Nội dung

Sáng 13/10, 3 trong 4 chiến sĩ PCCC bị thương sức khỏe đã bình phục và được xuất viện, còn chiến sĩ Lê Duy Anh vẫn nằm lại Bệnh viện 103 để các bác sĩ theo dõi. Vụ cháy 2 tầng hầm của tòa nhà CT4A và CT4B, khiến nhiều người dân đang sinh sống ở chung cư Xa La hoảng hốt.

Sau nhiều giờ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, đã trực tiếp cứu khoảng 200 người đến điểm sơ cấp cứu dã chiến để sơ cứu, kiểm tra sức khỏe. Dân mắc kẹt đa phần là người già, trẻ nhỏ nên lính chữa cháy mất nhiều thời gian để trấn an tinh thần, hỏi thăm sức khỏe và cùng họ tìm lối di chuyển sao cho an toàn nhất.

Lính cứu hỏa nhường mặt nạ chống độc cho người dân

Những người lính cứu hỏa đưa em bé xuống đất và giao cho gia đình. Ảnh Xuân Bùi.

Những người được cứu, có người đang trong tình trạng bị ngạt khói nên một số chiến sĩ PCCC đã tháo mặt nạ chống độc để giúp họ được thở khí ôxy... Trong số lính cứu hỏa làm nhiệm vụ cứu nạn tại nhà CT4B, chiến sĩ Phạm Hải Nam đã nhường mặt nạ chống độc để cháu bé hơn 1 tuổi được hít khí ôxy và khi trao cháu bé cho đồng đội, Nam đã ngất xỉu… Trở lại đơn vị sau khi điều trị tại bệnh viện, Nam chia sẻ, điều nhớ nhất là hình ảnh cháu bé hơn 1 tuổi bế trên tay.

Sau khi leo lên tầng 18,  có 4 người trong gia đình đang men theo hành lang đi xuống, nhìn thấy Nam người nhà đã trao cháu bé 1 tuổi nhờ cậu bế xuống. Do không quen người lạ, cháu bé liên tục khóc, giãy giụa, đi được nửa đường, Nam cảm thấy cháu bé đang yếu dần, tiếng khóc ngày càng nhỏ. Không chần chừ, Nam tháo vội mặt nạ phòng độc đưa vào mặt cháu bé và cứ thế, được sự hướng dẫn của Nam, cả gia đình đi xuống đất an toàn…

Với Hạ sĩ Trương Duy Tùng, chiến sĩ mới hơn một năm làm việc trong lực lượng cứu nạn cứu hộ, thuộc Phòng Cảnh sát PCCC số 7 (đóng ở huyện Thanh Trì) kể, được lệnh cùng tiểu đội trưởng đeo mặt nạ phòng độc, xách theo bình thở oxy khẩn cấp theo thang bộ lên cứu người mắc kẹt.  Khi trèo thang bộ từ tầng 1 lên tầng 19 tòa nhà, Tùng cùng đồng đội ghé tất cả căn hộ để gọi nhưng không thấy ai ra mở.

Phán đoán người dân ở tầng thấp có thể đã kịp chạy thoát, hai chiến sĩ di chuyển nhanh lên trên. Tới tầng 20, hai anh gặp người phụ nữ trung niên ngồi bệt ở bậc cầu thang, kiệt sức. Sau khi thăm hỏi sức khỏe, biết người này có thể tiếp tục đi, đồng đội của Tùng đã nhường bình oxy cho người dân rồi dìu xuống sảnh. Tùng tiếp tục lên các tầng trên để tìm, mỗi sàn nhà CT4B hơn 10 căn hộ, nên việc rà soát, tìm người trong bóng tối khá khó khăn và tốn không ít thời gian. Vì thế, bước chân của chàng lính trẻ càng trở nên gấp gáp.

Trở lại phía dưới, tìm đến một căn hộ thuộc tầng 32, Tùng xưng Cảnh sát, đập cửa gọi lớn thì phát hiện một phụ nữ đang run rẩy, ngồi ôm đứa con mới vài ngày tuổi tại ban công. Biết sức khỏe 2 mẹ con ổn định, anh thông tin với họ đám cháy đã được khống chế, nhường bình ôxy rồi dắt họ lên sân thượng theo lối thang bộ. Quá trình cứu nạn cứu hộ, Tùng được chỉ huy đơn vị ghi nhận là một trong những Cảnh sát cứu được nhiều người nhất.

Lính cứu hỏa nhường mặt nạ chống độc cho người dân

Hình ảnh chiến sĩ Cảnh sát PCCC Phạm Đức Anh làm lay động hàng nghìn người.

Khi công tác chữa cháy đi vào giai đoạn cuối, cũng là lúc những người lính cứu nạn cứu hộ được lệnh điểm danh quân số, thu dọn đồ nghề. Gương mặt nhọ đen vì khói bụi đám cháy, có người ho khan, giọng lạc đi vì nhiễm khói nhưng họ vẫn nở nụ cười tươi. Thu hút hàng nghìn like (thích) trên diễn đàn dành cho giới trẻ là khuôn mặt sạm đen và nụ cười tỏa sáng của chiến sĩ PCCC Phạm Đức Anh (SN 1995), công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC số 2 quận Đống Đa, Hà Nội. Bức ảnh chụp lại khoảnh khắc Đức Anh và đồng đội vừa dập xong đám cháy ở tầng hầm. Trong bức ảnh, trên khuôn mặt đen nhẻm do tro bụi bám, người lính trẻ vẫn nở nụ cười sau khi hoàn thành nhiệm vụ chữa cháy, cứu người. Trên tay Đức Anh vẫn cầm mẩu bánh mỳ ăn vội sau khi cùng đồng đội tham gia cứu hộ.

Kể lại tình huống tham gia cứu hỏa, Đức Anh cho biết, lúc đó nhận được tin chi viện của Phòng Cảnh sát PCCC số 9 (Hà Đông). Khi đến đám cháy, Đức Anh và đồng đội được trang bị bình thở và lập tức xông vào đám cháy để cứu người. Đức Anh được phân phụ trách cứu hộ ở tầng 4, 5, 6. Đưa được hết mọi người ra cũng đúng lúc bình thở của chàng lính 9x hết khí. Khi xuống trở lại, Đức Anh tiếp tục được phân công xuống hầm chữa cháy và dập tắt đám cháy. Được biết, suốt 2 năm gắn bó với nghề, Đức Anh đã từng tham gia cứu hộ hơn 50 vụ cháy trên địa bàn thành phố.

Còn rất nhiều chiến sĩ PCCC đã để lại hình ảnh đẹp trong mắt người dân, mỗi người lính chữa cháy khi chiến đấu với “giặc lửa” họ quên mình để cứu người và tài sản của nhân dân. Cảm động trước công việc của người lính chữa cháy, chị Dương Thị Danh, sống tại chung cư CT4A đã gửi tới cán bộ chiến sĩ PCCC tòa nhà CT4A lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất. Chị đã viết: “Đặc biệt là 2 chiến sĩ trong lúc khói lửa mịt mùng bao phủ khắp tòa nhà đã dũng cảm lao lên tầng 2 Phòng 205 cõng mẹ tôi ra. Các anh đã cứu mẹ tôi giữa vòng vây của khói lửa. Chúc các anh mạnh khỏe, bình an những người anh hùng”.

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Từ khóa
Cùng chuyên mục

Bạn thân à, tớ thích cậu!

Sáu năm bên nhau rồi đấy, chúng ta có bao nhiêu cái sáu năm trong cuộc đời cậu nhỉ? Mình học chung lớp cấp ba, cậu bàn dưới, tớ bàn trên. Bao nhiêu cảm...

Xem thêm  

Đi xe SH mới là đẳng cấp

"Trên thế giới chẳng còn nước nào quan tâm đến xe hai bánh, nó chỉ được coi là phương tiện 'thể thao nguy hiểm'. Ở ta vẫn quan trọng hóa vấn đề, rằng nó thể hiện đẳng cấp của người đi, thật...

Xem thêm  

10 status ấn tượng trong tuần trên Facebook

'Già rồi hãy sống và làm những điều mình yêu thích, đơn giản vì mình không còn nhiều thời gian', Kỳ Duyên viết. Status số 1 "Người đàn ông mang đến hoa hồng chỉ để vui chứ không nên quá coi trọng....

Xem thêm