhắm tới khách hàng mục tiêu. "Nếu tổ chức một show thời trang với người mẫu đủ kích thước, nó sẽ khiến mọi người chú ý đến nhân vật trình diễn mà quên mất sản phẩm. Đó là vấn đề rất nan giải", nhà thiết kế nói.

Timo Weiland tiếp lời: "Những người có cơ thể cao lớn rất nhiều nhưng họ không cần thiết phải trình diễn trên sàn catwalk".

Ngoài ra, trước khi được các nhà thiết kế để mắt, những người mẫu béo phải "vượt ải" của các công ty quản lý. Hầu hết quy chuẩn về tỷ lệ, số đo cơ thể được đặt ra trong nhiều năm nay chỉ dừng lại ở chuẩn "cao, gầy" và chưa có dấu hiệu thay đổi. Nói cách khác, những người đàn ông có cơ thể tròn trịa mỗi khi muốn "đầu quân" cho làng mốt đều bị loại từ vòng đầu.

Mới đây, Josh Ostrovsky - một blogger nổi tiếng với việc chế ảnh hài trên mạng xã hội - đã trở thành người mẫu nam béo đầu tiên sau khi đầu quân cho một hãng quản lý là One Management. Tuy vậy, sức ảnh hưởng của sự kiện này đến làng mẫu ra sao vẫn cần chờ thời gian để trả lời.

Mẫu nam béo bị hắt hủi trong làng mốt

Không ít đấng mày râu có thân hình tròn trịa muốn nhìn thấy mình trên các chiến dịch quảng cáo thời trang. Ảnh: Wordpress.

Jessica Kane, biên tập viên của tạp chí Skorch kiêm blogger thời trang ngoại cỡ nổi tiếng, trong một cuộc phỏng vấn từng tâm sự đàn ông nói chung và chồng cô nói riêng rất quan tâm đến hình ảnh cơ thể. Không ít lần họ thấy mất tự tin nhìn những mẫu nam khoe cơ thể săn chắc trên các chiến dịch quảng cáo.

Bruce Sturgell, biên tập viên sáng lập Chubstr - website phong cách sống cho đàn ông béo - cho biết: "Tôi nói chuyện với đấng mày râu mỗi ngày và họ nói rằng muốn nhìn thấy những người giống mình trên các phương tiện truyền thông nhiều hơn. Họ là những người có thu nhập tốt, có sở thích riêng biệt nhưng giới thời trang đang bỏ qua họ".

Còn Zach Rosenberg - một trong những cây viết tiên phong trong phong trào ủng hộ đàn ông có cơ thể "Dad Bod" (bụ bẫm, tròn trịa giống các ông bố) - cho rằng phái mạnh cần tích cực hơn trong việc kêu gọi thay đổi nhận thức. Chỉ như vậy, các mày râu mới nhìn thấy bóng dáng mình trên các phương tiện truyền thông đại chúng thay vì những hình mẫu khó chạm tới.

Thành Trương

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục