“Tôi đã điều trị cho nhiều học sinh (HS) rơi vào trạng thái rối loạn tâm thần (RLTT) trước và sau các đợt thi. Nếu không có những động thái can thiệp phù hợp và kịp thời, nguy cơ HS bị RLTT do áp lực học hành, thi cử sẽ tăng nhanh” - ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM, cho biết.
Nhiều chuyện đau lòng
Tại BV Tâm thần TP.HCM, chúng tôi đã ghi nhận nhiều trường hợp đau lòng về việc HS bị RLTT do học hành, thi cử.
Em TMH (15 tuổi, ngụ TP.HCM) trước đây rất năng động, thích chơi thể thao. Sau khi vào học một trường THPT chuyên tại TP.HCM, em H. có các biểu hiện như thường ngồi trầm ngâm, mất ngủ nhiều, bỏ chơi thể thao… Thấy lạ, gia đình đưa em đến BV Tâm thần. Bác sĩ kết luận em bị RLTT. Cha em cho biết sau khi vào trường chuyên, sức học của em sụt giảm nên có rầy la. Gần đây, em H. còn có biểu hiện loạn thần khi vô cớ đá chó, đập mèo nuôi trong nhà.
Hai học sinh bị rối loạn tâm thần đang chờ khám tại BV Tâm thần TP.HCM. Ảnh: T.NGỌC
Trường hợp em NTTM (18 tuổi, học sinh giỏi lớp 12, ngụ Long An) thật thương tâm. Gia đình khá giả, cha mẹ có cửa hàng bán vật liệu xây dựng. Muốn em nối nghề, cha em buộc em thi vào trường ĐH kinh tế hoặc ngoại thương trong khi em M. lại muốn trở thành cô giáo. Chỉ có vậy, em M. tỏ ra buồn chán, có biểu hiện học trước quên sau. Nhiều lúc em ôm đầu than đau, chẳng thiết việc ăn uống… Kỳ thi ĐH năm ngoái, trong lúc bạn bè ngồi trong phòng thi làm bài thì M. phải theo mẹ vào bệnh viện để chữa chứng RLTT.
Chán sống, muốn tự tử
Trước những hiện tượng đáng lo ngại trên, chúng tôi tìm đến ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM, để tìm câu trả lời.
. Phóng viên: Thưa ông, những biểu hiện thường gặp của RLTT cụ thể như thế nào?
+ ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang: Các biểu hiện thường gặp là HS than chán học, không thể tiếp thu bài vở, đau đầu, trí nhớ giảm sút, mất ngủ, trễ nải việc ăn uống… Có phụ huynh kể con họ trước đây rất chăm chỉ nhưng đến gần ngày thi lại không quan tâm chuyện học hành, ôn bài; luôn ngồi thẫn thờ, trầm ngâm. Có phụ huynh cho biết con họ đang bình thường bỗng dưng khóc lóc vô cớ, lo âu, buồn chán… Nói chung có nhiều dạng biểu hiện của RLTT.
. Còn loạn thần là như thế nào?
+ Loạn thần cũng là dạng của RLTT nhưng có các biểu hiện hết sức dữ dội, mãnh liệt… Tùy theo từng mức độ, HS bị loạn thần có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân như chán sống, muốn tự tử… và cho những người xung quanh như thích tấn công bằng bạo lực…
Không gây áp lực cho con cái
. Nguyên nhân nào khiến HS đang bình thường bị RLTT?
+ Áp lực học hành, thi cử là nguyên nhân chính khiến HS dễ bị RLTT. Không ít HS khả năng tiếp thu bài vở có hạn nhưng phải học ngày, học đêm; ôn thi ở nhà không đủ phải ôn thi ở các trung tâm… Cơ thể con người là một hệ thống nhất, nhồi nhét kiến thức quá mức sẽ khiến một vài bộ phận rối loạn, trong đó có RLTT.
Về cơ chế, có thể hiểu áp lực lo lắng khiến HS luôn hồi hộp, gây rối loạn hệ thần kinh giao cảm, thay đổi chuyển hóa về đường huyết và các chất điện giải trong cơ thể khiến HS dễ hoa mắt, chóng mặt dẫn đến lo âu. Đó là dấu hiệu ban đầu của RLTT. Ở mức cao hơn, bệnh nhân khóc lóc, gào thét, hoảng loạn, hoảng sợ...
. Để hạn chế thực trạng HS bị RLTT, theo ông cần có những giải pháp nào?
+ Hệ thống giáo dục nước ngoài thường tổ chức đan xen học và nghỉ ngơi nên ít HS bị RLTT. Trong khi hệ thống giáo dục nước nhà hiện nay vô hình trung tạo nhiều áp lực đè lên HS vì chương trình học quá nặng, chưa thật sự phù hợp lứa tuổi đang phát triển về thể chất cũng như tinh thần. Bên cạnh đó còn có áp lực từ cha mẹ muốn con cái phải đậu ĐH. HS ráng hết sức để thỏa mãn yêu cầu của cha mẹ. Nhưng không ít HS càng theo đuổi vào trường ĐH ngày càng đuối. Đến một thời điểm nào đó hết chịu nổi HS chuyển sang bị RLTT, trở nên lơ ngơ, cười nói một mình.
Thi phải có đậu có rớt. Phụ huynh chớ quá kỳ vọng vào con cái gây áp lực khiến các em bị ức chế, buồn chán, rơi vào trạng thái RLTT.
Theo tôi, cha mẹ nên xem việc thi cử của con là chuyện bình thường, đừng buộc con phải thi đậu, đừng quá kỳ vọng để rồi thất vọng, trút tất cả sự tức tối lên con. Trong thời gian con ôn bài thi cử, cha mẹ không nên biểu hiện thái độ lo lắng trước mặt con. Ngoài thời gian ôn thi, cha mẹ nên tạo khoảng không gian thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý cho con em mình.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet