Nguyên nhân là những lúc khó chịu, họ vô tình đưa tay lên gãi, làm xước, tổn thương ngực và vi khuẩn lao xâm nhập qua con đường này.
Chị N.T.V., nhân viên tư vấn bảo hiểm, nói gia đình chị không ai bị bệnh lao nhưng mới đây chị bị viêm tuyến vú, đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khám thì được giới thiệu sang Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, và tại đây kết quả xét nghiệm, chụp X-quang cho thấy chị bị lao tuyến vú.
Quá gò ép vòng 1
Không giấu giếm, chị N.T.V. cho biết do vòng một khiêm tốn, chị thường mặc những áo nịt ngực có chức năng nâng, độn ngực. “Tôi không biết vì sao mình lại bị lao vú nhưng một thời gian dài tôi đã mặc áo ngực chật, có chức năng nâng ngực và rất nhiều lần nóng bức, ngứa, tôi lấy tay gãi mà chẳng nghĩ ngợi gì” - chị N.T.V. thổ lộ.
Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Trần Đình Thanh, trưởng khoa ung bướu Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, giải thích trang phục quá chặt, bó ép vòng 1, gây nóng bức, ngứa, gãi làm trầy xước da khiến vi trùng lao vô tình có ở tay đi thẳng đến vết thương trên da tuyến vú là một trong ba nguyên nhân dẫn đến lao tuyến vú (đường lây trực tiếp).
Một nguyên nhân khác là do người ta hít phải vi trùng lao trong không khí vào phổi nhưng chưa thể gây bệnh và trở thành vi trùng lao nội tại trong cơ thể, nằm chờ đến khi nào cơ thể bị mất cân bằng, suy giảm miễn dịch thì vi trùng tấn công. Khi vi trùng lao nội tại này tới cơ quan nào sẽ gây lao ở cơ quan đó, ví dụ như tới hạch gây lao hạch, tới não gây lao màng não, tới vú thì gây lao vú (đây là cơ chế lây theo đường máu). Nguyên nhân còn lại do bản thân người bệnh đang bị lao phổi, lao xương sườn, từ những ổ lao này vi trùng lao xâm lấn trực tiếp ra mô vú hoặc hạch qua đường rò mủ (đường lây kế cận). Cũng theo bác sĩ Thanh, trong số các bệnh nhân đã được ông khám và điều trị, gần 60% bệnh nhân có thói quen mặc áo ngực chật, nâng ngực.
Chọn nội y đúng chuẩn sẽ giúp chị em giữ gìn sức khỏe tốt hơn - Ảnh: MINH ĐỨC
Nguy cơ ung thư
Mới đây PGS.TS Nguyễn Thị Thu Ba, bộ môn lao và bệnh phổi ĐH Y dược TPHCM, báo cáo có đến 47 trường hợp bệnh nhân lao vú được chẩn đoán xác định và điều trị tại đây. Riêng thống kê của bác sĩ Thanh thì từ năm 2002 đến nay, ông đã và đang điều trị khoảng 500 bệnh nhân bị lao vú. Do ảnh hưởng thẩm mỹ nên khi bị lao vú, nhiều chị em hoang mang, mất tự tin. Đặc biệt, nếu bị ápxe tái diễn nhiều lần phải chọc thoát mủ dẫn lưu hay gây tình trạng rò mủ ra da, một số trường hợp đường rò ngóc ngách quá nhiều phải cắt lọc đường rò, đôi khi phải cắt bỏ một phần tuyến vú, gây mất thẩm mỹ cho người bệnh.
Ngoài vấn đề thẩm mỹ, lao vú còn có thể dẫn đến nhiều tình huống nguy hiểm khác. “Nếu lao vú để lâu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách có thể rò ngược trở vào lồng ngực, gây lao ở lao màng phổi, lao phổi, thậm chí vi trùng lao vào đường máu và có thể gây lao màng não. Một số kháng sinh thường dùng cũng ảnh hưởng đến vi trùng lao, việc điều trị không tốt sẽ gây ra lao kháng thuốc, rất nguy hiểm. Do đó, phải phát hiện sớm để kịp thời điều trị và điều trị đúng” - bác sĩ Thanh khuyến cáo. Các tổn thương lành tính tại vú như viêm nhiễm lâu ngày, tái diễn ápxe nhiều lần tại vú như lao vú cũng là một yếu tố có nguy cơ phát triển ung thư vú (tuy rất ít).
Theo bác sĩ Thanh, khi phát hiện u vú, chị em nên đến một cơ sở khám có chuyên khoa về tuyến vú như Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Phụ sản... Nếu tại đó chẩn đoán không phải ung thư mà viêm vú thì nên dè chừng lao tuyến vú. Việc điều trị lao vú cũng như điều trị lao thông thường theo chương trình chống lao quốc gia là tám tháng khỏi bệnh, tuy nhiên lao ngoài phổi (trong đó có lao màng não, lao xương, lao vú…) thường phức tạp, rất có thể bác sĩ phải điều trị từ chín tháng đến một năm tùy từng trường hợp.
Khi khám và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị lao vú, bác sĩ Thanh đều khuyên họ không nên mặc áo ngực trong khi còn tổn thương ở vú, hoặc nếu dùng nên mặc áo ngực thoáng, mát, kích cỡ vừa phải, không gây gò bó cho vòng 1. Với những trường hợp vú bị ápxe nhiều và rò mủ thì nên để ngực trần. Với nguyên nhân vi trùng lao xâm nhập qua tuyến vú như trên, bệnh nhân có thể phòng, tránh bằng cách không mặc những loại áo ngực quá gò bó, gây nóng bức và nên vệ sinh tay sạch sẽ trước khi chạm vào vòng 1. Ngoài ra, nên tầm soát cơ chế lây từ gia đình, như nhà có người thân bị lao phổi, những bệnh lao khác hoặc tầm soát từ chính bản thân có bị lao hay không.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet