Nội dung

Mỗi người dân tham gia phòng chống, ngăn ngừa tội phạm là việc làm vô cùng ý nghĩa nhưng cần phải hiểu và tuân thủ pháp luật nhằm hạn chế hành động sai lầm, thậm chí vô tình vi phạm pháp luật. Các vụ việc truy bắt, truy đuổi tội phạm vốn xảy ra phổ biến và mới đây là vụ việc liên quan đến 2 người tham gia ngăn chặn taxi vi phạm dẫn đến tài xế xe này gây tai nạn làm 1 người chết và 7 người bị thương ở Hà Nội, được xem như bài học cho mọi người.

Ra tay nghĩa hiệp

Trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta thường gặp chuyện bất bình, như trộm cắp tài sản. Khi gặp trường hợp này, chúng ta thường giúp nạn nhân truy đuổi. Một số người do quá khích, có thể đánh đối tượng bị thương sau đó mới giao cho công an xử lý. Mới đây, người viết chứng kiến vụ đánh đối tượng trộm xe đạp ở một quận nội thành TP HCM. Nghe tiếng tri hô của nạn nhân, mọi người trong xóm rượt theo đối tượng, người đi đường thấy chuyện bất bình cũng tham gia. Ngoài chửi rủa, đối tượng bị bắt giữ nhận một trận đòn thừa sống thiếu chết. Nhiều người tham gia đánh hội đồng không liên quan gì đến nạn nhân, chỉ suy nghĩ đơn giản là muốn trừng trị kẻ xấu.

Làm lục vân tiên sao cho đúng

Tài xế taxi bị truy đuổi gây tai nạn trên cầu vượt Thái Hà - chùa Bộc (Hà Nội) làm 1 người chết, 7 người bị thương vào tối 8-11. Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Cách đây vài ngày, khi nghe tiếng kêu cướp thất thanh của một phụ nữ đi đường, anh N.V.B (quận 2, TP HCM) tăng tốc đuổi theo, đâm thẳng xe vào đối tượng. Kết quả, đối tượng ngã nhào xuống đường bất tỉnh. Sau vụ việc trên, anh B. được cơ quan chức năng mời đến lấy lời khai để làm rõ vụ việc. “Thấy cảnh cướp giật mà mình cũng từng là nạn nhân nên rất căm phẫn mới có hành động như thế. Thế nhưng, vụ việc xảy ra tôi cũng suy nghĩ rất nhiều, không biết pháp luật xử lý hành vi của tôi hay không khi đối tượng bị tôi tông chết” - anh B. bộc bạch.

Lo lắng của anh B. không phải là không có cơ sở, khi năm ngoái một số “hiệp sĩ” ở Bình Dương trong lúc truy đuổi đối tượng vi phạm đã có một người mất mạng, một người bị thương.

Phải tuân thủ đúng pháp luật

Điều 46 Hiến pháp nêu rõ: “Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng”. Khoản 3, điều 4 Bộ Luật Hình sự 1999 cũng quy định: “Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia đấu tranh, phòng ngừa và chống tội phạm”.

Bàn về việc người dân tham gia truy đuổi, truy bắt người vi phạm pháp luật giao thông hay tội phạm, đại tá Huỳnh Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc - Bộ Công an, từng khẳng định: “Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ trật tự xã hội, an ninh Tổ quốc. Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền và nghĩa vụ cùng tham gia hoạt động giữ gìn an ninh trật tự trên cơ sở phải tuân thủ đúng pháp luật”.

Như vậy, về lý, việc tham gia vào các hoạt động truy bắt tội phạm, bảo vệ trật tự không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của mọi người dân. Về tình, chúng ta vẫn thường có thái độ đồng tình hoặc dành tình cảm ngưỡng mộ cho những “Lục Vân Tiên” thấy việc bất bình ra tay tương trợ, giúp đỡ người gặp nạn.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong nhiều trường hợp, hành vi của người tham gia truy bắt người vi phạm, tội phạm vượt quá hành động nghĩa hiệp. Những vụ việc như truy đuổi và đánh chết người trộm chó; truy đuổi và tông chết kẻ trộm cướp khi tham gia giao thông; can thiệp vào các cuộc ẩu đả bên đường bằng vũ lực gây thương tích cho người khác… vẫn thường xuyên xảy ra. Trong một số vụ việc, sự tham gia truy đuổi, truy bắt của người dân còn cản trở, gây khó khăn cho công việc của người thi hành công vụ.

Để hạn chế những vụ việc như vậy, theo đại tá Phương, cơ quan chức năng cần phải tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và kiến thức pháp luật cho người dân. Không thể ngăn chặn hành vi phạm tội bằng hành động vi phạm pháp luật, gây ra hậu quả xấu cho người khác và chính mình.

Không được vượt quá giới hạn

Theo quy định của điều 82 Bộ Luật Tố tụng hình sự, người dân chỉ có quyền truy đuổi, bắt giữ người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã. Ngay sau khi bắt được tội phạm thì phải giao lại cho cơ quan công an có thẩm quyền giải quyết.

Còn theo điều 15 Bộ Luật Hình sự, người dân chỉ được ngăn chặn, chống trả trong trường hợp người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích của nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác. Nếu vượt quá, chính người dân sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại hoặc trong một số trường hợp đặc biệt, phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật.

Ý KIẾN

Ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia: Không nên truy đuổi cướp trên đường

Việc người dân tham gia truy đuổi, bắt đối tượng cướp giật trên đường phố là không nên vì có thể gây tai nạn, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe cho mình và những người tham gia giao thông. Đó là chưa nói một số đối tượng cướp giật còn cất giấu hung khí trong người, sẵn sàng chống trả nếu bị truy đuổi gắt gao. Ngay cả trong trường hợp phát hiện người vi phạm pháp luật giao thông, việc cần làm là hợp tác cung cấp thông tin chứ không làm thay công việc của người thi hành công vụ.

Trong mọi tình huống, người bị hại hay người chứng kiến vụ việc nên giữ bình tĩnh, hô hoán người đi đường cùng giúp đỡ nếu có thể. Nhưng quan trọng nhất là cố gắng tìm cách ghi nhớ được đặc điểm kẻ gây án và phương tiện gây án để ngay sau đó trình báo cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc điều tra, truy bắt.

Đại tá Trần Thế Quân - phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an: Khuyến khích nhưng không được… quá khích

Việc người dân tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự xã hội luôn được khuyến khích. Trong các chỉ thị của Đảng, nhà nước đều nhắc đến cụm từ: toàn dân phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân khi tham gia phòng chống, truy bắt tội phạm. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hiện nay đã có hướng dẫn về việc huy động nhân dân và nhân dân tham gia như thế nào, cách thức huấn luyện cho người dân ra sao và rất nhiều hướng dẫn cho người dân xử lý tình huống cụ thể. Mặt khác, cũng cần cảnh báo người dân không được quá khích khi tham gia truy đuổi, truy bắt bởi có thể gây ra hậu quả không lường hết được, như vụ rượt đuổi taxi vi phạm luật giao thông ở Hà Nội hay các vụ truy bắt người trộm chó rồi đánh chết họ…

Về lâu dài, biện pháp cơ bản nhất là tăng cường tuyên truyền, giáo dục, cả về chuẩn mực pháp luật và đạo đức, văn hóa ứng xử cho người dân. Không phải cứ gặp tình huống vi phạm thì đánh người ta, gây hậu quả xấu cho gia đình và xã hội.

Luật sư Phạm Hoài Nam, Đoàn Luật sư TP HCM: Nên làm như mô hình PAC-TAC của Mỹ

Ở nhiều quốc gia vẫn có mô hình cho phép người dân tham gia xây dựng khu phố an toàn, bảo vệ những người xung quanh tránh khỏi tội phạm; chẳng hạn như mô hình PAC-TAC (Police and Citizens Together Against Crime) ở Mỹ.

Theo chương trình này, người tự nguyện đăng ký tham gia sẽ được hướng dẫn về luật, tìm hiểu hơn về nghề cảnh sát cũng như được hướng dẫn các kỹ năng tự vệ. Các tình nguyện viên khi tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ vật chất để tuần tra như xe đạp, radio, đèn pin, công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, họ phải làm việc cùng một nhân viên tuần tra hay nhân viên phòng chống tội phạm. Họ tuần tra dưới sự giám sát rất chặt chẽ của một sĩ quan cảnh sát. Công việc của họ là tuần tra, quan sát và báo cáo nếu có vấn đề xảy ra cho cảnh sát hoặc người có thẩm quyền.

Việt Nam nên cụ thể hóa quy định về quyền và nghĩa vụ của người dân tham gia truy bắt tội phạm, bảo vệ trật tự bằng những mô hình như vậy.

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Đi xe SH mới là đẳng cấp

"Trên thế giới chẳng còn nước nào quan tâm đến xe hai bánh, nó chỉ được coi là phương tiện 'thể thao nguy hiểm'. Ở ta vẫn quan trọng hóa vấn đề, rằng nó thể hiện đẳng cấp của người đi, thật...

Xem thêm  

10 status ấn tượng trong tuần trên Facebook

'Già rồi hãy sống và làm những điều mình yêu thích, đơn giản vì mình không còn nhiều thời gian', Kỳ Duyên viết. Status số 1 "Người đàn ông mang đến hoa hồng chỉ để vui chứ không nên quá coi trọng....

Xem thêm