Năm 2011, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận khoảng 10-15 bệnh nhân bị tâm thần do ma túy đá, đến nay tăng lên 30 người/tháng....
Hiện nay, khoa Cai nghiện của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 đang điều trị cho 60 bệnh nhân, 2/3 trong số đó là bệnh nhân rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy đá.
Ảo giác “vui chơi hết mình”
Ma túy đá được “con nghiện” biết đến với cảm giác gây phê, gây ảo giác vui sướng, tăng ham muốn tình dục… Phần lớn trong số đó sử dụng ma túy đá để chứng tỏ “đẳng cấp”, để theo đuổi cái gọi là “vui chơi hết mình”. “Vì ham vui, vì nghĩ ma túy đá khó nghiện nên số người sử dụng ma túy đá tăng lên chóng mặt. Loại ma túy này chỉ cần sử dụng quá liều là dẫn tới tâm thần, nên số người nhập viện theo đó cũng tăng cao”- tiến sĩ Hùng nói.
Bệnh nhân rối loạn tâm thần do ma túy đá tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.
Trường hợp anh Vũ Hoài A (trú ở phố Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một dạng đối tưowợng “vui chơi quá liều” như vậy. Sau gần một tháng điều trị, anh Hoài A đã tỉnh táo hơn rất nhiều, anh chia sẻ: “Ban đầu tôi cũng không lường hết được tác hại của “đập đá”, cho đến khi dùng quá nhiều, “ngáo” lên và sinh ra rối loạn tâm thần, sau khi điều trị xong hình dung lại tôi mới thấy thực sự sợ hãi”.
Tiến sĩ Hùng đánh giá Hoài A là một trong những bệnh nhân “ngoan” vì ý thức rõ tác hại của ma túy đá khi anh từng tâm sự: “Giờ đây tôi đã tỉnh táo hơn rất nhiều và có thể ra viện, nhưng tôi vẫn xin ở lại thêm một thời gian, cho đến khi tôi không còn hình dung đến thứ đó nữa!”. Thực tế, không ít bệnh nhân ở đây không điều trị đến nơi đến chốn, thường xuyên trốn viện.
Đối mặt ảo giác và “cái chết bất thình lình”
Theo tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, ma túy đá không gây nghiện nặng như ma túy, không khiến con nghiện vật vã khát thuốc như ma túy, nhưng ảo giác nó mang lại thì gấp nhiều lần ma túy. Con nghiện thường mất kiểm soát hành vi, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội như chém giết người vô cớ, cuồng dâm… Lạm dụng quá mức ma túy đá dẫn đến rối loạn tâm thần tạm thời, thậm chí là tâm thần vĩnh viễn.
Ma túy “đá” (Methamphetamine) là một dạng ma túy tổng hợp. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy Công an TP.Hà Nội, 72% số người sử dụng ma túy tổng hợp ở độ tuổi 18-30, độ tuổi trên 30 chiếm 26%, riêng độ tuổi dưới 18 ở mức 2% nhưng có xu hướng gia tăng.
Xem các bệnh án, chúng tôi nhận thấy phần lớn các trường hợp sử dụng ma túy đá được đưa vào bệnh viện điều trị đều trong trạng thái điên loạn, quấy phá, đánh đập người xung quanh… Có trường hợp bệnh nhân ảo giác đến mức cắt cổ tự tử, nhưng may mắn do vết cắt chưa trúng mạch nên được cứu sống...
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh khoa, tiến sĩ Hùng chia sẻ: “Các bệnh nhân này đa dạng lắm, người thì ảo giác sợ bị giết, suốt ngày ngồi trong góc nhà vệ sinh; người thì hát hò và lắc lư cả ngày; có bệnh nhân nữ lạm dụng ma túy đá dẫn đến rối loạn bản năng tình dục, luôn trong tình trạng “thèm” đàn ông, buộc phải cách ly”.
Theo các y bác sĩ, điều trị cho những bệnh nhân này cũng không hề đơn giản, có người vừa vào đã được ra, nhưng cũng có người rối loạn nặng phải điều trị hàng tháng, hàng năm. Tiến sĩ Hùng buồn bã nói: “Bệnh nhân bước vào Khoa Cai nghiện mỗi người là một bi kịch. Những con số khác tăng trưởng 100% là mừng, nhưng riêng khoa tôi, lượng bệnh nhân tăng là tăng bi kịch xã hội. Rất mong các bạn trẻ tỉnh táo, đừng đua đòi “chơi” ma túy đá để đẩy cuộc đời vào chốn u mê”.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet