Đứng trên phố sá ngắm thánh đường tráng lệ được dát vàng khắp chốn và những chiếc xe bóng nhoáng vun vút lao qua; nhìn xuống dòng sông mênh mang nước lúp xúp những ngôi nhà nổi như những “khu ổ chuột”, thật dễ để liên tưởng đến đối cảnh “sang - hèn” ở Vương quốc Brunei nổi tiếng giàu có và xa hoa. Nhưng dĩ nhiên không phải vậy!
Từ một thánh đường Hồi giáo lộng lẫy, chỉ bước qua chiếc cầu bê tông hẹp là đã đặt chân vào thế giới khác - một thế giới nổi trải dài trên sông Brunei có tên gọi Kampong Ayer - nghĩa là “Làng Nước”. Kampong Ayer hiện là làng nổi lớn nhất trên thế giới, có khoảng 30 nghìn cư dân sinh sống trong hơn 40 làng với những ngôi nhà cách mặt nước chừng 2 m.
Làng nổi lớn nhất trên thế giới này được xem là biểu tượng của lịch sử, văn hóa và sự phát triển của đất nước Brunei.
Kampong Ayer cho ta cảm giác vừa lạ vừa quen. Quen bởi như ta đang xuôi qua những xóm ấp vùng sông nước Cà Mau. Còn lạ bởi mặt tiền những ngôi nhà ở làng nổi Kampong Ayer không bung ra đường sông - nơi lưu thông của các phương tiện thủy hoặc nơi người dân chật vật bám lấy sông mà sống với những hàng quán, bán - mua như ở ta…
Đó là do cư dân làng nổi được nhà nước “chăm bẵm” khá tốt nhờ vào nguồn thu lớn từ dầu lửa. Mặt khác, họ còn được hưởng nhiều dịch vụ miễn phí từ nhà nước như giáo dục, y tế, người già được hưởng trợ cấp. Làng được chu cấp đầy đủ với cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm, thánh đường…Vậy nên dân làng nổi sống khá thong dong, rất nhiều người trong làng hàng ngày vào đất liền làm việc trong các công sở.
Những chiếc taxi nước rất phổ biến ở làng nổi Kampong Ayer.
Khác với vẻ bề ngoài của làng có phần lụp xụp như những “khu ổ chuột”, không gian bên trong làng lại rất… xịn, mọi nhà đều đầy đủ tiện nghi hiện đại. Từng ngôi nhà ở Kampong Ayer có sự gắn kết, nối liền với nhau bằng hệ thống đường bộ được nhà nước Brunei làm bằng một loại gỗ đặc biệt trên đảo Borneo.
Mặt tiền từng ngôi nhà hướng ra con đường gỗ trông mảnh mai nhưng vững chãi và sạch sẽ. Tuy sống trên sông nước nhưng hầu như gia đình nào cũng có ôtô và họ để ở bãi xe gần nhất trên đất liền. Phía sau mỗi căn nhà đều có bến thuyền, hàng ngày họ đón “taxi nước” (loại thuyền gắn máy) vào bờ và lấy xe đi làm. Nghe nói có đến hàng trăm chiếc “taxi nước” hoạt động liên tục phục vụ việc di chuyển của cư dân làng nổi, trong khi trên đất liền số taxi chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cảnh sống dân dã nhưng cũng rất lãng mạn với những khoảng sân rộng và lối đi chung được trồng rất nhiều hoa và cây cảnh. Cư dân làng nổi rất chú trọng trang trí cho ngôi nhà của mình. Bởi thế mà chúng tôi đã nhầm bước vào một ngôi nhà mang phong cách “black & white” với nhiều phòng và phòng nào từ trang trí đến vật dụng của gia chủ cũng chỉ hai màu trắng - đen. Rồi điềm nhiên ngồi lên salon phòng khách được bài trí như nhà hàng và gọi đồ uống. Dĩ nhiên, những chủ nhân “biệt thự nổi” tươi cười giải thích về cái sự nhầm của những vị khách lạ.
Một góc làng nổi Kampong Ayer.
Trong Bảo tàng Công nghệ Brunei chiếm một diện tích lớn trưng bày và mô phỏng ký ức sống của dân làng nổi. Với bề dày lịch sử hơn 1.300 năm mà khởi dựng chỉ là những nhóm người nhỏ - cũng là những cư dân đầu tiên của Vương quốc Brunei - sống rải rác trên đảo Borneo, đến sự phát triển độc đáo và bản sắc như ngày nay, Kampong Ayer là niềm yêu quý và đầy tự hào của người dân Brunei. Dù giờ đây, chỉ còn chừng 1% dân số làng làm nghề đánh bắt, con cháu của làng nổi nhiều người khá giả, nhưng họ luôn yêu làng như máu thịt của mình và không muốn rời lên đất liền với bao tiện lợi, trong đó có cả những gia đình thuộc dòng dõi hoàng tộc.
Yêu Kampong Ayer nên từ những thần dân cho đến Quốc vương đều chăm chút để làng nổi này luôn giữ được vẻ độc đáo, là biểu tượng của lịch sử và văn hóa Brunei. Đó cũng là cách bảo vệ “di sản sống” quý báu của Brunei, để dù bất cứ ai đặt chân đến đất nước này cũng đều không thể bỏ qua Kampong Ayer.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet