Cảnh tượng những anh chàng mặc bộ đồ bảo hộ màu đen, đội mũ bảo hiểm kín mít rạp người trên chiếc sportbike phóng như bay qua các tuyến phố dưới ánh đèn đường bí ẩn luôn đạt hiệu ứng cao về hình ảnh, nhưng thực tế lại không phải dòng xe phổ biến nhất trên thị trường, danh hiệu đó thuộc về nakedbike, biến thể của sportbike.
Khai sinh
Nakebike ra đời không hào nhoáng, gắn liền với những giải đua hàng ngàn người cuồng nhiệt như sportbike. Chính xác thì, nakedbike ra đời từ đống đổ nát, từ những mẫu xe thể thao bị tai nạn, không may mắn gặp phải chủ nhân nghèo khó. Không phải nói quá!
ducati monster 795. |
Xuất hiện đầu tiên ở garage của những anh chàng mê xe châu Âu vào những năm cuối 80 đầu 90 thế kỷ trước, với biệt danh streetfighter. Khi những chiếc sportbike gặp tai nạn, thay vì bỏ ra khoảng 600 USD cho dàn áo và 120 USD cho tay lái gập clip-on thì những "chàng trai nghèo" lột bỏ hết, chỉ thay thế kiểu tay lái mới giá vỏn vẹn 18 USD. Mục đích để phô ra vết tích tai nạn nhưng một chiến binh dạn dày, cũng bởi thế nên dòng xe mới có tên ban đầu là streetfighter.
Sau khi streetfighter dần phổ biến, các hãng xe dần nhận ra mỏ vàng đằng sau đứa con sinh ra trong hoàn cảnh ngược đời này. Rõ ràng các hãng làm kinh doanh biết rằng, cứ chú tâm vào sản xuất sportbike chỉ thể hiện hết sức mạnh trong đường đua thì streetfighter mới là người bạn thực sự của chủ nhân trên mỗi cung đường công cộng bởi tính cơ động, dễ lái.
Vị thành niên
Như một đứa trẻ ra đời với gia cảnh nghèo khó nhưng có tư chất, streetfighter dần lớn lên và định hình cá tính, mà người truyền lửa đầu tiên chính là Ducati. Thuật ngữ nakedbike ra đời năm 1993, gắn liền với huyền thoại Ducati Monster tới ngày nay. Hãng xe "Ferrari hai bánh" là ông bầu có công nuôi dưỡng nakedbike thành người nổi tiếng.
Thiết kế Monster là Miguel Angel Galluzzi, để lộ bộ khung lưới mắt cáo của Fabio Taglioni. Một hình dáng mới mẻ, chưa từng xuất hiện trên thị trường mang tới làn sóng cho giới mộ điệu. Lúc này, người Nhật quyết chen chân vào thị trường.
Không bắt đầu từ mẫu xe mới tinh như Ducati, Honda chọn cách chỉnh sửa chiếc sportbike CBR600F3 năm 1998, và CB600F ra đời, còn gọi là Hornet. Thấy Honda làm được, các đồng hương cũng không thể đứng nhìn, lần lượt Yamaha FZ, Suzuki SV và Kawasaki Z ra đời, còn phát triển tới ngày nay thành những dòng nakedbike danh tiếng.
Trưởng thành
Nakedbike ra đời, nhanh chóng trở thành một anh bạn thân đúng nghĩa của giới mê xe. Hiểu chủ nhân, hiểu đường sá, hiểu tình trạng giao thông. Những cú rạp người mở rộng cua, gảy số tốc độ băng băng về đích của sportbike có thể hiện hết tố chất ở đường núi quanh co với những khúc cua gắt, hay trong thành phố luôn đông nghịt xe cộ? Tất nhiên là không, nakedbike mới giải quyết điều đó.
Triumph Speed Triple. |
Nakedbike có mô-men xoắn cao, điều khiển nhẹ nhàng ở những tốc độ thấp, có tay lái cao, mở rộng dễ xoay sở. Trên Triumph Speed Triple, động cơ 1.050 phân khối đạt tốc độ tối đa 96 km/h ở cấp số một, không giống như CBR1000RR, số một của chiếc sportbike Nhật lên tới gần 130 km/h. Những công thức liên kết bánh răng còn lại của Speed Triple kiểm soát gọn gàng dải tốc độ 96-240 km/h.
Không gắt gỏng, nakedbike đủ dùng cho đường trường cũng như đường phố. Chọn số một và chạy tà tà ở 70 km/h hết sức nhẹ nhàng. Sau khoảng 45 phút đánh vật khi chạy đường đèo với sportbike, toàn thân người lái, đặc biệt cổ tay hay cơ đầu gáy mỏi nhừ vì phải vật sang trái-phải liên tục, đặc biệt các khúc cua chữ S. Tư thế ngồi thẳng của nakedbike lại khiến chủ nhân nhẹ nhàng như không.
Kết cấu hộp số khiến độ hãm khi trả số cũng êm ái hơn, không như những thú dữ sportbike gầm lên thảm thiết. Với nhiều chế độ chạy như hiện nay, nakedbike không chỉ là người bạn dễ hiểu, mà còn thú vị khi luôn sẵn sàng biến đổi.
Nakedbike đã tối ưu hóa những chiếc superbike để phù hợp với đường phố, nhưng liệu anh chàng này có nhược điểm gì không? Dòng xe nào sẽ ra đời tiếp theo để xóa bỏ điểm yếu của nakedbike và trở thành người hoàn hảo?
Đức Huy
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet