Lợi ích không ngờ của đậu que
Theo cơ sở dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, một chén nhỏ đậu que tươi khoảng 100g chứa 31 calo, 7g carbohydrate, 3g chất xơ, 3g đường và 2g protein nhưng không có chất béo. Đậu que chứa nhiều vitamin A, C và K cũng như giàu folate, thiamin, riboflavin, sắt, magiê và kali.
Khảo sát của các nhà khoa học Mỹ tại ĐH Y khoa Harvard nêu khả năng phụ nữ trong độ tuổi mang thai dùng nhiều thực phẩm giàu chất sắt như cải bó xôi, bí đỏ và đậu que có thể giúp tăng cường khả năng sinh sản. Lượng axit folic dồi dào trong đậu que cũng giúp thai phụ bảo vệ thai nhi khỏi những khuyết tật ở ống thần kinh. Một chén nhỏ đậu que cung cấp 10% nhu cầu axit folic và 6% nhu cầu chất sắt hằng ngày.
Thực phẩm giàu folate như đậu que rất tốt đối với những người dễ có nguy cơ bị trầm cảm. Lượng folate thích hợp có thể ngăn tình trạng mức độ homocystein quá nhiều trong cơ thể . Chất này vốn góp phần ngăn chặn máu và chất dinh dưỡng lên não. Homocystein nhiều quá mức có thể can thiệp vào sự sản sinh các hormone khiến con người cảm thấy dễ chịu như serotonin, dopamine và norepinephrine vốn giúp điều chỉnh trạng thái tâm thần, giấc ngủ và sự ngon miệng. Việc dùng đủ vitamin K cũng kéo giảm nguy cơ gãy xương, theo đó, vitamin K cải thiện sức khỏe xương bằng cách đóng vai trò bộ điều chỉnh các protein làm chất nền của xương, cải thiện sự hấp thu canxi và hạn chế tiết canxi qua nước tiểu.
Ngoài các lợi ích nói trên, đậu que còn là nguồn diệp lục tố (chlorophyll) phong phú cho cơ thể. Chất diệp lục có khả năng ngăn chặn tác hại gây ung thư của các heterocyclic amine vốn được hình thành khi chúng ta nướng thịt và thực phẩm có nguồn gốc động vật khác ở nhiệt độ cao. Do đó, việc dùng đậu que và một số thực phẩm chứa diệp lục tố khác được khuyến cáo nên dùng chung với món nướng.
Ảnh: internet.
Thời điểm cho bé ăn đậu que
Đậu que được xếp vào nhóm thức ăn ít có khả năng gây dị ứng cho bé. Cha mẹ có thể yên tâm khi cho bé mới ăn dặm thưởng thức đậu que.
Tuy nhiên, vì đậu que khá cứng, rất khó để xay nhuyễn đậu que thành hỗn hợp mềm, mịn; vì thế, chờ đến khi bé được khoảng 6-8 tháng tuổi, cha mẹ mới thử cho bé ăn đậu que, cũng có nhiều cha mẹ quyết định chờ đến khi bé biết bốc thức ăn mới cho bé thử ăn đậu que.
Cách chế biến:
Hấp hoặc luộc với một chút nước là hai cách làm đơn giản với đậu que. Chờ cho nước sôi, sau đó, mới thả đậu que vào nồi luộc. Tránh luộc đậu que quá 15 phút vì với thời gian dài, đậu que dễ bị mềm nhũn và mất màu. Nấu chín đậu que là cách chế biến thích hợp dành cho bé nhưng không nên để đậu que chín tới mức mất đi màu xanh.
Gợi ý 2 món ăn dặm với đậu que
1. Đậu que xay nhuyễn
Đậu que được rửa sạch, tước bỏ xơ, cho vào nồi hấp, đến khi chín mềm. Tiếp đến, cho đậu que vào máy, xay nhuyễn. Dùng rây lọc lại hỗn hợp đậu, để loại bỏ những mảnh hạt đậu bị vỡ, nằm lẫn trong hỗn hợp. Thêm vào hỗn hợp đậu que chút nước lọc, sữa mẹ hoặc sữa công thức. Cuối cùng, trộn đều hỗn hợp và cho bé thưởng thức.
2. Đậu que, carrot, bí xanh (cho bé tập ăn bốc)
Hấp chín đậu que, carrot và bí xanh. Sau đó, thái chúng dưới dạng hạt lựu, trộn đều lên và cho bé dùng tay bốc ăn. Thức ăn ấm hay lạnh đều khiến bé thích thú.
Thức ăn trộn chung với đậu que là: cà rốt, bí xanh, khoai tây; lúa gạo, đậu phụ; thịt gà, thịt bò.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet