Nội dung
Cô gái xinh đẹp của đất nước hoa Champa đặt lên bàn một chõ xôi, một đĩa rau, một đĩa lạp và hai chai bia, vậy là chúng tôi đã có một bữa tối ngon miệng.
Gần 7 tiếng chạy xe, chúng tôi mới dừng lại để ăn vì cứ cố đi cho kịp đến nơi trước khi trời tối hẳn. Ở mảnh đất Lào, tốt nhất nên đến các điểm nghỉ trước khi trời tối, tránh chạy trên đường vì quá vắng người và xe cộ, sẽ có nhiều vấn đề không lường trước được.
Quán nhỏ vẫn còn sáng đèn. Thấy chúng tôi, nhân viên quán vẫy tay rối rít. Phòng nghỉ đã có, cũng gần đây, cả nhóm có thể yên tâm ngồi nghỉ ngơi và ăn một bữa ngon lành.
Lạp ngon của người lào
Gia vị làm nên món lạp truyền thống của người Lào.
Thị tứ nhỏ đã vắng ánh đèn, chỉ còn thưa thớt vài ba ngôi nhà le lói. Tôi khép khẽ một góc cửa gỗ chắn gió lùa vì trời đã giăng sương mờ và khá lạnh. Trong quán, chỉ còn bốn vị khách đã thấm mệt sau cuộc hành trình dài và đói lả chờ đợi. Tiếng chặt chặt băm băm xôn xao trong bếp, mùi thơm lan tỏa khiến mấy cái bụng thêm cồn cào.
Một chõ xôi cùng đĩa rau sống được bưng ra trước. Đói quá, chúng tôi ăn vội vàng. Hạt xôi dẻo quánh và dễ ăn. Chưa đầy 10 phút, chõ xôi hết sạch. Chị bán hàng thấy vậy đặt thêm hai chõ xôi mới lên bàn. Nhưng lần này đi kèm với xôi là một món khá lạ mà cậu bạn tôi bảo là lạp cùng hai chai bia, kèm thêm một con cá nướng thơm lừng. Bụng đã tạm ấm, chúng tôi thong thả với món ăn mới.
Không có đũa bát, món lạp được dùng ăn kèm với xôi và ngon nhất là bốc tay. Sau khi được chỉ cách phải vắt chanh lên món ăn, tôi nhón thử miếng đầu tiên, kèm xôi và rau xà lách. Một món thịt được băm nhỏ, nêm nếm gia vị vừa miệng với vị chua của nước cốt chanh, vị cay của ớt tạo nên ấn tượng đặc biệt. Vị ớt cay xé cuống họng cùng vị thịt ngọt lịm. Kèm với lạp là quả vả, đậu đũa sống, rau diếp cá và rau húng bạc hà.
Lạp ngon của người lào
Ăn lạp không thể thiếu các món rau ăn kèm, đặc biệt là chanh.
Trong tiếng Lào, món lạp mang nghĩa lộc, may mắn, tượng trưng cho lời cầu chúc bình an, may mắn của những người Lào giản dị. Món lạp được làm khá đơn giản. Người Lào thường dùng các loại thịt bò, heo, gà, vịt và tim, gan băm nhỏ. Riêng món lạp heo có thêm bì heo thái sợi. Tất cả được trộn đều với gia vị như nước cốt chanh, riềng, sả, hành tây, rất nhiều ớt và một chút thính nếp.
Người Lào thường ăn món lạp thịt sống để cảm nhận hết vị tươi ngọt của thịt, vị bùi béo của tim gan. Khi ăn sống, nước cốt chanh và ớt vô cùng quan trọng, nó giúp sát khuẩn làm cho bên ngoài miếng thịt trở nên chín tái nhưng bên trong vẫn giữ được vị tươi ngon. Với những vị khách không quen ăn thịt sống như vậy, món lạp sẽ được làm chín.
Sau lần thưởng thức món lạp ngon tuyệt ấy, bữa ăn nào trên đất nước Triệu Voi chúng tôi cũng gọi lạp kèm xôi. Tôi đã nếm thử món lạp được làm chín thịt nhưng đúng là ăn không thú vị bằng món lạp được làm tái chín bằng nước cốt chanh, tạo vị khác biệt.
Lạp ngon của người lào
Lạp là món ăn đón Tết với ý nghĩa may mắn của người dân đất nước Triệu Voi.
Tại các nhà hàng lớn hay nhỏ ở Lào đều có bán món lạp với giá khoảng 60.000 đồng một đĩa. Món ăn này không dễ để làm tại nhà dù tôi đã thử làm với những hướng dẫn cơ bản nhất. Có thể do tay nghề chưa đủ khéo, cũng có thể do tôi không được ngồi ăn lạp với nắm xôi dẻo thơm ngon, giữa không khí thắm đượm tình thân của những người bạn Lào thân thiện trong điệu múa Lamvong dìu dặt.
Lam Linh​
vnexpress.net​

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Phở cuốn làng Ngũ Xã

Cũng thịt bò, bánh phở, rau thơm... nhưng không phải thái sợi bánh nhỏ ra chan với nước dùng mà để miếng vuông cuốn lại như nem. Người từ nơi xa đến biết tiếng phở cuốn thế nào cũng phải ghé qua nếm thử.

Xem thêm  

Quán cuối tuần: Chả cá Hà Nội

Quán khá ấn tượng với bảng hiệu làm từ tấm gỗ hình một con cá. Nội thất được trang trí với những bức tranh sơn dầu phố phường Hà Nội. Thực khách đến đây còn được nghe văng vẳng giai điệu ả đào.

Xem thêm  

Trám - đặc sản dân dã

Trám có vào mùa cuối tháng 7 đầu tháng 8. Trám có thể nhồi thịt, kho cá hoặc đem om cũng vẫn giữ vị bùi, béo. Bát cơm gạo mới trắng tinh có mấy miếng trám đen kho cá là cả một bữa tiệc đồng quê.

Xem thêm  

Tứ xứ bánh canh

Bánh canh được làm chủ yếu từ bột gạo, một số nơi ở miền nam có thêm bánh canh làm bằng bột lọc. Tại Huế có hai loại là bánh canh Nam Phổ và bánh canh cá tràu, tức cá lóc. Cách làm sợi bánh cũng như nước dùng của hai loại này khác nhau nhiều.

Xem thêm