Đã qua 3 ngày phẫu thuật, khi sức khỏe tạm ổn, chị M. có thể cười và nói chuyện với mọi người. Chị không còn khó chịu và tỏ ra bất hợp tác như mấy ngày đầu nhập viện nữa.
Chị M. nhập viện ngày 2/7, chị và chồng chỉ có ý định lên bệnh viện kiểm tra sức khỏe và mổ sinh chứ không phải mổ lấy khối u.
Mẹ chồng chị M, sau nhiều ngày vẫn còn cảm giác hụt hẫng, bàng hoàng vì không có cháu bế. Bà bảo ngày con đi viện, bà và cả gia đình ở nhà mong ngóng con dâu lên bệnh viện khám để rồi sinh nở bình thường như những người phụ nữ khác...
Bao nhiêu đồ sơ sinh cho em bé bà các con đã chuẩn bị sẵn chỉ chờ ngày đón cháu chào đời. Niềm vui và mong ước ấy đã không thành sự thật. Bà bảo khi nghe con trai bà báo về rằng con dâu mang khối u trong bụng chứ không phải là mang thai như lời phán của thầy lang, bà không tin đó là sự thật. Bà rụng rời chân tay và vẫn mong đó là chẩn đoán sai. Chỉ khi khối u đã mổ ra, tận mắt nhìn thấy khối u bà mới tin đó là sự thật và đứa cháu bà mong đợi đã không thành hiện thực.
Hình ảnh "bụng bầu" của chị M. Mòn mỏi tìm thầy lang chữa vô sinh.
Bà bắt đầu kể về chuyện vợ chồng chị M. Họ cưới nhau 10 năm nhưng vẫn chưa có con. Vợ chồng chị M. đi khám chữa ở nhiều nơi nhưng tin vui mãi chưa đến. Năm này qua năm khác, anh chị không có con. Nhiều lần, nhìn con cái tuyệt vọng vì đi chữa hiếm muộn bà chỉ còn biết động viên con chịu khó chờ đợi.
Chữa tây y không được, họ đi chữa đông y. Ở quê, ai mách có thầy lang nào là vợ chồng chị M. tìm đến không quản ngại đường xá, xa xôi. Với họ việc chữa vô sinh là điều quan trọng nhất.
Không chỉ các con bà tìm thầy lang, mẹ chồng chị M bảo bà cũng sưu tập thông tin về các ông, bà lang chữa vô sinh rồi về nhà bảo con dâu đến đó chữa. Những bịch thuốc đông y sắc sẵn đựng trong túi, thuốc bào chế dạng viên hoàn rồi thuốc lá chị M. mang về nhà sắc uống.
Thầy lang ở các mạn Thái Bình, Nam Định, vợ chồng chị đều mòn gót đi chữa bệnh. Số thuốc vợ chồng chị uống không biết đến bao nhiêu rồi. Bà chỉ nhớ đến khoảng tháng 8 năm ngoái, bà thấy bụng của con dâu to dần.
Là khối u nhưng vẫn cảm nhận em bé đạp
Chị M. đi bắt mạch thầy lang, thầy phán chị đang mang thai. Bụng to nhanh và thông báo chị sẽ sinh 3. Để đảm bảo thai khỏe chị M. không được đi khám thai hay siêu âm. Sau bao nhiêu năm chờ đợi, chị tuyệt đối tin vào lời thầy lang. Bà M. bảo con “cẩn thận cho lành”. Thậm chí, chị M cũng có biểu hiện nghén ngẩm, mệt mỏi như người mang thai thật.
Chị còn bị đau lưng, mọi người cho rằng bà bầu ai cũng đau lưng. Thật lạ, chị M. vẫn khoe em bé đạp. Thấy bụng chị M. to và không giống người có bầu bình thường khác, bà bảo con dâu xem thế nào thì chị M bảo “bụng sinh ba phải khác người sinh 1, sinh 2. Chị M. kiêng khem rất kỹ. Dù không tự cử động nhưng chị vẫn tin mình có thai.
Bà M. bảo chỉ đến khi quá ngày sinh nở, “thai” to quá mức mà không thấy đau đẻ, chị M. mệt mỏi, ăn ít, bụng to mà người và chân tay vẫn gày, không có dấu hiệu xuống bụng như người mang thai khác, gia đình đưa thẳng đến bệnh viện Phụ sản Trung ương khám. Tại đây, bác sĩ siêu âm không thấy có dấu hiệu của tim thai mà là khối u to. Các bác sĩ yêu cầu phải nhập viện để mổ.
Bà M. kể khi nghe bác sĩ nói thế, bà và mọi người đều hoang mang và không muốn mổ vì họ vẫn hi vọng có sự nhầm lẫn nào đó. Họ không muốn mổ vì muốn chị M. “đẻ thường”. Các bác sĩ phải thuyết phục chị M. và gia đình mới cho bác sĩ phẫu thuật cắt khối u.
TS, BS Vũ Bá Quyết cho biết đến hôm nay 7/7, chị M. đã khỏe hơn, có thể ăn uống được và không còn bất hợp tác như ngày đầu nhập viện. Chị M. đã nói chuyện với bác sĩ và bắt đầu cười nhiều hơn. Các bác sĩ vẫn động viên chị khi khỏe lại có thể tiến hành các biện pháp can thiệp sinh sản khoa học và an toàn hơn việc chữa lang băm.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet